menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Vũ

Tin thế giới 29/8: EU tính siết thị thực với công dân Nga, tập trận Vostok-2022, diễn đàn an ninh quốc tế tại Hàn Quốc

EU siết thị thực với công dân Nga, tập trận Vostok-2022 sắp điểm, diễn đàn an ninh quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc… là một số tin thế giới nổi bật ngày 2

Xung đột Nga-Ukraine

* Nga kêu gọi gây sức ép với Ukraine liên quan nhà máy Zaporizhzhia: Ngày 29/8, Moscow đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Ukraine giảm căng thẳng quân sự tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cáo buộc Kiev khiến cả châu Âu gặp nguy hiểm. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, cũng nêu rõ Moscow không đề cập khả năng thiết lập một khu phi quân sự tại nhà máy.

Lời kêu gọi trên được đưa ra ngay trước chuyến thị sát nhà máy Zaporizhzhia của phái đoàn thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).Trước đó, cùng ngày, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) - ông Mikhail Ulyanov hy vọng rằng chuyến thị sát của IAEA tới nhà máy Zaporizhzhia sẽ giúp xóa tan đồn đoán thiếu căn cứ về tình hình tại đây. (Reuters)

* Ukraine: Nga ngăn châu Âu tích trữ khí đốt cho mùa Đông: Phát biểu trước hội nghị dầu khí được tổ chức ở Na Uy thông qua liên kết trực tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29/8 cáo buộc Nga đang tìm cách ngăn chặn các quốc gia châu Âu nạp đầy kho khí đốt để đối phó với mùa Đông sắp tới.

Tình trạng khan hiếm khí đốt ở châu Âu đã trở nên trầm trọng hơn sau khi Nga giảm tối đa nguồn cung khí đốt cho lục địa này xuống còn 20% công suất với lý do chưa nhận được tua-bin vận hành đường ống “North Stream 1” (Dòng chảy Phương Bắc 1), hiện được cất giữ tại Đức sau khi bảo dưỡng ở Canada. (Reuters)

Châu Âu

* EU có thể siết chặt quy định cấp thị thực cho công dân Nga: Giới chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ các Ngoại trưởng EU nhóm họp tại Prague, Czech ngày 30 và 31/8 có thể nhất trí siết chặt quy định cấp thị thực cho công dân Nga và thảo luận về lệnh cấm rộng hơn đối với thị thực du lịch.

Theo đó, các ngoại trưởng châu Âu có thể nhất trí về mặt nguyên tắc đối với đề xuất đình chỉ thảo luận tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cấp thị thực với Nga. Như vậy, các công dân Nga sẽ phải trả 80 Euro thay vì 35 Euro cho thị thực EU, đồng thời phải đối mặt với thủ tục cấp thị thực dài hơn.

Các nguồn tin này cũng cho biết xung đột kéo dài 6 tháng ở Ukraine vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của EU. Do đó, lệnh cấm thị thực đối với công dân Nga do một số quốc gia thành viên chủ chốt ở phía Đông châu Âu thúc đẩy sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp. (Reuters)

* Binh sĩ nước ngoài đến Nga chuẩn bị tập trận Vostok-2022: Ngày 29/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo binh sĩ từ một số nước đã đến miền Đông nước này để tham gia cuộc tập trận chung mang tên Vostok-2022 tại miền Đông nước Nga.

Các binh sĩ tham gia đã đến thao trường Sergeyevsky ở vùng Viễn Đông (Nga) nhận trang thiết bị và vũ khí của mình.

Theo đó, hơn 50.000 quân nhân sẽ tham gia cuộc diễn tập chỉ huy và tham mưu chiến lược trong thời gian 1-7/9 tại các khu huấn luyện thuộc Quân khu miền Đông.

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn 5.000 phương tiện vũ khí và thiết bị quân sự, bao gồm 140 máy bay, 60 tàu chiến, tàu thuyền và tàu hỗ trợ, sẽ tham gia vào tập trận Vostok-2022 do Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, trực tiếp chỉ huy.

Nội dung tập trận bao gồm các hạng mục phòng thủ và tấn công được tổ chức tại 7 khu huấn luyện trên đất liền, các khu quân sự duyên hải thuộc Biển Okhotsk và Biển Nhật Bản. Mục tiêu diễn tập nhằm nâng cao kỹ năng của chỉ huy và binh sĩ trong quản lý các nhóm quân liên quân và liên minh đẩy lùi các cuộc xâm lược giả định ở hướng Đông và trong biển Viễn Đông của Nga, tăng khả năng tương thích và mức độ tương tác trong hiệp đồng tác chiến, giải quyết nhiệm vụ chung là duy trì hòa bình, bảo vệ lợi ích và đảm bảo an ninh quân sự ở phía Đông.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, các binh sĩ nước này cùng các đại diện của Ấn Độ, Belarus, Tajikistan và Mông Cổ sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự chiến lược Vostok-2022 tổ chức tại Nga. Bộ trên khẳng định Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này là nhằm tăng cường phối hợp chiến lược giữa các nước và tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh. (Sputnik)

* Đức ủng hộ Croatia, Romania, Bulgaria gia nhập Schengen: Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 29/8 đánh giá 3 quốc gia thuộc EU gồm Croatia, Romania và Bulgaria đều đáp ứng các yêu cầu trở thành thành viên chính thức của Khu vực tự do đi lại Schengen (khu vực miễn hộ chiếu).

Trong bài phát biểu tại Prague, Czech, ông Scholz bày tỏ: “Schengen là một trong những thành tựu lớn nhất của EU, và chúng ta nên bảo vệ và phát huy thành tựu đó. Nhân tiện đề cập đến vấn đề này, thông điệp mà tôi muốn truyền tải là (chúng ta) cần thu hẹp những khoảng cách còn tồn tại. Croatia, Romania và Bulgaria đáp ứng được tất cả các yêu cầu kỹ thuật để trở thành thành viên đầy đủ. Tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy các quốc gia này trở thành thành viên chính thức”. (Reuters)

* Hungary "gỡ rối" vấn đề năng lượng, Czech kêu gọi EU nhóm họp: Ngày 29/8, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto tuyên bố Budapest sẽ tiếp tục đàm phán với Nga về cung cấp khí đốt bổ sung và dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận với Tập đoàn khí đốt Gazprom nhằm tăng thêm nguồn cung từ tháng tới.

Hồi tháng trước, ông Szijjarto đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moscow để tìm cách thuyết phục Nga cung cấp thêm 700 triệu m3 khí đốt ngoài thỏa thuận cung cấp dài hạn hiện có với Moscow. Hiện Gazprom đã bắt đầu tăng nguồn cung khí đốt cho Hungary trong tháng 8, bổ sung vào lượng khí đốt đã thỏa thuận cung cấp trước đó qua đường ống dẫn khí đốt Turkstream.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela cho biết trên cương vị Chủ tịch luân phiên của EU, Prague đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp bất thường Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU vào ngày 9/9 tới để giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc tổ chức Đối thoại Quốc phòng Seoul vào tuần tới: Bộ Quốc phòng nước này ngày 29/8 cho biết diễn đàn an ninh quốc tế thường niên, Đối thoại Quốc phòng Seoul (SDD) 2022 sẽ bắt đầu tại Khách sạn Lotte, Seoul ngày 6/9 về “Cách giải quyết các thách thức an ninh phức tạp: Tăng cường đoàn kết quốc tế” và kéo dài 3 ngày.

Đây sẽ là SDD trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019. Trước đó, do dịch Covid-19, diễn đàn đã được tổ chức trực tuyến năm 2020 và dưới hình thức kết hợp - cả trực tuyến và ngoại tuyến vào năm ngoái.

Phát biểu về mục đích của diễn đàn, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul cho biết: “Để vượt qua các mối đe dọa đa dạng như vậy và xây dựng hòa bình bền vững, điều quan trọng là phải mang lại sự đoàn kết và hợp tác cho cộng đồng quốc tế”.

Năm nay, Nhóm Công tác An ninh Không gian SDD sẽ được thành lập để thảo luận về hợp tác toàn cầu trong việc thúc đẩy an ninh trong lĩnh vực chiến lược này. Nhóm Công tác An ninh Mạng đã thành lập cũng sẽ hoạt động trở lại trong năm nay sau 3 năm nghỉ.

SDD năm nay bao gồm 3 phiên họp toàn thể quan trọng về hợp tác thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên, xây dựng lại lòng tin trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và vai trò của quân đội trong chiến tranh hỗn hợp liên quan đến cả vũ khí thông thường và không thông thường.

Ngoài ra, 4 phiên họp đặc biệt đã được lên lịch để thảo luận về các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch, công nghệ quốc phòng để hiện đại hóa quân đội và các nỗ lực mua sắm vũ khí. (Yonhap)

Trung Đông – Châu Phi

* Iraq: Giáo sĩ Moqtada al-Sadr tuyên bố từ bỏ chính trị: Ngày 29/8, Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite quyền lực ở Iraq, ông Moqtada al-Sadr, tuyên bố sẽ rời bỏ chính trường và đóng cửa các cơ sở của mình để phản ứng với tình trạng bế tắc chính trị khó giải quyết. Tuyên bố trên trang Twitter cá nhân, ông al-Sadr viết: “Tôi xin thông báo về sự rút lui”.

Giáo sĩ al-Sadr đã chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị dòng Shi’ite không chú ý đến những lời kêu gọi cải cách của ông. Vị giáo sĩ không nói rõ lý do đóng cửa các văn phòng, song khẳng định một số cơ sở văn hóa và tôn giáo của ông sẽ vẫn mở cửa.

Hồi tháng 6, Giáo sĩ al-Sadr đã rút các nghị sĩ trong đảng của ông khỏi Quốc hội Iraq sau khi thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ do ông lựa chọn. Tình trạng bế tắc chính trị giữa ông và các đối thủ Shi’ite thân Iran đã khiến Iraq rơi vào tình trạng không có chính phủ trong một thời gian dài.

Hôm 27/8, Giáo sĩ al-Sadr cho rằng tất cả các đảng phái, trong đó có đảng của mình, nên rời khỏi chính phủ Iraq để tạo điều kiện cho tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt nhiều tháng qua. (Reuters)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại