Tin thế giới 29/11: Tổng thống Belarus ra khẩn lệnh; tập đoàn Gazprom của Nga đếm tiền mỏi tay; tiêm đủ vaccine có thoát Omicron?
Tình hình Belarus, Nga-Mỹ, đàm phán hạt nhân Iran, khủng hoảng năng lượng, biến thể mới Omicron là một số tin thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.
Belarus: Tổng thống Lukashenko ra lệnh chuẩn bị ứng phó khiêu khích
Ngày 29/11, hãng thông tấn Belta đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường năng lực tấn công gần biên giới của nước này.
Cùng ngày, trong cuộc họp với giới chức quân đội Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko cho rằng, các nước NATO đã tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới Nga và Belarus, cũng như bố trí lực lượng và vũ khí bổ sung tới biên giới quốc gia Đông Âu này.
Nhà lãnh đạo Belarus yêu cầu quân đội "học được một điều: không thể coi tình hình xung quanh Belarus là một sự kiện đơn lẻ hoặc tách biệt với các diễn biến ở khu vực Biển Đen và các vấn đề liên quan Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic". Ông nhấn mạnh: “Chúng ta là một mắt xích trong chuỗi chung này".
Khẳng định dù chưa biết đầy đủ nhưng "nhận thức được ý định của đối thủ", Tổng thống Lukashenko lệnh cho các quan chức an ninh chuẩn bị kế hoạch ứng phó với các hành động gây hấn có thể xảy ra từ bên ngoài, song tránh các hành động khiêu khích.
Theo người đứng đầu nhà nước Belarus, "cần có các kế hoạch ứng phó bất kỳ hành động nào của họ. Chúng ta có mọi cơ hội để phản ứng lại bất cứ hành động nào của họ bằng vũ khí". (Reuters, Sputnik)
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Có thể diễn ra bất cứ lúc nào
Ngày 29/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện tại vẫn chưa có thỏa thuận nào về thời điểm diễn ra cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Theo ông Peskov, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra vào cuối năm nay, song hiện tại, không có thỏa thuận nào về ngày giờ chính xác, "không có kế hoạch nào cho ngày mai" và "cũng không có kế hoạch nào" cho ngày 1/12.
Tuy nhiên, quan chức Điện Kremlin cho biết, kế hoạch này có thể được hai bên đồng ý bất cứ lúc nào và khi đó, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra.
Trước đó, ngày 26/11, Tổng thống Biden cho biết, ông có khả năng sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine với nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng đang gia tăng liên quan việc Moscow tăng cường quân đội gần biên giới với Ukraine, động thái mà Nga luôn bác bỏ. (TASS, Reuters)
Đàm phát hạt nhân Iran: Quyết tâm của Tehran
Ngày 29/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Said Khatibzadeh cho biết, Tehran "rất quyết tâm" đạt được một thỏa thuận với các cường quốc về việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 trong các cuộc hội đàm nối lại tại Vienna vào ngày 29/11.
Quan chức ngoại giao Iran nói: "Phái đoàn của Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Vienna mong đợi những cuộc hội đàm thành công. Chính quyền đã thể hiện sự sẵn sàng và nghiêm túc bằng cách gửi tới một nhóm chất lượng được tất cả mọi người biết tới".
Ông Khatibzadeh nhấn mạnh: "Nếu phía bên kia chứng tỏ sự sẵn sàng tương tự, chúng tôi sẽ đi đúng đường để đạt được một thỏa thuận. Nếu Mỹ tới Vienna với quyết tâm phá vỡ thế bế tắc và vượt qua những vấn đề mà chúng tôi không thể thống nhất trong những vòng đàm phán trước, con đường đối thoại chắc chắn sẽ dễ dàng hơn".
Quan chức này cũng cho biết, Iran sẽ không tiến hành thảo luận song phương với phái đoàn Mỹ trong khuôn khổ đàm phán nối lại thỏa thuận hạt nhân tại Vienna, Áo. (AFP)
Tập đoàn năng lượng Gazprom báo cáo lợi nhuận kỷ lục nhờ giá khí đốt tăng mạnh
Ngày 29/11, công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga báo cáo lợi nhuận ròng hàng quý kỷ lục là 581,8 tỷ Ruble (7,8 tỷ USD) cho quý III/2021, phản ánh giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Thậm chí, Gazprom còn dự kiến lợi nhuận có thể còn cao hơn trong ba tháng cuối năm.
Mức lợi nhuận kỷ lục này đảo ngược khoản lỗ 251 tỷ Ruble ghi nhận trong quý III/2020. Trước đó, lợi nhuận theo quý cao nhất của Gazprom là gần 536 tỷ Rruble trong quý I/2019.
Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt còn các nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn suy yếu vì tác động của đại dịch Covid-19, giá khí đốt - một trong những nguồn doanh thu chính của Gazprom đã tăng phi mã và đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu.
Gazprom cho biết, giá khí đốt trung bình của họ ở châu Âu và các khu vực khác trong quý III đã tăng từ mức 117,2 USD/1.000 m3 hồi cùng kỳ năm 2020 lên 313,40 USD/1.000 m3.
Một số chính trị gia và chuyên gia đổ lỗi cho Gazprom rằng, công ty không cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu để hạn chế cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực này. Phía Gazprom cho biết, họ đã đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. (Reuters)
Anh-Taliban đối thoại
Ngày 28/11, trên mạng xã hội Twitter, Đại biện phái bộ Anh về Afghanistan ở Doha (Qatar) Martin Longden thông báo đã tổ chức đối thoại với ông Amir Khan Muttaqi, Ngoại trưởng của chính quyền do Taliban thành lập ở Afghanistan.
Theo ông Longden, hai bên đã thảo luận về tình hình nhân đạo, sự hỗ trợ liên tục của Anh đối với người dân Afghanistan, thách thức khủng bố và yêu cầu cho phép tất cả các trẻ em gái Afghanistan trở lại trường học. Một chương trình nghị sự lớn cần cam kết lớn từ mọi phía.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan Abdul Qahar Balkhi cho biết, ông Muttaqi đã tổ chức cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày với phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) do Đặc phái viên về Afghanistan Tomas Niklasson đứng đầu, trong đó hai bên đã thảo luận về các vấn đề nhân đạo, y tế và an ninh.
Phái đoàn EU bày tỏ sự quan tâm tới việc cung cấp thêm hỗ trợ cho người dân Afghanistan.
Trong một diễn biến khác, một phái đoàn Taliban đang ở thăm Qatar và dự kiến tham dự vòng đàm phán mới với Mỹ trong tuần này về các vấn đề liên quan lợi ích song phương như dỡ bỏ phong tỏa tài sản, hỗ trợ nhân đạo, mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan sẽ được thảo luận tại các cuộc đàm phán này.
Đây sẽ là vòng đàm phán thứ hai giữa giới chức Mỹ và Taliban kể từ khi lực lượng này nắm quyền trở lại tại Afghanistan. (Sputnik)
Israel-Palestine: Tổng thống Israel tới Hebron khiến người Palestine nổi giận
Ngày 28/11, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã tới "Hang động của Tổ phụ" (Cave of Patriarchs) ở thành cổ Hebron, Bờ Tây, để thắp ngọn nến đầu tiên trong tháng lễ Hanukkah, được coi là linh thiêng nhất đối với người Do Thái.
Động thái này khiến nhiều người Palestine nổi giận dẫn đến xung đột với lực lượng an ninh Israel. Nhiều vụ đụng độ giữa người Palestine và Lực lượng vũ trang Israel (IDF) tại chốt an ninh mà phía Israel gọi là Machsom Hashoter, trong khi người Palestine gọi là Bab al-Zawiya.
Trước đó, hôm 27/11, lực lượng Hamas ở Gaza cảnh báo sẽ gia tăng bạo lực nếu ông Herzog vẫn thực hiện chuyến đi tới Hebron. Phong trào Kháng chiến Hồi giáo gọi hành động này là "tấn công" và "khiêu khích". (Jerusalem Post)
Israel sẽ trở thành đối tác hàng đầu của Anh
Ngày 28/11, trong một bài báo chung đăng trên tờ Telegraph, Ngoại trưởng Anh Liz Truss và người đồng cấp Israel Yair Lapid nhấn mạnh, hai nước sẽ "làm việc ngày đêm" để ngăn chặn Iran trở thành một cường quốc hạt nhân.
Bài báo có đoạn: "Đồng hồ đang kêu tích tắc, điều này làm tăng nhu cầu hợp tác chặt chẽ với những người bạn và đối tác của chúng tôi để cản trở tham vọng của Tehran".
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói rằng, nước này "rất quan ngại" việc các cường quốc thế giới xóa bỏ trừng phạt đối với Iran để đổi lấy những nhượng bộ của Tehran liên quan chương trình hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, theo tờ Telegraph, ngày 29/11, Israel và Anh ký một thỏa thuận có thời hạn 10 năm, nhằm phối hợp chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ, thương mại và quốc phòng.
Trong bài báo trên, hai nhà ngoại giao tiết lộ thêm rằng, Israel sẽ chính thức trở thành đối tác không gian mạng "cấp một" của Anh, trong nỗ lực cải thiện năng lực phòng thủ mạng khi các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng. (Reuters)
Biến thể Omicron: Tiêm đầy đủ vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm
Ngày 28/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, những người đã trải qua quá trình tiêm phòng đầy đủ chống Covid-19 vẫn có nguy cơ bị nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Omicron, nhưng với tốc độ có thể dự đoán được.
Trong khi đó, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Australia Peter Collignon, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và nhà vi sinh vật học của Đại học Quốc gia Australia (ANU), đánh giá, các loại vaccine ngừa Covid-19 đã được phê duyệt vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Omicron).
Theo giáo sư Collignon, xét về tỷ lệ tử vong và nhập viện trên thế giới, các loại vaccine hiện có đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc chống lại tất cả các biến thể đã có của SARS-CoV-2 và cho đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vaccine không có hiệu quả đối với biến thể Omicron.
Ông Collignon nhận định sự xuất hiện của các biến thể mới là điều cần quan tâm, nhưng cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và không để nỗi sợ hãi dẫn đến các quyết định thái quá.
Các nhà khoa học hiện đang gấp rút tập trung dữ liệu về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, phân tích khả năng lây nhiễm của biến thể và quan trọng nhất là việc liệu các vaccine ngừa Covid-19 đang được các nước sử dụng hiện nay có hiệu quả trong phòng chống biến thể này hay không.
Mặc dù vậy, hai hãng sản xuất vaccine là Pfizer/BioNTech và Moderna đang chuẩn bị điều chỉnh lại công thức bào chế vaccine để ứng phó với biến thể Omicron nếu các hãng này thấy cần phải làm như vậy. (Reuters, TASS)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận