Tin thế giới 27/12: Phương Tây đang "khoe khoang" vũ khí ở Ukraine? Nga sẽ không thành "pháo đài bị bao vây"; Mỹ tính kế mới nhắm vào Trung Quốc
Quan hệ Nga-NATO, Nga-Mỹ, Mỹ-Trung, vấn đề Ukraine, Nhật Bản-Trung Quốc là một số tin thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.
Nga-NATO: Kỳ vọng đàm phán đầu Năm mới
Hôm 26/12, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nhận được đề nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan việc khởi động đàm phán về những lo ngại an ninh của Moscow vào ngày 12/1 và đang cân nhắc đề nghị này.
Ngày 27/12, Điện Kremlin cho biết, có lý khi Nga tham gia cuộc đàm phán với NATO về các đảm bảo an ninh mà nước này mong muốn từ phương Tây, bên cạnh các cuộc đàm phán song phương với Mỹ.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov: "Đây là một nội dung thảo luận rất quan trọng" và công tác chuẩn bị đang được thực hiện thông qua các kênh ngoại giao.
Ông Peskov nói thêm, Nga sẽ xác nhận về ngày tiến hành đàm phán với NATO cũng như danh sách các quan chức tham gia.
Cùng ngày, trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara ủng hộ cuộc đối thoại giữa NATO và Nga về Ukraine.
Phát biểu với phóng viên, ông Cavusoglu nói: "Chúng tôi không muốn gây sức ép, chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục đàm phán trong khuôn khổ các thỏa thuận Minsk... Chúng tôi muốn vấn đề được giải quyết thông qua đối thoại... Chúng tôi thậm chí không muốn đề cập khả năng xảy ra chiến tranh". (TASS, Sputnik)
Khả năng Nga-Mỹ tổ chức đối thoại an ninh vào tháng 1
Ngày 27/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, trong tháng 1 tới, các quan chức ngoại giao và quân sự nước này sẽ thảo luận với Mỹ về danh sách các đảm bảo an ninh mà Moscow muốn có được từ Washington.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, những cuộc thảo luận giữa các quan chức Nga và Mỹ sẽ được tiến hành ngay sau kỳ nghỉ lễ Năm mới ở Nga. Ngày làm việc đầu tiên ở Nga trong năm 2022 là ngày 10/1.
Trước đó ngày 26/12, Nga cho biết đã nhận được và đang xem xét một đề xuất của NATO về việc khởi động đối thoại về những quan ngại an ninh của Moscow vào ngày 12/1 tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, mục tiêu của Moscow là "đạt được thỏa thuận dựa trên nền tảng mà chúng tôi đã đề xuất" cũng như loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO và chấm dứt việc liên minh quân sự này mở rộng sang phía Đông. (Reuters, Sputnik)
Nga nói phương Tây đang 'tắm' vũ khí cho Ukraine
Ngày 27/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow không loại trừ việc phương Tây đang tìm cách kích động một "cuộc chiến tranh quy mô nhỏ" ở Ukraine.
Phát biểu trong chương trình Solovyov Live trên YouTube, ông Lavrov nói: "Tôi không loại trừ việc phương Tây muốn đổ thêm dầu vào ngọn lửa quân phiệt để kích động một cuộc chiến quy mô nhỏ và sau đó đổ lỗi cho chúng tôi, tiếp đó đưa ra các biện pháp trừng phạt mới và chèn ép khả năng cạnh tranh của chúng tôi".
Theo ông, những nước này đang "tắm" cho Ukraine bằng vũ khí, phương tiện và thiết bị quân sự cũng như đang "khoe khoang" về điều đó. (Sputnik)
Lầu Năm Góc chuẩn bị kế hoạch mới nhắm vào Trung Quốc
Trang web chuyên đưa tin về quân sự và quốc phòng 19FortyFive tiết lộ, Lầu Năm Góc đang hoạch định chiến lược quốc phòng mới, có thể công bố vào đầu năm 2022.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Mara Karlin xác nhận, mỗi chiến lược bảo vệ quốc gia đều phải tính đến kết cấu quy hoạch lực lượng vũ trang của đất nước. Theo bà, mục tiêu cơ bản của kế hoạch quốc phòng mới mà Lầu Năm Góc đang xây dựng sẽ đặt trọng tâm vào Trung Quốc.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay, trong khuôn khổ chiến lược, Lầu Năm Góc dự kiến phối hợp với các đồng minh và đối tác để tháo gỡ những vấn đề tồn đọng hoặc đang thay đổi nhưng chưa hoá giải được.
Theo 19FortyFive, kế hoạch quốc phòng mới của Mỹ sẽ được xây dựng dựa trên chiến lược an ninh quốc gia tạm thời mà Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 3/2021.
Chiến lược này xác định 3 nhiệm vụ cơ bản: bảo vệ và hỗ trợ nhân tố khiến cho nước Mỹ trở nên hùng mạnh - gồm công dân, kinh tế, quốc phòng và dân chủ; thúc đẩy "sự phân chia quyền lực thuận lợi" để kiềm chế và ngăn cản các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga; lãnh đạo và ủng hộ hệ thống quốc tế mở, ổn định, phụ thuộc vào các liên minh dân chủ, các thể chế và thượng tôn pháp luật. (Sputnik)
Nga tuyên bố sẽ không biến thành "pháo đài bị bao vây"
Ngày 27/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ, nếu phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt, Moscow sẽ tìm ra một lời đáp trả, nhưng ông nhấn mạnh rằng, "Moscow tin vào sự thận trọng của các đối tác phương Tây".
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu Nga khẳng định, giới lãnh đạo Nga hoàn toàn không xem xét khả năng biến đất nước thành "pháo đài bị bao vây" vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông nói rõ: "Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục lên tiếng, đặc biệt là bài phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, cam kết mở rộng các cơ hội cho sự phát triển tự do của xã hội cũng như các nguyên tắc dân chủ".
Trước đó, ngày 26/12, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong trường hợp nước này xâm lược Ukraine.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, "bất kỳ hành động gây hấn nào với Ukraine đều sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt và hậu quả to lớn". (TASS)
Israel muốn thúc đẩy quan hệ an ninh với Australia
Ngày 27/12, trả lời phỏng vấn báo The Sydney Morning Herald của Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Yair Lapid cho biết, nước này "rất quan tâm đến việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Canberra và với tất cả các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Nước này hy vọng đạt được một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Australia và nêu ra triển vọng mở các chuyến bay thẳng giữa hai nước.
Vào tháng 11 vừa qua, Australia đã liệt kê tất cả đảng chính trị của Lebanon và nhóm chiến binh Hezbollah là một thực thể khủng bố. Ngoại trưởng Israel cho biết, Israel "quan tâm đến việc tăng cường hợp tác an ninh với Australia" sau động thái này.
Bên cạnh đó, ông Lapid cho biết, việc đối phó với các vụ tấn công mạng do nhà nước Iran tài trợ và sự ủng hộ của nước này đối với "những kẻ độc tài tàn bạo và các tổ chức khủng bố" cần là ưu tiên của cả hai quốc gia sau khi ký một biên bản ghi nhớ về an ninh mạng vào năm 2019.
Ông Lapid cho biết thêm, Israel, vốn đã có quan hệ sâu rộng với 5 nước Australia, Mỹ, Anh, New Zealand và Canada thuộc liên minh tình báo Five Eyes, bao gồm quan hệ đối tác an ninh và chia sẻ thông tin tình báo chặt chẽ với đồng minh thân cận nhất là Mỹ, sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn các mối quan hệ này thông qua các khuôn khổ và thỏa thuận hiện có cũng như những sáng kiến mới.
Nhật Bản tập trận giả định lực lượng nước ngoài chiếm Sensaku/Điếu Ngư
Nhật Bản vừa thông báo, hồi tháng 11, nước này đã tiến hành một cuộc tập trận trên đảo Tsutara (thuộc tỉnh Nagasaki), với tình huống giả định các lực lượng nước ngoài tấn công chiếm quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.
Hãng Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay, cuộc tập trận trên kéo dài 2 ngày (từ ngày 20/11), với sự tham gia của 400 binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF), Lực lượng Bảo vệ bờ biển và Cảnh sát biển Nhật Bản.
Cuộc tập trận sử dụng máy bay trực thăng và thuyền với hoạt động diễn tập đổ bộ lên đảo và phối hợp giữa các lực lượng, trong đó có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ mặt đất và Sở chỉ huy Cảnh sát biển khu vực 11 tại Naha thuộc tỉnh Okinawa, đơn vị có nhiệm vụ canh gác các đảo ngoài khơi của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng ứng phó trước tình huống khẩn cấp trên các đảo của nước này và “không nhằm vào một hòn đảo hay một quốc gia cụ thể nào”.
Trong một diễn biến khác, ngày 27/12, Kyodo dẫn các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Nhật Bản cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Nobuo Kishi đã có cuộc gặp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong ngày 27/12.
Iraq-NATO thảo luận các biện pháp tăng cường an ninh và ổn định khu vực
Ngay 26/12, Cố vấn An ninh quốc gia Iraq Qasim al-Araji đã có cuộc thảo luận với người đứng đầu Phái bộ NATO tại Baghdad Michael Anker Lollesgaard.
Theo tuyên bố từ Văn phòng truyền thông Cố vấn An ninh quốc gia Iraq, hai bên "đã thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như sự hỗ trợ của NATO đối với Baghdad trong công tác cố vấn và huấn luyện cho các lực lượng quốc gia Trung Đông này".
Tại cuộc gặp, ông Qasim al-Araji nhấn mạnh, chính phủ Iraq có trách nhiệm bảo vệ đất nước và giữ cho quốc gia Trung Đông không rơi vào bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.
Ông cũng tái khẳng định "Iraq từ chối sử dụng đất liền, không phận và vùng biển của mình để làm bàn đạp cho mọi hành động xâm lược đối với bất kỳ quốc gia nào". (THX)
Azerbaijan muốn sớm ký thỏa thuận đối tác chiến lược với EU
Ngày 27/12, Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov thông báo, nước này có kế hoạch ký thỏa thuận đối tác chiến lược mới với Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022.
Phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Bayramov nói: "Hai bên tiếp tục đàm phán về việc ký thỏa thuận mới bao gồm 4 hướng hợp tác chính. Hiện tại, một số vấn đề về kinh tế và thương mại vẫn còn để ngỏ, song sự khác biệt liên quan đến thỏa thuận này đã được thu hẹp xuống mức tối thiểu trong năm nay". (Sputnik)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận