24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyen Duc Hao.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới 27/12: Nga phản hồi về đề xuất loại Nga ra khỏi LHQ của Ukraine, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng quy định chống dịch

Ukraine lo Nga tấn công lưới điện dịp Năm mới, cựu Tổng thống Hàn Quốc được ân xá, Nepal có Thủ tướng mới… là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.

Nga-Ukraine

* Ukraine: Nga có thể gây thiệt hại lớn cho lưới điện trong kỳ nghỉ Năm mới: Phát biểu trên truyền hình ngày 26/12, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko nêu rõ: “Người Nga vẫn chưa từ bỏ việc tấn công hệ thống điện. Họ đang nhắm vào một số ngày nhất định. Năm mới có khả năng là một trong những dịp mà họ tìm cách phá hoại hệ thống điện của chúng ta nhiều nhất”.
Tin thế giới 27/12: Nga phản hồi về đề xuất loại Nga ra khỏi LHQ của Ukraine, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng quy định chống dịch
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và NATO mong muốn đánh bại Nga trên chiến trường. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, ông cũng tin tưởng rằng Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ hiệu quả không phận của nước này trước những đợt pháo kích gần đây. Quan chức này cũng cho biết tình hình năng lượng đang được cải thiện qua từng ngày, khi Ukraine có thể tăng cường sản xuất và cung cấp điện cho người tiêu dùng. (Ukrinform)

* Ukraine dự kiến triển khai Patriot trong vòng 6 tháng: Trả lời phỏng vấn ngày 26/12, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết Ukraine dự kiến triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong vòng 6 tháng, sau khi mọi công tác chuẩn bị hoàn tất. Ông cũng “hoàn toàn hài lòng” với kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước, đồng thời tiết lộ Washington đã lên kế hoạch đặc biệt để Patriot sẵn sàng hoạt động tại lãnh thổ Kiev sau nửa năm. (AP)
* Nga nói về đề xuất mở hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine: Viết trên Telegram, Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky nêu rõ: “Thứ nhất, theo Ngoại trưởng Kuleba, Ukraine đề xuất tổ chức ‘hội nghị thượng đỉnh hòa bình’ cuối tháng Hai tới. Thứ hai, Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra tuyên bố dài nhấn mạnh Nga đã gia nhập LHQ và Hội đồng Bảo an một cách bất hợp pháp... Không khó để thấy rằng hai thông tin này mâu thuẫn nhau. Không thể có ‘hội nghị thượng đỉnh hòa binh’ nếu không có Nga”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cũng lưu ý rằng “rất dễ” để hình dung về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh như vậy mà không có Ukraine. Theo ông, đó có thể là kịch bản thảm họa cho các quan chức Ukraine đưa ra sáng kiến này.

Trước đó, ngày 26/12, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước này muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào cuối tháng Hai tới, tốt nhất là tại một địa điểm thuộc LHQ với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres làm trung gian hòa giải. Theo văn phòng Tổng thư ký LHQ, ông Guterres sẵn sàng đóng vai trò này chỉ khi tất cả các bên, bao gồm cả Nga, nhất trí với điều đó. (Sputnik)

* “Phương Tây và Ukraine muốn hủy diệt Nga: Trả lời TASS (Nga) ngày 26/12, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh hành động chung của phương Tây và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã “khẳng định bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng Ukraine… Bất kỳ ai cũng đều hiểu rằng mục tiêu chiến lược của Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là đánh bại Nga trên chiến trường, nhằm làm suy yếu đáng kể hoặc thậm chí hủy diệt đất nước chúng ta”. Ông nhận định Nga và Mỹ không thể duy trì kết nối bình thường là do Washington, đồng thời cho rằng đường hướng đối đầu Moscow của xứ cờ hoa đang trở nên gay gắt, toàn diện hơn.(TASS)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc tiếp tục tối ưu hóa việc cấp thị thực cho người nước ngoài: Ngày 27/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ tối ưu hóa hơn nữa việc cấp thị thực cho công dân nước ngoài đến Trung Quốc để tiếp tục các hoạt động làm việc hoặc sản xuất, kinh doanh, học tập cũng như thăm thân hay đoàn tụ gia đình”. Tuy nhiên, tuyên bố không đưa ra thông tin liên quan đến các biện pháp đối với du khách nước ngoài và chỉ lưu ý rằng Chính phủ nước này sẽ dần khôi phục hoạt động du lịch nước ngoài cho công dân Trung Quốc.

Trước đó một ngày, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố quyết định nới lỏng quy mô lớn với người nước ngoài đến Trung Quốc. Từ ngày 8/1/2023, du khách chỉ cần phải trải qua xét nghiệm PCR trong 48 giờ trước chuyến đi. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính có thể vào Trung Quốc mà không cần mã y tế. Các xét nghiệm PCR ở Trung Quốc và cách ly tập trung sẽ không còn bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào nước này. (Sputnik)

* Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tăng cường lực lượng phòng thủ: CNA Đài Loan dẫn một nguồn thạo tin cho hay người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn sẽ công bố kế hoạch điều chỉnh cơ cấu lực lượng phòng thủ của hòn đảo này. Nội dung của kế hoạch gồm 3 điểm chính: làm rõ nhiệm vụ phòng thủ và phân chia cơ cấu lực lượng thành 4 loại, gồm lực lượng tác chiến chủ lực, lực lượng đồn trú, hệ thống dân phòng và hệ thống lính dự bị, giới thiệu mô hình huấn luyện mới nhất của Mỹ và tăng lương cho lính nghĩa vụ.

Theo nguồn tin, việc phân chia cơ cấu lực lượng phòng thủ thành 4 loại chính giúp giải quyết vấn đề tồn tại lâu nay là sự thiếu rõ ràng trong nhiệm vụ của lực lượng dự bị và các vấn đề về cơ cấu trong tăng cường năng lực chiến đấu. Về việc đưa vào sử dụng các mô hình huấn luyện mới nhất như của quân đội Mỹ, nguồn tin cho biết Đài Bắc sẽ xem xét nhu cầu, tham khảo mô hình huấn luyện của các nước tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm thực chiến trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ.

Cũng theo kế hoạch, mức lương hằng tháng mới cho các lực lượng nghĩa vụ sẽ được tăng từ 6.000 Đài tệ (gần 200 USD) lên hơn 20.000 Đài tệ (650 USD), cho phép họ trang trải các chi phí cơ bản trong thời gian phục vụ, đồng thời giảm bớt một phần áp lực tài chính như các khoản vay sinh viên. (CNA/Taiwan News)

* Tổng thống Hàn Quốc đặc xá nhiều cựu quan chức cấp cao: Ngày 27/12, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ký lệnh đặc xá đối với cựu Tổng thống Lee Myung Bak cùng một số cựu quan chức chính phủ. Với lệnh đặc xá có hiệu lực từ ngày 28/12, ông Lee Myung Bak sẽ được miễn 15 năm tù. Ông Lee từng bị tuyên án 17 năm tù vì tội hối lộ và tham ô hồi tháng 10/2020. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, ông đã được hoãn thi thành án từ tháng 6/2021.

Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng ân xá cựu Thống đốc Nam Gyeongsang tỉnh Kim Kyoung Soo, chính khách thân cận với cựu Tổng thống Moon Jae In; Kim Ki Choon, Chánh Văn phòng Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Park Geun Hye; cựu Bộ trưởng Tài chính Choi Kyoung-hwan; các cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia gồm Nam Jae Joon, Lee Byung Kee và Lee Byong Ho; và cựu thư ký cấp cao của tổng thống về các vấn đề chính trị Jun Byung Hun. Đây là lệnh đặc xá thứ hai được ông Yoon Suk Yeol kể từ khi nhậm chức hồi tháng Năm. (Yonhap)

Nam Á

* Nepal có Thủ tướng mới: Ngày 26/12, tại Văn phòng Tổng thống Nepal, ông Pushpa Kamal Dahal đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Nepal, một ngày sau khi ông được Tổng thống Bidya Devi Bhandari bổ nhiệm. Ông Dahal, 68 tuổi, Chủ tịch đảng CPN-Maoist, được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nepal sau khi được đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất Nepal (UML) đối lập và 5 nhóm nhỏ hơn ủng hộ. Theo đó, ông được 169/275 nghị sĩ trong Hạ viện ủng hộ.

Theo thỏa thuận liên minh mới, ông Dahal sẽ đứng đầu chính phủ Nepal trong nửa đầu nhiệm kỳ 5 năm thay ông Sher Bahadur Deuba của đảng Quốc đại Nepal. Sau đó, năm 2025, ông Dahal sẽ từ chức để nhường chỗ cho đại diện đảng UML. Các quan chức thuộc liên minh cầm quyền mới ở Nepal cho biết chính phủ mới sẽ tập trung kiềm chế lạm phát, duy trì dự trữ, tăng chi phí vốn, thu hẹp thâm hụt thương mại và hạ lãi suất, trong khi nỗ lực cân bằng quan hệ với láng giềng.

Đây là lần thứ 3 ông Dahal được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nepal. Lần đầu tiên ông được bổ nhiệm là vào năm 2008, song ông chỉ nắm giữ chức vụ này trong 9 tháng trước khi từ chức. Trong lần bổ nhiệm thứ hai năm 2016, ông cam kết tái thiết đất nước sau trận động đất kinh hoàng năm 2015, đồng thời chấm dứt bất ổn liên quan đến bản Hiến pháp gây tranh cãi được thông qua cùng năm. (TTXVN)

Trung Á

* Kyrgyzstan và Tajikistan nhất trí tránh leo thang căng thẳng tại biên giới: Ngày 26/12, người đứng đầu Cơ quan biên phòng Kyrgyzstan Ularbek Sharsheyev và chỉ huy lực lượng biên phòng Tajikistan Rajabali Rahmonali tại làng Borborduk (Kyrgyzstan) đã gặp gỡ. Theo đó, hai bên đã thảo luận thực hiện các thỏa thuận đã ký kết trước đó nhằm ổn định tình hình biên giới. Hai bên cũng trao đổi tình hình hiện nay tại biên giới và định hướng phát triển hợp tác biên giới song phương theo chủ trương tránh hành động khiêu khích và leo thang tình hình.

Cơ quan biên phòng hai nước cũng ghi nhận kết quả tích cực đạt được trong các hoạt động chung nhằm giải quyết vấn đề biên giới, đồng thời nhất trí duy trì hoạt động của ủy ban công tác chung trong năm 2023. Kyrgyzstan và Tajikistan cũng nhất trí cho rằng việc tăng cường an ninh, lòng tin, duy trì ổn định ở biên giới đóng vai trò quan trọng giúp duy trì hòa bình và ổn định ở Trung Á. (TTXVN)

Châu Âu

* Thổ Nhĩ Kỳ triệu Đại sứ Pháp liên quan biểu tình của người Kurd ở Paris: Một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Hôm nay (ngày 27/12), Đại sứ Pháp tại Ankara Herve Magro, đã được triệu tới Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi đã bày tỏ phản ứng trước hoạt động tuyên truyền đen tối do PYD/YPG (đảng Liên minh Dân chủ, Đơn vị Phòng vệ Nhân dân, bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là các nhánh của PKK) chống lại đất nước chúng tôi, với cái cớ về vụ tấn công của một người Pháp ở Paris hôm 23/12”.

Nguồn tin này cho rằng các quan chức chính phủ và một số chính trị gia Pháp đã tham gia hoạt động này. Đồng thời, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Paris đã đưa ra một số phản ứng cụ thể. Nguồn tin cũng cho biết ông Magro đã được thông báo về lập trường của Ankara kêu gọi Chính phủ và dư luận Pháp phân tích chính xác các hành vi bạo lực do tổ chức khủng bố này (PKK) gây ra ở Paris. (Sputnik)

Trung Đông-châu Phi

* Boko Haram sát hại nhiều người ở Đông Bắc Nigeria: Ngày 26/12, lực lượng dân quân địa phương Nigeria cho biết đụng độ đã nổ ra khi phiến quân tấn công nhóm người chăn thả gia súc trên cánh đồng gần làng Airamne, huyện Mafa, thuộc bang Borno. Theo người đứng đầu lực lượng dân quân địa phương Babakura Kolo, 17 người chăn thả gia súc đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này và toàn bộ gia súc của họ đã bị nhóm Boko Haram cướp đi. Các đối tượng đến từ một căn cứ của Boko Haram trong khu rừng Gajiganna gần đó, nơi các tay súng này ẩn nấp sau khi bị quân đội Nigeria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Tây Phi (ISWAP) đánh bật khỏi khu rừng Sambisa, thành trì của Boko Haram.

Trước đó, ngày 22/12, Chính phủ Nigeria thông báo quân đội nước này đã tiêu diệt ít nhất 103 tay súng Boko Haram trong các chiến dịch quân sự, được triển khai ở khu vực Đông Bắc Nigeria trong suốt 3 tuần.

Boko Haram và ISWAP ngày càng hoạt động nhiều khi tấn công dân thường, bao gồm người khai thác gỗ, nông dân và người chăn gia súc. Theo LHQ, cuộc xung đột kéo dài 13 năm ở miền Đông Bắc Nigeria đã cướp đi sinh mạng của 40.000 người, đồng thời khiến 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. (TTXVN).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả