Tin thế giới 24/11: Mỹ lại ‘ngứa mắt’ với Dòng chảy phương Bắc 2; Mong ước tham vọng của Nga; Washington làm gì khiến Trung Quốc ‘nổi trận lôi đình’?
Phản ứng của Nga và Đức về lệnh trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2, quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung Quốc... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
Nga hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng trong 3 tháng tới
Nga có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong 3 tháng tới nếu tỷ lệ tiêm chủng tăng gấp 4-5 lần hiện nay, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya Alexander Ginzburg ngày 24/11 cho hay.
Ông Ginzburg nói: “Tỷ lệ tiêm chủng mỗi ngày cần phải tăng lên từ 4 đến 5 lần, sau đó chúng ta sẽ đạt được ngưỡng tiêm chủng bao phủ bắt buộc trong vòng 3 tháng và ngăn chặn được làn sóng lây lan”. Ông cũng cho rằng, nếu chính phủ thông qua việc kiểm tra mã QR bắt buộc ở những nơi đông người sẽ giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm, đặc biệt là vào dịp năm mới sắp đến.
Khi được hỏi liệu việc sử dụng mã QR có giúp giảm các ca nhiễm Covid-19 hay không, ông Ginzburg cho biết: “"Nếu nó được áp dụng trên thực tế, ở cấp liên bang, điều này tất nhiên sẽ hữu ích." (TASS)
Nga tiến hành tập trận tại Biển Đen
Hãng thông tấn Interfax dẫn thông báo Hạm đội Biển Đen của Nga ngày 24/11 cho biết, đã tiến hành tập trận quân sự ở Biển Đen với sự tham gia của 10 máy bay và một số tàu thuyền.
Các cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm căng thẳng với Ukraine leo thang và việc các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại về khả năng Nga tấn công nước láng giềng phương Nam. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin này và nói rằng đó là tin giả.
Hạm đội Biển Đen đồn trú tại Crimea, nơi Moscow đã sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. (Reuters)
Mỹ lại đòi trừng phạt tiếp Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 23/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington dự định tiếp tục áp đặt trừng phạt đối với đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” theo đạo luật Mỹ “Về bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu (PEESA)”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định lập trường của Washington khi cho rằng, đường ống dẫn khí là một “dự án địa chính trị của Nga” và là “một thoả thuận tồi tệ” đối với châu Âu và Ukraine. (Reuters)
Phản ứng của Nga và Đức
Sau phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 là một minh chứng rõ ràng cho thấy những biện pháp đơn phương và mang động cơ chính trị của các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ.
"Về phần mình, chúng tôi sẽ phản ứng trước những bước đi không thân thiện này bằng cách hành xử thích hợp", ông Lavrov nói.
Trong khi đó, Đảng Xanh của Đức, vốn từ trước tới nay luôn phản đối việc triển khai dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 và nhiều khả năng sẽ tham gia trong chính phủ liên minh mới của Đức, cho rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với dự án khí đốt này là không thể chấp nhận được.
Trả lời hãng tin Reuters, chuyên gia của đảng Xanh về chính sách đối ngoại, ông Omid Nuripur ngày 23/11 nói: “Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là không thể chấp nhận được, ngay cả để chống lại Dòng chảy phương Bắc 2".
Ông Nuripur cũng khẳng định: “Đường ống dẫn khí vẫn là một quyết định sai lầm của Đức, nhưng không phải là quyết định của Mỹ”. (TASS/Reuters)
Đức đã sẵn sàng cho một chính quyền mới
Ngày 24/11, các chính đảng của Đức đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, mở đường cho ông Olaf Scholz kế nhiệm bà Angela Merkel giữ cương vị thủ tướng Đức.
Cụ thể, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do.
Theo thỏa thuận lập chính phủ liên minh, đại diện của Đảng Xanh sẽ giữ các cương vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Kinh tế Đức. Trong khi Đảng SPD sẽ giữ các chức Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Y tế liên bang. (DW)
Mỹ tổ chức Hội nghị về dân chủ, Trung Quốc phản đối danh sách khách mời
Ngày 23/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao về dân chủ. Theo danh sách khách mời mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố có 110 đoàn đại biểu và bao gồm đảo Đài Loan.
Cuộc họp lần này sẽ là bài thử thách với tuyên bố mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao kể từ khi nhậm chức, đó là đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Trong khi đó, phản ứng về động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh cực lực phản đối động thái mời Đài Loan của Washington. (Reuters)
Mỹ thông báo mở kho dầu dự trữ chiến lược lớn nhất lịch sử
Ngày 23/11, Nhà Trắng ra thông báo cho biết, Mỹ sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này – đợt xả kho lớn nhất lịch sử Mỹ trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác nhằm hạ nhiệt giá dầu đang tăng cao.
Nhà Trắng nêu rõ, quyết định xuất kho này sẽ được thực hiện song song với các nước tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, các đợt xả kho sẽ bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 12 và có thể kéo dài thêm để ổn định thị trường. Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. (Reuters)
Barbados xóa bỏ vị trí nguyên thủ của nữ hoàng Anh
Barbados sẽ tuyên bố trở thành một nước cộng hòa trong buổi lễ được tổ chức tối 29/11 tại Quảng trường Anh hùng Quốc gia ở thủ đô Bridgetown.
Toàn quyền Sandrea Mason sẽ thay thế Nữ hoàng Elizabeth, trở thành nguyên thủ quốc gia của Barbados sau khi đắc cử tổng thống.
Như vậy, Barbados sẽ xóa bỏ Nữ hoàng Anh Elizabeth khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia, phá vỡ mối quan hệ đế quốc cuối cùng sau gần 400 năm kể từ khi con tàu Anh đầu tiên đến Caribbean.
Phát ngôn viên Cung điện Buckingham cho hay "đây là vấn đề của chính phủ và người dân Barbados". Bộ Ngoại giao Anh cũng nói rằng, Barbados toàn quyền quyết định vấn đề này. Thái tử Anh Charles được cho là sẽ tham dự lễ kỷ niệm đánh dấu thời khắc mới của Barbados tại Bridgetown.
Quốc đảo này dự kiến vẫn ở lại Khối Thịnh vượng chung sau khi trở thành nước cộng hòa. (Reuters)
Australia đưa Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố
Ngày 24/11, Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews cho biết, nước này quyết định đưa tổ chức Hezbollah và The Base vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trong đó, tổ chức The Base được xác định là “một nhóm bạo lực, phân biệt chủng tộc, tân phát xít. Thông tin từ các cơ quan an ninh cho biết, nhóm này đang chuẩn bị các cuộc tấn công khủng bố và đã tổ chức các trại huấn luyện bán quân sự ở nước ngoài.
“Tổ chức an ninh bên ngoài của Hezbollah đã bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố từ năm 2003. Nhóm này tiếp tục đe dọa tiến hành các vụ tấn công khủng bố, hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố. Vì vậy, Australia quyết định đưa toàn bộ Hezbollah vào danh sách tổ chức khủng bố”, Bộ trưởng Andrews nói.
Bà Andrews cho biết, đây là nỗ lực tiếp theo của chính phủ nhằm đảm bảo Australia có các công cụ và luật pháp phù hợp để chống lại mối đe dọa lâu dài của chủ nghĩa khủng bố. (AP)
Một số tin quốc tế nổi bật khác:
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận