Tin thế giới 18/5: Xung đột Israel-Palestine hạ nhiệt? Nga lo Mỹ ‘giở trò’ vì rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở; Tây Ban Nha ‘nhọc nhằn’ trước dòng người
Xung đột Israel-Palestine, quan hệ Mỹ-Nga, Mỹ-Trung Quốc, khủng hoảng di cư ở Tây Ban Nha... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
Israel-Palestine:
Mỹ lần thứ 3 ngăn cản HĐBA LHQ ra tuyên bố chung
Nguồn tin ngoại giao ngày 17/5 cho hay, Mỹ đã lần thứ 3 trong tuần qua ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt xung đột bạo lực giữa Israel và Palestine và bảo vệ dân thường.
Theo nguồn tin, Mỹ cho biết, hiện tại họ không thể ủng hộ cách diễn đạt trong nội dung dự thảo tuyên bố chung của HĐBA.
Tuyên bố chung do Trung Quốc, Tunisia và Na Uy soạn thảo đã được trình lên HĐBA cuối ngày 16/5 nhằm mục đích được HĐBA thông qua vào ngày 17/5 trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công vào Dải Gaza và số người thiệt mạng trong một tuần qua đã vượt quá con số 200.
Tuyên bố chung được soạn thảo có đoạn viết HĐBA “rất quan ngại” về cuộc khủng hoảng tại Gaza cũng như tình hình nhiều gia đình người Palestine có thể bị cưỡng bức phải rời khỏi nhà của chính họ tại Đông Jerusalem, đồng thời phản đối các “hành động đơn phương” làm gia tăng căng thẳng vốn đang leo thang tại khu vực này.
Tuyên bố dự thảo cũng hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm bớt căng thẳng nhưng không nhắc gì đến Mỹ, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của HĐBA đối với giải pháp hai nhà nước để người Israel và Palestine có thể chung sống hòa bình trong khu vực biên giới phân định đã được công nhận. (AFP)
Lần đầu tiên Gaza không ghi nhận thương vong
Ngày 18/5, giới chức y tế Gaza cho biết không có người Palestine nào thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel trong đêm. Đây là lần đầu tiên thương vong tại Gaza giảm sau cuộc xung đột bùng phát vào ngày 10/5 vừa qua.
Theo thống kê, hơn 200 người Palestine đã thiệt mạng trong 9 ngày diễn ra xung đột, trong đó có hơn 50 trẻ em và 30 phụ nữ.
Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thực hiện một loạt cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Dải Gaza. Trong khi đó, Hamas đã tạm thời ngừng bắn tên lửa về phía Israel.
Đây là thời gian ngừng bắn lâu nhất của Hamas kể từ khi giao tranh với Israel bùng phát ngày 10/5. Phía Israel tin đây là dấu hiệu cho thấy các động thái tiến tới ngừng bắn đang có kết quả.
Cuộc không kích sáng 18/5 là vụ tấn công lớn thứ tư của IDF nhằm vào mạng lưới đường hầm ngầm của Hamas. Khoảng 60 máy bay Israel đã thả hơn 100 quả bom vào 65 mục tiêu trong khoảng thời gian khoảng 30 phút, bắt đầu lúc 3h45’ sáng thứ Ba. (Reuters)
Quốc tế biểu tình ủng hộ Palestine
Ngày 18/5, hàng tăm người Iran đã đổ về quảng trường tại thủ đô Tehran tham gia tuần hành ủng hộ Palestine, phản đối cuộc tấn công của Israel.
Trước diễn biến leo thang căng thẳng, không chỉ có Iran, người dân nhiều thành phố lớn của phương Tây như Canada, Bỉ và Trung Đông như Iraq và Qatar đã tuần hành phản đối Israel tấn công Gaza, dẫn đến một số cuộc đụng độ với cảnh sát. (AFP)
Mỹ lo ngại bất ổn sẽ vượt ra ngoài Dải Gaza
Phát biểu với báo chí cuối ngày 17/5 trên đường sang Brussels tham dự một hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley thúc giục hai bên trong cuộc xung đột xuống thang, giống như những bình luận trước đó của Tổng thống Joe Biden về ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn.
Tướng Milley cũng cảnh báo xung đột hiện nay giữa Israel và nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine đang tạo ra bất ổn cả bên ngoài Dải Gaza, đồng thời cho rằng “việc tiếp tục giao tranh không mang lại lợi ích cho bên nào”. (AFP)
Pháp, Ai Cập, Jordan tìm lệnh ngừng bắn ở Trung Đông
Điện Elysee thông báo, ngày 18/5 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah II sẽ tiến hành cuộc thảo luận nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas.
Theo thông báo, Tổng thống Sisi hiện đang ở Paris để tham dự hội nghị thượng đỉnh về châu Phi, trong khi Quốc vương Abdullah sẽ tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Thông báo nêu rõ: "Cuộc họp ba bên nhằm mục đích trên hết là tìm kiếm một lệnh ngừng bắn nhanh chóng và ngăn chặn xung đột kéo dài". (AFP)
Mỹ-Nga:
Tướng Nga lo Mỹ sẽ làm khó Moscow
Ngày 18/5, Thiếu tướng Sergei Lipovoy cho biết, việc Liên bang Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) sẽ không dẫn đến xung đột vũ trang với Mỹ, tuy nhiên, Washington sẽ có hành động "làm khó" Moscow.
Thiếu tướng Nga tự tin rằng “Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, Washington sẽ chơi những "trò bẩn" với Moscow vì việc Nga rút khỏi OST”.
“Một loạt các khiêu khích nhỏ, các cuộc tấn công thông tin và các tuyên bố xúc phạm sẽ được sắp xếp. Nhà Trắng thậm chí không cần một lý do đặc biệt cho việc này” - ông Lipovoy gợi ý. (TASS)
Ngoại trưởng Nga-Mỹ sẽ gặp mặt trực tiếp
Bên lề hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực, gồm Nga, Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland, diễn ra vào ngày 19-20/5 tại Reykjavik (Iceland), Ngoại trưởng Nga và Mỹ dự kiến sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp riêng rẽ.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của giới quan sát quốc tế do quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang trong giai đoạn căng thẳng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hiện đang có chuyến thăm kéo dài 4 ngày (từ 16-20/5) tới các nước có chủ quyền tại Bắc Cực. Đây cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa giới chức hai cường quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức tại Mỹ.
Hai ngoại trưởng Nga và Mỹ đã điện đàm và "đã nhất trí tổ chức một cuộc gặp bên lề của phiên họp để giải quyết những vấn đề song phương và toàn cầu quan trọng." (Reuters)
Mỹ ‘giục’ Trung Quốc đối thoại về vấn đề hạt nhân
Ngày 18/5, Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood phát biểu trước hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) rằng Trung Quốc đang chống lại đàm phán song phương với Mỹ về vũ khí hạt nhân.
Ông Robert Wood nói: "Cho đến nay, Bắc Kinh chưa sẵn sàng tham gia một cách có ý nghĩa hoặc tổ chức thảo luận chuyên gia giống những cuộc thảo luận giữa chúng tôi và Nga. Chúng tôi chân thành hy vọng điều đó sẽ thay đổi", đồng thời gọi lập trường của Trung Quốc là "đáng tiếc". (Reuters)
Nga đề cao đối thoại tình báo với Anh
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 18/5 bày tỏ tin tưởng hợp tác giữa Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga và cơ quan tình báo MI6 của Vương quốc Anh sẽ có lợi cho cả hai bên, đồng thời nhấn mạnh Moskva không khởi xướng việc ngừng đối thoại.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, ông Sergey Naryshkin thông báo trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã trao đổi thư với lãnh đạo MI6 và hy vọng về một cuộc gặp trực tuyến.
Phát biểu với các phóng viên, ông Peskov nói: “Quả thực, tôi chưa có cơ hội xem cuộc phỏng vấn của ông Naryshkin. Mặt khác, việc người đứng đầu các cơ quan nhạy cảm như vậy tiếp xúc là hoàn toàn bình thường. Dù sao cuộc tiếp xúc này cũng phục vụ lợi ích của cả hai nước.
Ông Peskov cũng khẳng định, hai bên sẽ chắc chắn có tiếp xúc và chính phủ Nga hoàn toàn ủng hộ những việc làm này. (TASS)
Myanmar tiếp tục bị quốc tế trừng phạt
Ngày 17/5, Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào quân đội Myanmar, động thái mới nhất trong loạt hành động nhằm gia tăng sức ép đối với lực lượng vũ trang của quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc chính biến ngày 1/2.
Cụ thể là Mỹ phát lệnh trừng phạt nhằm vào Hội đồng Điều hành Nhà nước (SAC) và 13 quan chức của Myanmar. Tất cả những người này sẽ bị đóng băng tài khoản trên đất Mỹ cũng như bị cấm tham gia mọi giao dịch ở quốc gia này.
Cùng với Mỹ, Canada cũng thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các cá nhân và thực thể có liên quan đến lực lượng vũ trang Myanmar. Trong khi đó, Anh công bố biện pháp trừng phạt đối với Doanh nghiệp Đá quý Nhà nước Myanmar Gems Enterprise. Doanh nghiệp này vốn nằm trong các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ. (Reuters)
Triều Tiên cáo buộc phương Tây tung tin sai lệch
Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 18/5 đã cáo buộc các nước phương Tây lan truyền thông tin sai lệch "dưới danh nghĩa tự do ngôn luận" nhằm can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Bộ trên đưa ra lời chỉ trích trong một bài báo đăng trên trang web của Bộ, cho rằng "một số quốc gia cụ thể" đang can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác sau khi phát tán thông tin sai lệch dưới danh nghĩa "người bảo vệ tự do".
Những thông tin sai lệch như vậy được lan truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau để gây ra sự hiểu lầm ở các quốc gia mà họ nhắm tới, dẫn đến sự tan rã từ bên trong, rồi các nước phương Tây lấy cớ tình trạng bất ổn xã hội ở các quốc gia này để biện minh cho sự can thiệp của họ. (Yonhap)
Tây Ban Nha "đau đầu" trước khủng hoảng người di cư
Ngày 18/5, hơn 80 người di cư đã phá đổ hàng rào biên giới Morocco để vào vùng lãnh thổ Melilla của Tây Ban Nha ở Bắc Phi.
Vụ việc xảy ra một ngày sau khi ít nhất 6.000 người, trong đó có khoảng 1.500 trẻ em, đã vượt biển từ Morocco sang Ceuta - một vùng lãnh thổ khác của Tây Ban Nha nằm bên bờ biển Bắc Phi. Đây là số người di cư trái phép vào nước này cao kỷ lục trong một ngày.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska cùng ngày cho biết, nước này đã bàn giao cho phía Morocco 2.700 người di cư trong số 6.000 người vượt biển từ Morocco sang Ceuta.
Quân đội Tây Ban Nha được cho là đã được triển khai tới Ceuta để tuần tra biên giới với Morocco.
Lãnh đạo Mỹ-Hàn chốt lịch họp thượng đỉnh
Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 18/5 cho biết Tổng thống Moon Jae-in sẽ có chuyến công du 5 ngày đến Mỹ trong tuần này để tổ chức cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden. Sự kiện dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng vào ngày 21/5 (theo giờ địa phương), sau đó là một cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo.
Thông qua cuộc hội đàm, hai bên hy vọng tái khẳng định sức mạnh của liên minh Hàn-Mỹ và tăng cường hơn nữa sự "hợp tác toàn diện và cùng có lợi" cũng như tình hữu nghị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Ngoài quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo Hàn-Mỹ dự kiến cũng sẽ đi sâu thảo luận về các vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, tình hình đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Dự kiến, lãnh đạo hai nước sẽ có bài phát biểu họp báo chung sau cuộc gặp. (Yonhap)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận