Tin thế giới 16/3: Trung Quốc "nóng mặt" vì Mỹ-Nhật; Nga ấm ức; Triều Tiên gửi Mỹ "lời khuyên thuốc súng"; Bắc Kinh hành động ở Myanmar?
Mỹ-Nhật hội đàm 2+2 và phản ứng của Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Triều Tiên, Nga với phương Tây, tình hình Myanmar.... là một số tin thế giới nổi bật.
Tuyên bố chung Nhật-Mỹ: Vấn đề Trung Quốc là trọng tâm
Ngày 16/3 đã diễn ra cuộc hội đàm 2+2 giữa Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản cùng những người đồng cấp Antony Blinken và Lloyd Austin của Mỹ, trong đó, những hành động của Trung Quốc ở khu vực là một vấn đề trọng tâm.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm, các bộ trưởng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về luật hải cảnh mới của Trung Quốc, nhấn mạnh, Mỹ-Nhật Bản tiếp tục phản đối bất kỳ yêu sách và hành động đơn phương bất hợp pháp nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
"Mỹ và Nhật Bản biết rằng, hành vi của Trung Quốc, không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hành, tạo ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Chúng tôi kiên quyết phản đối cách hành xử ép buộc và gây bất ổn (của Bắc Kinh) đối với những nước khác trong khu vực", tuyên bố nêu rõ. (Kyodo)
Trung Quốc cảnh báo các động thái của liên minh Mỹ-Nhật
Ngày 16/3, vài giờ sau hội đàm Mỹ-Nhật ở Tokyo, Trung Quốc cảnh báo sẽ phản đối các động thái chung của Mỹ và Nhật Bản nhằm hủy hoại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, người phát ngôn Triệu Lập Kiên cho rằng, hợp tác giữa Nhật-Mỹ "nên có lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như không nên làm tổn hại đến những lợi ích của bên thứ ba". (Kyodo)
Mỹ, Anh nêu điều kiện để cải thiện quan hệ với Trung Quốc
Ngày 16/3, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, nước này muốn có mối quan hệ tích cực ở những lĩnh vực có thể với Trung Quốc, tuy nhiên, sẽ không "nhượng bộ hoặc từ bỏ việc bảo vệ các giá trị của mình", vì vậy, London sẽ phải có cách tiếp cận xác định đối với Trung Quốc.
Trong khi đó, cùng ngày, Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Nhà Trắng Kurt Campbell cho biết, việc Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Australia sẽ là một điều kiện tiên quyết để Washington có bất kỳ bước đi quan trọng nào nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Tuyên bố này nhằm đáp lại lời kêu gọi của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hối thúc Washington đối xử với Bắc Kinh và quan hệ song phương một cách khách quan, hợp lý, đồng thời nỗ lực để đưa quan hệ hai nước trở lại con đường phát triển lành mạnh và ổn định. (Reuters, THX)
Tổng thư ký NATO: Sự trỗi dậy liên tục của Bắc Kinh là quan ngại sâu sắc
Ngày 15/3, trong bài phát biểu trước Ủy ban an ninh và đối ngoại Nghị viện châu Âu, ông Stoltenberg cho rằng, Mỹ và EU cần phải nhanh chóng cải thiện quan hệ hợp tác, đồng thời phối hợp với các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh phải đối mặt với một Trung Quốc đang lên nhưng "ngày càng khiêu khích" và "đe dọa".
Ông Stoltenberg nói: "Nếu quý vị lo ngại về sự trỗi dậy của sức mạnh quân sự và kinh tế Trung Quốc, thì việc chúng ta, các nước châu Âu và Bắc Mỹ tại NATO, phải sát cánh cùng nhau, trở nên quan trọng hơn".
Ông Stoltenberg ghi nhận sự phát triển kinh tế và chương trình chương trình xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc, nhưng đánh giá rằng, sự trỗi dậy liên tục của Bắc Kinh là mối quan ngại sâu sắc trong khi nước này và phương Tây không chia sẻ chung các giá trị. (SCMP)
Mỹ-Triều: Em gái ông Kim Jong-un cảnh cáo Mỹ 'đừng tự làm mình mất ngủ'
Ngày 16/3, báo Rodong Sinmun của Bình Nhưỡng dẫn lời bà Kim Yo-jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nói rằng: "Lời khuyên gửi đến chính phủ mới của Mỹ đang cố tình reo rắc mùi thuốc súng lên đất nước này là nếu muốn ngủ ngon trong bốn năm tới thì tốt nhất là ngày từ đầu đừng làm những điều có thể khiến mình mất ngủ."
Lời cảnh cáo được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken công du Nhật Bản và Hàn Quốc bàn về nhiều vấn đề nóng, trong đó có Triều Tiên.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Blinken khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. (Reuters, AFP)
Tình hình Myanmar: Hai nhà máy bốc cháy, Trung Quốc chuẩn bị sơ tán dân?
Ngày 16/3, nhà điều hành của các thương hiệu thời trang nhanh Uniqlo và GU xác nhận, hai nhà máy ở Yangon của Myanmar do đối tác của Fast Retailing Co. điều hành đã bốc cháy vào cuối tuần.
Trước đó, theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar hôm 14/3, các nhà máy của Trung Quốc ở Yangon đã bị tấn công, khiến nhiều người bị thương.
Trong một thông báo được SCMP dẫn lại ngày 16/3, Ủy ban Giám sát và Quản lý Các tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Quốc Vụ viện (Sasac) Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty do nhà nước sở hữu tại Myanmar sơ tán nhân viên tại đây.
Trong thông báo này, Sasac cũng yêu cầu tất cả các tập đoàn nhà nước hoạt động ở Myanmar phải thực hiện các cuộc diễn tập khẩn cấp, để đảm bảo chắc chắn họ đủ phương tiện, nhiên liệu, lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho hoạt động sơ tán.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Sasac đã từ chối tiết lộ về kế hoạch sơ tán này, trong khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon không nhận các cuộc gọi tới về vấn đề này. (Kyodo, SCMP)
Nga 'ấm ức' vì thái độ của phương Tây
Ngày 16/3, bình luận về chính sách đối ngoại và quốc phòng mới của Anh, trong đó gán Nga là "nhà nước thù địch" và "mối đe dọa quốc gia lớn nhất", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Khuynh hướng là nhiều lãnh đạo các nước phương Tây, thật đáng tiếc, gọi đất nước của chúng tôi là một mối đe dọa thực sự, kẻ thù".
Theo ông Peskov, "thái độ đối đầu như vậy có thể thực sự gây ra sự đáng tiếc và thậm chí quan ngại".
"Nga đã và sẽ không là kẻ thù của bất cứ ai, nước này sẽ không gây ra một mối đe dọa cho bất cứ ai. Ngược lại, như Tổng thống Vladimir Putin đã nói, chúng tôi ủng hộ bình thường hóa và phát triển quan hệ hữu hảo đôi bên cùng có lợi với tất cả các nước, chúng tôi muốn có những mối quan hệ tốt", phát ngôn viên Điện Kremlin khẳng định.
Cũng theo ông Peskov, Kremlin sẽ đợi sự thông báo chính thức trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào về chính sách mới của London. (Sputnik)
Tình hình Syria: Nga chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây
Phát biểu trong một hội nghị trực tuyến về vấn đề Syria, Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin đã chỉ trích các lệnh trừng phạt do Anh, Mỹ và một số nước khác áp đặt đối với Syria.
"Những biện pháp hạn chế này không chỉ gây trở ngại cho việc hồi phục kinh tế mà còn ngăn cản việc mua dược phẩm, thuốc men và thiết bị xây dựng. Điều này là không có đạo đức và không thể chấp nhận được", ông Kelin nói. (TASS)
Saudi Arabia và Israel tiến sát tới thỏa thuận hòa bình
Ngày 15/3, cựu cố vấn Mỹ Jared Kushner cho rằng, Israel và Saudi Arabia hiện đang gần đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ khi "người dân Saudi Arabia đang bắt đầu coi Israel không phải là kẻ thù", đồng thời kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden tận dụng tốt cơ hội này.
Cựu cố vấn Mỹ còn cho biết thêm, ngoài Saudi Arabia, "một số nước khác cũng chuẩn bị tham gia Thỏa thuận Abraham, trong đó có Oman, Qatar và Mauritania".
Liên quan các nỗ lực mới đây của một số quốc gia châu Âu và Arab trong việc kiến tạo bầu không khí hòa bình với Israel, ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine đã bày tỏ hoan nghênh. (Wall Street Journal, THX)
Iran: Đã đến lúc Mỹ thỏa hiệp để phá vỡ bế tắc của thỏa thuận hạt nhân
Ngày 15/3, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, giờ là lúc Mỹ phải quyết định có “thỏa hiệp” để phá vỡ thế bế tắc và hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Tehran hay không.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với Trung tâm Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, ông Zarif nói: “Các nước châu Âu đã quen với thỏa hiệp. Iran và Mỹ thì không. Người Mỹ quen với áp đặt và chúng tôi quen với việc chống lại. Giờ là lúc phải quyết định. Liệu cả hai có thỏa hiệp và quay lại thỏa thuận hạt nhân hay không? Hay chúng ta quay lại những con đường riêng?”
Ngoại trưởng Zarif nhắc lại quan điểm của Iran rằng Mỹ cần quay lại tuân thủ đầy đủ JCPOA trước khi Tehran rút lại những hành động phá vỡ thỏa thuận. (AFP)
Tân Thủ tướng lâm thời Libya A.H. Dbeibah tuyên thệ nhậm chức
Ngày 15/3, tân Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah đã tuyên thệ nhậm chức để lãnh đạo đất nước bị chiến tranh tàn phá này trong thời kỳ chuyển tiếp cho đến khi Libya tiến hành bầu cử vào tháng 12 tới.
Trước đó, hôm 10/3, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới, một bước đi quan trọng hướng tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại đây.
Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh đánh giá đây là một ngày lịch sử. (AFP)
Vaccine Covid-19: Nga phản đối chính trị hóa việc mua Sputnik V, Thủ tướng Nhật Bản tiêm mũi đầu
Ngày 16/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc gây áp lực lên một số quốc gia để ép họ từ chối mua vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga đang ở mức độ chưa từng thấy, nhưng những nỗ lực đó không có cơ hội thành công.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã được tiêm mũi thứ nhất vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer tại một bệnh viện ở Tokyo trước ống kính máy quay nhằm đảm bảo với cộng đồng về tính an toàn của loại vaccine này.
Việc Thủ tướng Suga tiêm vaccine ngừa Covid-19 là một phần trong sự chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ vào tháng 4 tới, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Dự kiến ông Suga sẽ tiêm mũi vaccine thứ hai sau 3 tuần nữa trước khi lên đường tới Washington. (Reuters, Kyodo)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận