Tin thế giới 12/7: Nga kín như bưng lệnh của ông Putin sau cuộc gọi với Mỹ; Ukraine chọc tức Nga? EU khởi động cuộc đua với Trung Quốc
Quan hệ Nga với Mỹ, Ukraine, EU; quan hệ EU với Trung Quốc, Israel; Biển Đông, tình hình Bán đảo Triều Tiên... là một số tin thế giới nổi bật
Nga-Mỹ: Sau điện đàm giữa hai lãnh đạo, Moscow kín như bưng
Ngày 9/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva hồi tháng trước.
Ngày 12/7, khi được hỏi liệu ông Putin có đưa ra bất cứ chỉ thị nào, bao gồm cả vấn đề an ninh mạng, sau cuộc điện đàm hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: "Tổng thống đưa ra các chỉ thị sau mỗi cuộc gọi quốc tế vì tất cả các cuộc trò chuyện cấp cao nhất đều có ý nghĩa".
Tuy nhiên, ông Peskov tuyên bố "không thể nói" gì thêm về các chỉ thị này.
Trong khi đó, theo Nhà Trắng, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã đề nghị nhà lãnh đạo Nga đưa ra các hành động nhằm chống lại các nhóm tin tặc sử dụng phần mềm mã độc tống tiền (ransomware) đang hoạt động tại nước này. (TASS)
Nga-Ukraine: Kiev "chọc tức" Moscow, trao huân chương cho chỉ huy tàu Defender của Anh
Truyền thông Ukraine đưa tin, ngày 10/7, tại buổi lễ nhân dịp kết thúc cuộc tập trận Sea Breeze lần thứ 21 kéo dài 2 tuần ở Biển Đen của 30 quốc gia gồm Ukraine, Mỹ và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tư lệnh Hải quân Ukraine Oleksiy Nijpapa đã trao tặng huân chương "Người bảo vệ Ukraine" cho thuyền trưởng của tàu khu trục Anh HMS Defender Vincent Owen.
Theo đó, “chiến công” của thuyền trưởng tàu khu trục HMS Defender của Anh khi đưa con tàu tiến sát bờ biển bán đảo Crimea được chính quyền Ukraine đánh giá cao về sự dũng cảm.
Tàu HMS Defender đã bị Nga cáo buộc đi vào lãnh hải của nước này trên Biển Đen, khiến Hải quân Nga phải bắn đạn và ném bom cảnh cáo, tuy nhiên, Anh đã phản bác. (Daily Mail)
Dòng chảy phương Bắc 2: Chuẩn bị hoàn công, Mỹ vi phạm thỏa thuận?
Ngày 11/7, Công ty điều hành dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 - Nord Stream 2 AG - cho biết, tuyến đường ống này đã hoàn tất 98% và dự kiến việc xây dựng sẽ kết thúc vào cuối tháng 8.
Công ty này cũng tố cáo Mỹ đã vi phạm các thỏa thuận liên quan đến việc xây dựng dự án này. Theo đó, khi Mỹ ra điều kiện cho Nga và Đức để có thể chấp nhận dự án này, phía Moscow đã có động thái nhượng bộ, song Washington lại tiếp tục áp trừng phạt để đình chỉ thi công đường ống.
Nord Stream 2 AG đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Dòng chảy phương Bắc 2. (Sputnik)
Nga-EU: EU gia hạn trừng phạt Nga tới đầu năm 2022
Ngày 12/7, EU cho biết, khối này đã quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực kinh tế cụ thể của Nga thêm 6 tháng, tới ngày 31/1/2022, với cáo buộc Moscow tiếp tục "gây bất ổn" ở Ukraine.
Theo thông báo của EU, quyết định này dựa trên đánh giá mới nhất về tình hình thực hiện các thỏa thuận Minsk mà Liên minh châu Âu cho rằng, Moscow không thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh đó, EU cũng kêu gọi Nga "hoàn toàn chịu trách nhiệm việc đảm bảo thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk", coi đây là điều kiện quan trọng nếu muốn khối này thay đổi lập trường. (Anadolu)
EU-Israel: EU tìm kiếm khởi đầu mới với Israel
Ngày 12/7, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đang ở thăm Brussels, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, khối này hy vọng mối quan hệ với Israel - vốn đã xấu đi trong thời gian qua - sẽ có sự khởi đầu mới với chính quyền mới của Israel.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đánh giá chuyến thăm của ông Lapid là một “dấu hiệu tốt đẹp” và EU đang lựa chọn cách thức nối lại các cuộc họp của Hiệp hội EU-Israel, vốn được lập để cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Dự kiến trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Lapid có cuộc hội đàm chung với tất cả 27 ngoại trưởng các nước EU. (AFP)
EU-Trung Quốc: EU nhất trí kế hoạch về cơ sở hạ tầng đối phó với Trung Quốc
Ngày 12/7, ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí khởi động một kế hoạch về cơ sở hạ tầng toàn cầu kết nối châu Âu với thế giới.
Phát biểu với báo giới sau một cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: "Chúng tôi thấy Trung Quốc sử dụng các biện pháp kinh tế và tài chính nhằm tăng sức ảnh hưởng chính trị khắp nơi trên thế giới. Than vãn về điều này không có ích gì, chúng tôi phải đưa ra các lựa chọn thay thế. Điều quan trọng là EU phải gắn kết các lựa chọn này một cách chặt chẽ với Mỹ".
Liên minh này đã vạch ra lộ trình chính thức cho một kế hoạch "kết nối" tham vọng từ năm 2022 do nghi ngờ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là nhằm đạt được tầm ảnh hưởng lớn hơn thông qua các dự án cơ sở hạ tầng kết nối châu Âu với châu Á. (Reuters)
Biển Đông: Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc
Ngày 11/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, chính quyền Tổng thống Joe Biden giữ nguyên lập trường của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, theo đó bác bỏ gần như tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Washington coi tất cả yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận là bất hợp pháp.
Cùng ngày, Nhật Bản và Canada cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về Biển Đông, đồng thời khẳng định phản đối bất kỳ yêu sách chủ quyền nào ở Biển Đông trái với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. (AP, Reuters)
Lithuania-Belarus: Vilnius tố cáo Minsk dùng người tị nạn làm vũ khí chính trị
Ngày 12/7, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng, EU nên xem xét vòng trừng phạt thứ 5 đối với Belarus do Minsk đang "thả cửa" đối với người di cư từ nước ngoài để đưa họ vào Liên minh châu Âu một cách bất hợp pháp.
Phát biểu khi đến dự hội nghị với những người đồng cấp EU, Ngoại trưởng Landsbergis nói: "Khi người tị nạn được sử dụng như một vũ khí chính trị... tôi sẽ thảo luận với những đồng sự của mình để vạch ra một chiến lược chung cho EU".
Lithuania cũng đã thông báo sẽ mở một trại tị nạn mới cho những người di cư bất hợp pháp trong tuần này, có sức chứa 500 người. (Reuters)
Triều Tiên-Hàn Quốc: Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc tấn công mạng Seoul
Ngày 12/7, Triều Tiên đã bác bỏ cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau các cuộc tấn công gần đây vào một tổ chức nghiên cứu năng lượng hạt nhân và một nhà máy sản xuất máy bay của Hàn Quốc.
Một bài viết được đăng trên trang điện tử tuyên truyền Uriminzokkiri của Triều Tiên nhận định: "Họ bị tấn công là do đã sơ suất và công nghệ kém, họ nên tìm kiếm nguyên nhân từ bên trong".
Bên cạnh đó, trang này lên án "những người Hàn Quốc bảo thủ" vì đã đưa ra những nghi ngờ như vậy, đồng thời chỉ trích những cáo buộc này nhằm mục đích gây leo thang căng thẳng giữa hai miền Nam-Bắc và là "một hành động khiêu khích không thể xem thường".
Trước đó, ngày 8/7, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) đã đệ trình Quốc hội báo cáo rằng, Viện nghiên cứu Năng lượng nguyên tử phải đã phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên trong 12 ngày, mặc dù không có dữ liệu quan trọng nào bị đánh cắp. (Yonhap)
Bầu cử Quốc hội Moldova: Đảng của Tổng thống Maia Sandu chiếm ưu thế
Ngày 11/7, Ủy ban bầu cử Moldova dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội sớm ở nước này cho thấy, Đảng Hành động và Đoàn kết (PAS) trung hữu của đương kim Tổng thống Maia Sandu đang dẫn đầu với hơn 47% số phiếu trong tổng số hơn 90% phiếu đã được bầu.
Ngay sau kết quả sơ bộ trên, Tổng thống thân châu Âu của Moldova tuyên bố:"Tôi hy vọng rằng, ngày hôm nay là ngày sẽ kết thúc sự cai trị của những tên trộm ở Moldova".
Trước đó, ngày 9/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, các đại diện của Mỹ và EU đang quyết liệt triển khai những nỗ lực can thiệp vào chiến dịch bầu cử hiện nay của Moldova. (AFP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường