Tin thế giới 11/5: Thượng đỉnh Nga-Mỹ chưa diễn ra, Mỹ đã muốn thu hẹp; Trung Quốc nổi giận nói "hài kịch"; Israel-Palestine chính thức khai chiến?
Nga-Mỹ, tình hình Ukraine, vấn đề Đài Loan và căng thẳng Trung Quốc-Đan Mạch, xung đột Israel-Palestine, Mỹ-Iran... là một số tin thế giới nổi bật.
Nga-Mỹ:
Nga đề xuất nội dung thảo luận, Mỹ muốn thu hẹp chương trình nghị sự Biden-Putin
Ngày 11/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Mỹ cố gắng "thu hẹp" chương trình nghị sự giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden về vấn đề ổn định chiến lược.
Nhà ngoại giao Nga nêu rõ: "Dĩ nhiên, đối thoại là cần thiết. Nhất là trong điều kiện khi Washington phá hủy gần hết tất cả cơ chế về kiểm soát vũ khí, chỉ còn lại Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START)".
Theo ông Lavrov, Nga đã đề xuất cân nhắc những vấn đề trong lĩnh vực ổn định chiến lược của tất cả nhân tố, tất cả hệ thống mà không có ngoại lệ, cả tấn công lẫn phòng ngự, vốn có một tác động trực tiếp với sự ổn định chiến lược này.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho hay, các đề xuất của Moscow đã được gửi tới chính quyền Mỹ và Moscow tiếp cận tích cực đề xuất của Washington tổ chức một cuộc họp giữa 2 Tổng thống.
Ngoại trưởng Nga cho hay, Moscow vẫn đang chờ câu trả lời từ Washington về kế hoạch gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ về giải trừ vũ khí Robert Wood cho biết, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nga đang được tiến hành. (Reuters, Sputnik)
Tổng thống Nga trình Hạ viện dự luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đệ trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) dự luật về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở cũng như chỉ định Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov làm đại diện chính thức của mình khi Quốc hội Liên bang xem xét dự luật này. (TASS)
Ukraine:
Ukraine tố Nga chưa hành động, chờ đợi tín hiệu từ NATO
Ngày 11/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, Nga không rút lại khí tài quân sự đã triển khai ở gần biên giới Ukraine kể từ khi nước này thông báo rút quân hồi tháng trước.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ hy vọng nhận được "tín hiệu mạnh mẽ" từ Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 6 tới.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, nước này không mong đợi Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ đưa ra một Kế hoạch hành động thành viên (MAP) cho Ukraine, do một số nước thành viên lo ngại động thái này sẽ khiêu khích Nga.
Phát biểu với kênh Ukraine 24, ông Kuleba nói: “Về những trở ngại ngày, đáng tiếc, vẫn còn một số quốc gia trong số các đồng minh bị ảnh hưởng bởi tư duy logic không khiêu khích Nga và cho rằng ngồi, yên và không làm gì là cách tốt nhất để giữ cho Nga bình tĩnh”. (Reuters)
Mỹ-Iran:
Căng thẳng gia tăng ở Eo biển Hormuz, Iran nói Hải quân Mỹ không chuyên nghiệp
Ngày 11/5, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, họ đã cảnh báo các tàu của Hải quân Mỹ trước khi hai bên xảy ra va chạm trên Eo biển Hormuz.
Tuyên bố đưa ra để đáp trả cáo buộc trước đó của Hải quân Mỹ rằng, các xuồng tấn công nhanh của Iran đã quấy rối khiến lực lượng này phải nổ 30 phát súng cảnh cáo.
Hải quân IRGC cũng xác nhận họ đã "chạm trán" 7 tàu của Mỹ trong ngày 10/5. Theo lực lượng này, trong khi duy trì khoảng cách với các tàu Mỹ theo luật định, phía Iran đã phát cảnh cáo "nhằm phản đối hành vi mạo hiểm và thiếu chuyên nghiệp" của tàu Mỹ, nhưng tàu hải quân Mỹ vẫn tiếp tục hải trình. (AFP)
Israel-Palestine:
Tham mưu trưởng Israel tuyên chiến với các nhóm vũ trang Palestine
Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Tướng Aviv Kohavi mới đây đã ra lệnh cho quân đội tiếp tục tấn công các cơ sở sản xuất tên lửa ở Gaza do Hamas và Jihad Hồi giáo (PIJ) kiểm soát, cũng như các mục tiêu khác.
Ông Kohavi cũng bật đèn xanh cho IDF cũng như người dân phía nam Israel và tất cả các lực lượng "phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn, không có giới hạn thời gian".
Các binh sĩ từ Lữ đoàn bộ binh Golani và Lữ đoàn thiết giáp số 7 của Israel cũng đã được điều đến biên giới Gaza trong lúc quân dự bị được gọi đến các đơn vị phòng không, tình báo và không quân.
Trước đó, quân đội Israel cho biết, đã tấn công 130 "mục tiêu quân sự" ở Dải Gaza và tiêu diệt "15 phần tử Hamas và thánh chiến Hồi giáo" trong các vụ không kích trả đũa việc các nhóm vũ trang Palestine bắn rocket về phía Israel.
Các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở Đông Jerusalem giữa người biểu tình Palestine và lực lượng cảnh sát Israel, khiến ít nhất 300 người thương vong, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ủng hộ lực lượng cảnh sát. (Times of Israel)
Quốc tế lo ngại về tình hình ở Bờ Tây
Ngày 11/5, Ủy ban châu Âu (EC) hối thúc các bên chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực đang bùng phát ở Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem và Dải Gaza.
Trong phản ứng của mình, ngày 11/5, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit đã lên tiếng chỉ trích việc Israel không kích Dải Gaza là vụ tấn công "bừa bãi và vô trách nhiệm".
Ông Gheit khẳng định Israel phải chịu trách nhiệm về "sự leo thang căng thẳng nguy hiểm" ở Jerusalem, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng bạo lực.
Trong khi đó, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) Rupert Colville cho biết, UHCHR "quan ngại sâu sắc" về tình hình bạo lực leo thang tại các phần lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, Đông Jerusalem và Israel.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Đức... cũng đã lên tiếng quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế.
Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc):
Nhật Bản ủng hộ Đài Loan tham gia hội nghị của WHO
Ngày 11/5, chính phủ Nhật Bản lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi để Đài Loan tham gia vào hội nghị sắp tới của của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) – cơ quan hoạch định chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phát biểu tại cuộc họp báo, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết: "Chúng tôi kiên quyết cho rằng, không nên có khoảng trống địa lý trong việc giải quyết các vấn đề y tế quốc tế. Chúng tôi ủng hộ sự tham gia (hội nghị WHA) của Đài Loan với tư cách quan sát viên và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước liên quan nhằm hối thúc WHO và nói rõ quan điểm của mình".
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), trong đó có Nhật Bản, đã thể hiện ủng hộ Đài Loan tham gia hội nghị của WHA, dự kiến diễn ra từ ngày 24/5 đến ngày 1/6 tới, tuy nhiên, vấn đề này đã vấp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc. (Kyodo)
Đan Mạch 'vỗ thẳng mặt' Trung Quốc, Bắc Kinh nổi giận
Ngày 11/5, Trung Quốc đã chỉ trích một hội nghị dân chủ tại Copenhagen có sự tham gia của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn và một nhà hoạt động Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong cùng với các quan chức chính phủ Đan Mạch trong tuần này, cho rằng đây là một "vở hài kịch chính trị".
Trong một thông báo được công bố cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đan Mạch viết rõ: "Việc mời những người ủng hộ 'sự độc lập' của Đài Loan và Hong Kong tham gia hội nghị vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc và can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc".
Hội nghị Dân chủ Copenhagen diễn ra trong hai ngày 10-11/5 tại thủ đô của Đan Mạch. Hội nghị được tổ chức bởi Liên minh Các nền dân chủ, một tổ chức bị Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt và do cựu Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen sáng lập. (AFP)
Tấn công mạng ở Mỹ:
Tổng thống Mỹ nói chưa có bằng chứng Nga dính líu
Ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, tình báo nước này không có bằng chứng cho thấy chính phủ Nga có liên quan đến các cuộc tấn công mạng nhằm vào công ty Colonial Pipeline, tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các thủ phạm của vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền (ransomware) ở Nga.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định, nước này không liên quan đến vụ hacker tấn công công ty Colonial Pipeline của Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tiến hành điều tra vụ việc, đồng thời đánh giá tác động của vụ tấn công mạng này tới nguồn cung nhiên liệu cho bờ Đông và xem xét các biện pháp giảm tác động nhiều nhất có thể. (Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar thi nhau 'hàn gắn' quan hệ với Saudi Arabia
Ngày 10/5, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani đã tới Saudi Arabia, chuyến thăm thứ 2 của ông kể từ khi hai nước nối lại quan hệ vào tháng 1/2021 sau cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài 3 năm qua.
Theo những hình ảnh và thông báo do truyền thông nhà nước Saudi Arabia công bố, người nắm quyền trên thực tế tại Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman đã tiếp Quốc vương Tamim tại thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ.
Trong khi đó, Hãng thông tấn Qatar (QNA) đưa tin chuyến thăm này, được tiến hành theo lời mời của Thái tử Mohammed, nhằm thảo luận về quan hệ song phương và những vấn đề khác mà hai nước có "lợi ích chung".
Cũng trong ngày này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tới Saudi Arabia hội đàm với các quan chức nước chủ nhà như nhằm cải thiện quan hệ với Riyadh. Đây là chuyến thăm đầu tiên của quan chức phía Ankara sau vụ giết hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hồi năm 2018 tại Istanbul khiến quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi. (AFP, Arab News)
Mỹ-Trung Quốc:
Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc
Ngày 10/5, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Charles Schumer thông báo, cơ quan lập pháp này sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, hay còn được gọi là Đạo luật Biên giới Vô tận, trong tháng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận