24HMONEY đã kiểm duyệt
13/01/2023
Tin nóng thế giới 13/1: Nga kiểm soát Soledar, Mỹ cần lập ‘hàng rào bảo vệ’ với Trung Quốc?
Ukraine kêu gọi Australia ‘nối bước’ Anh, Mỹ điều xe tăng tới Đông Âu, đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ-Syria…là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Nga-Ukraine
* Nga khẳng định đã chính thức kiểm soát Soledar: Ngày 13/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào tối 12/1, thành phố Soledar đã hoàn toàn do quân đội nước này kiểm soát. Trong thông cáo báo chí, Bộ trên khẳng định thành phố này có ý nghĩa quan trọng để đạt thành công trong hoạt động tấn công tiếp theo. Trước đó, phóng viên chiến trường của Nga đã đăng tải đoạn video về các cuộc tấn công bằng pháo của Nga vào lực lượng viện binh của Ukraine ở Soledar. Các trang mạng Nga nói rằng quân đội Ukraine vẫn cố thủ ở phía Tây thị trấn này.
Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình Nga ngày 13/1, cố vấn lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Igor Kimakovsky cho biết: “Tình hình gần như tương tự (ở Soledar) đang phát triển ở Bakhmut. Thành phố hiện cũng đang trong vòng vây tác chiến, các mũi tấn công thực sự của chúng ta đang được hình thành từ cả hai hướng. Xung quanh nơi này, pháo binh của chúng ta cũng hoạt động rất cấp tập, đem đến cho chúng ta sự lạc quan thực sự”. Được biết, hiện các đơn vị của quân đội Nga đang triển khai ở phía Tây, Bắc và Nam Bakhmut. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Nga vẫn chưa chính thức xác nhận thực tế về việc bao vây Bakhmut.
Việc để mất Bakhmut sẽ là đòn giáng nghiêm trọng đối với Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) sau khi lực lượng này đánh mất Soledar. Tại Bakhmut, hệ thống phòng thủ của VSU được xây dựng phức tạp hơn nhiều so với ở Soledar và quân số Ukraine ở đây lớn gấp nhiều lần. (TTXVN)
* Nga nêu kịch bản Belarus can dự xung đột ở Ukraine: Trả lời TASS (Nga) ngày 13/1, quan chức Bộ Ngoại giao Nga Aleksey Polishchuk nhấn mạnh tập trận chung giữa Nga và Belarus là nhằm mục đích ngăn leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Từ quan điểm pháp lý, việc chính quyền Kiev sử dụng vũ lực hoặc lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành xâm nhập vào lãnh thổ Belarus hoặc Nga là đủ cơ sở để kích hoạt một phản ứng tập thể”. Dầu vậy, theo ông, quyết định đáp trả sẽ tùy thuộc vào lãnh đạo hai nước. (Reuters)
* Ukraine kêu gọi Australia “theo bước Anh”: Ngày 13/1, Đại sứ Ukraine tại Australia Vasyl Myroshnychenko cho rằng Australia nên xem xét “theo bước Anh” cấp xe tăng cho Ukraine trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ác liệt giữa quân đội Ukraine và Nga ở miền Đông. Quan chức này cũng kêu gọi Australia viện trợ Ukraine thêm xe bọc thép Bushmaster, xe chở quân, đạn dược, thậm chí là xe tăng M1 Abrams cho Kiev. Ông cũng lưu ý việc các quốc gia phương Tây đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine sẽ góp phần tạo ra “bước ngoặt” giúp quân đội Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga. Cùng với xe bọc thép, ông Myroshnychenko cho biết, Ukraine còn cần thiết bị viễn thông, máy bay không người lái và bộ rà phá bom mìn. Bên cạnh đó, Ukraine cũng cần hỗ trợ năng lượng. (TTXVN)
* Phần Lan có thể gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine: Ngày 12/1, phát biểu với hãng thông tấn STT của Phần Lan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho hay Helsinki chỉ có thể chia sẻ một số lượng hạn chế các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, do nước này cũng cần vũ khí để bảo vệ đường biên giới dài với Nga. (Reuters)
* Đức ra ‘tuyên bố bước ngoặt’ về hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Ngày 12/12, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck, người cũng giám sát việc kiểm soát xuất khẩu vũ khí với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế, cho biết: “Việc đưa ra quyết định cho chính mình và ngăn cản quyết định của người khác là hoàn toàn khác nhau. Theo đó, Đức không nên cản đường khi các quốc gia khác đưa ra quyết định ủng hộ Ukraine, bất kể Đức đưa ra quyết định nào”.
Trước đó, ngày 11/1, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẽ cung cấp “một số xe tăng Leopard cho Ukraine như một phần của việc xây dựng liên minh quốc tế”. Song hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định này có được Berlin chấp thuận hay không, do xe tăng Leopard 2 được sản xuất tại Đức và có những hạn chế trong việc tái xuất khẩu.
Dù về mặt lý thuyết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu xe tăng do Đức sản xuất của Ba Lan có được chuyển tới Ukraine hay không, nhưng tuyên bố công khai của ông Habeck sẽ khiến ông khó từ chối.
Trong bối cảnh đó, tuyên bố của ông Habeck đánh dấu bước ngoặt mới nhất trong cuộc tranh luận gay gắt về việc cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại do phương Tây sản xuất cho Ukraine. Tuần trước, Mỹ, Pháp và Đức đã nhất trí chuyển xe tăng hạng nhẹ và xe chiến đấu bộ binh cho Kiev. Hiện Anh đang cân nhắc liệu có chuyển xe tăng chiến đấu Challenger 2 tới Ukraine hay không. Xe tăng phương Tây có thể giúp Ukraine tái chiếm các vùng lãnh thổ đã mất trong cuộc xung đột với Nga. (TTXVN)
Mỹ-Trung
* Nhà Trắng: Mỹ cần lập “hàng rào bảo vệ” trong quan hệ với Trung Quốc: Ngày 12/1, phát biểu tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell nhấn mạnh: “Có lẽ đây là thời điểm để xây dựng một số hàng rào bảo vệ. Dù chúng tôi tin rằng đặc điểm nổi bật của quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục là cạnh tranh, nhưng chúng tôi muốn đó là sự cạnh tranh hòa bình và hiệu quả. Chúng tôi rất muốn hướng sự cạnh tranh đó vào các lĩnh vực có lợi cho cả hai dân tộc chúng ta”. Theo ông, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao tại Indonesia hồi tháng 11/2022 là nỗ lực quan trọng “để xây dựng nền móng” cho quan hệ Washington và Bắc Kinh.
Cố vấn cấp cao CSIS và chủ trì phiên thảo luận về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại hội thảo trên, Scott Kennedy, khẳng định phát biểu trên cho thấy Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc: Washington mở rộng đối thoại và tìm kiếm các lĩnh vực để hợp tác với Bắc Kinh, song tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc về kiểm soát xuất khẩu công nghệ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khu vực khác. Ông nói: “Năm 2023 sẽ là năm ‘vừa hợp tác vừa cạnh tranh’ với Trung Quốc về kinh tế và công nghệ”.
“Hàng rào bảo vệ” là cụm từ nổi lên liên quan tới Trung Quốc kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ cách đây hai năm. Từ giữa năm 2021, các quan chức cấp cao Mỹ sử dụng cụm từ này để ám chỉ việc xử lý mối quan hệ Mỹ-Trung một cách “có trách nhiệm”, qua đó ngăn căng thẳng phát triển thành xung đột. (SCMP)
Đông Bắc Á
* Ngoại trưởng Hàn-Nhật điện đàm về lao động cưỡng bức: Ngày 13/1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Ngoại trưởng Park Jin đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nhằm thảo luận các vấn đề còn tồn đọng, bao gồm cách thức bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị Nhật Bản cưỡng bức lao động trong thời chiến theo phán quyết năm 2018. Tuy nhiên, bộ này không nêu thêm chi tiết. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về vấn đề an ninh khu vực và nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, cũng như hợp tác ba bên với phía Mỹ, nhằm chặn đứng mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. (Yonhap)
* Hàn Quốc chỉ trích phản ứng của HĐBA LHQ về vấn đề Triều Tiên: Ngày 12/1, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Hàn Quốc Hwang Joon Kook cho rằng HĐBA đã không phản ứng thích đáng trước “hành động vi phạm rõ ràng và liên tục của Triều Tiên đối với nhiều nghị quyết của HĐBA LHQ” trong các hội nghị về vấn đề Triều Tiên năm ngoái.
Năm 2022, Triều Tiên đã bắn khoảng 70 tên lửa đạn đạo, con số kỷ lục tính riêng trong một năm, bao gồm cả vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 vào ngày 18/11. Mỹ đã thúc đẩy việc ban hành các văn kiện chính thức nhằm lên án hành vi quyết đoán của Bình Nhưỡng hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung. Tuy nhiên, HĐBA LHQ không thu được kết quả rõ ràng nào do sự phản đối từ hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc. (Yonhap)
Châu Âu
* Mỹ điều nhiều xe tăng tới Đông Âu: Ngày 11/1, xe tăng và xe chiến đấu của Mỹ bắt đầu cập cảng Vlissingen (Hà Lan) để tiếp tục đến Ba Lan và Litva theo kế hoạch nỗ lực củng cố sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đại tá Robert Kellam, người phụ trách chiến dịch của Mỹ khẳng định: “Khoảng 1.250 thiết bị quân sự đang cập cảng này”. Các phương tiện bao gồm xe tăng M1 Abrams và xe chiến đấu Bradley từ Đội chiến đấu Lữ đoàn 2, Sư đoàn kỵ binh số 1 ở Fort Hood, Texas.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, NATO đã và đang tăng cường các nhóm tác chiến tại các nước Baltic ở phía Bắc đến Biển Đen ở phía Nam. (Sputnik)
Châu Phi
* Tổng thống Syria nêu mục tiêu trong đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ: Trong phát biểu công khai đầu tiên về đàm phán mang tính bước ngoặt với Thổ Nhĩ Kỳ do Nga giám sát, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết các hoạt động này dựa trên mục tiêu chấm dứt việc chiếm đóng lãnh thổ Syria và ngừng hỗ trợ cho “khủng bố”. Trong cuộc gặp với đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentiev ở Damascus, ông cho biết đàm phán “nên được phối hợp trước giữa Syria và Nga để... tạo ra những kết quả cụ thể mà Syria tìm kiếm”
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, ông có thể gặp người đồng cấp Syria Faisal Mekdad vào đầu tháng Hai.
Trong diễn biến liên quan, phát biểu ngày 13/1 khi thăm Beirut (Lebanon), Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết: “Chúng tôi hài lòng với cuộc đối thoại giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ phản ánh một cách tích cực quan hệ giữa hai nước”. (Reuters)
Bình luận