Tín dụng ngoại tệ sẽ bị siết
Kể từ ngày 1/10 tới, các TCTD sẽ không còn được cho vay ngoại tệ trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước.
Trước đó, kể từ ngày 1/4/2019, các TCTD cũng đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước.
Dư nợ tín dụng ngoại tệ quy đổi của Vietcombank, BIDV và Vietinbank lên tới 276 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2019
Bất lợi cho doanh nghiệp
Theo một quan chức NHNN, việc thu hẹp các nhu cầu vay ngoại tệ nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, từng bước chuyển dần từ quan hệ huy động- cho vay sang mua - bán ngoại tệ. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030 đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục đôla hóa.
Hơn nữa, tín dụng ngoại tệ tăng khá nhanh trong những năm gần đây chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi hơn do lãi suất cho vay USD thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND. Vì vậy, NHNN đã thu hẹp dần tín dụng ngoại tệ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được vay ngoại tệ ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, nếu như trước đây, việc cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu này được gia hạn từng năm, thì nay quy định này đã được dỡ bỏ.
Hiện lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, còn lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm; tức chỉ bằng khoảng 50% lãi suất cho vay VND. Rõ ràng với mức chênh lệch lớn như vậy, việc siết chặt tín dụng ngoại tệ sẽ là một mất mát không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp do họ sẽ buộc phải chuyển sang vay tiền đồng với lãi suất cao hơn, đẩy chi phí vốn tăng lên.
Cần thị trường mua bán ngoại tệ thuận lợi
Mặc dù tín dụng ngoại tệ trung và dài hạn sắp bị chặn lại, nhưng cộng đồng doanh nghiệp không có nhiều phản ứng với quyết định này như thời gian trước. Sở dĩ như vậy, theo một chuyên gia ngân hàng, là do lộ trình siết chặt tín dụng ngoại tệ đã được NHNN công bố từ khá sớm nên các doanh nghiệp đã có một thời gian dài để chuẩn bị. Trong đó, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ trung - dài hạn đã vay trước thời hạn 1/10 tới.
Quả vậy, mặc dù đã lâu không thấy NHNN công bố số liệu về tín dụng ngoại tệ, song báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy, tín dụng ngoại tệ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay. Đơn cử như Vietcombank, tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay ngoại tệ quy đổi 91.261 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cuối năm 2018. Tương tự BIDV, tổng dư nợ cho vay ngoại tệ quy đổi 100.059 tỷ đồng, tăng tới 11,9%; Vietinbank cũng có dư nợ ngoại tệ quy đổi gần 84.641 tỷ đồng, tăng 14% so đầu năm nay… Như vậy, chỉ tính riêng 3 ông lớn này, dư nợ cho vay ngoại tệ đã lên tới gần 276 nghìn tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi siết tín dụng ngoại tệ, NHNN cần tạo lập thị trường mua bán ngoại tệ thuận lợi để đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp trong bất kỳ thời điểm nào.
Việc không được vay ngoại tệ sẽ buộc các doanh nghiệp phải chuyển sang vay VND với lãi vay cao gấp đôi để mua ngoại tệ thanh toán cho đối tác nước ngoài. Thế nhưng, cái lợi của việc mua đứt bán đoạn ngoại tệ là doanh nghiệp không còn phải lo ngại rủi ro tỷ giá biến động như trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí vốn cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với rủi ro khan hiếm ngoại tệ trên thị trường.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, khi siết lại tín dụng ngoại tệ, NHNN cần phải tạo lập một thị trường mua – bán ngoại tệ thuận tiện, có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận