Tìm hiểu về Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)
Dù “sinh sau đẻ muộn” so với sở giao dịch chứng khoán TP HCM nhưng sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chứng tỏ vị thế quan trọng chẳng hề kém cạnh “đàn anh” của mình trong sự phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lịch sử hình thành và phát triển của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hanoi Stock Exchange – HNX) tiền thân là Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) được thành lập vào năm 1998 theo theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ.
Đến ngày 02/01/2009, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức được đổi tên thành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg.
Sau đó vào ngày 24/06/2009, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức chuyển sang mô hình hoạt động Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm 100% vốn chủ sở hữu với tổng số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.
Mặc dù có cùng năm thành lập với Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, tuy nhiên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ chính thức khai trương và đi vào hoạt động trong năm 2005, muộn hơn 5 năm so với sàn HOSE, cho nên có thể nói Sở giao dịch chứng Hà Nội là “đàn em” của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.
Vào thời điểm mới đi vào hoạt động, sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chủ yếu thực hiện hoạt động đấu giá cổ phần nhằm phục vụ cổ phần hoá cho các doanh nghiệp nhà nước. Sau nhiều năm hoạt động và phát triển, sàn Hà Nội lần lượt “trình làng” những loại hàng hoá điển hình của thị trường chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ, quy mô của sở cũng phát triển thần tốc với 3 thị trường giao dịch thứ cấp gồm: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường UPCOM (nơi giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa được niêm yết).
Ngày 09/07/2012, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho ra mắt chỉ số giá HNX30 bao gồm 30 cổ phiếu niêm yết có giá trị thanh khoản cao nhất được giao dịch tại sàn. Đây là một trong những chỉ số giá chứng khoán quan trọng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó hơn 1 năm, ngày 02/12/2013, sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức vận hành hệ thống chỉ số bao gồm: Chỉ số tổng hợp (HNX FF Index), bộ chỉ số quy mô (Large Cap Index và Medium/Small Cap Index) và bộ chỉ số ngành (bao gồm ngành công nghiệp, xây dựng và tài chính).
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội: kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là đơn vị duy nhất tính đến thời điểm hiện tại được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động đấu thầu trái phiếu chính phủ.
Đến năm 2012, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội triển khai hình thức đấu giá trái phiếu điện tử cho phép thành viên đấu thầu có thể tham gia dự thầu từ xa. Phương thức này góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian xét thầu, xác định kết quả đấu thầu và kết nối cơ quan quản lý, tổ chức phát hành, tổ chức thị trường với toàn thể thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ.
Bên cạnh đó, HNX cũng áp dụng phương thức đấu thầu đa giá bên cạnh phương thức đấu thầu đơn giá truyền thống để tạo ra tính cạnh tranh khi đấu thầu trái phiếu chính phủ. Điều này góp phần không nhỏ gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ.
Định hướng phát triển trong tương lai của sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
Sau nhiều năm hoạt động, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đây là bàn đạp cho những giai đoạn phát triển mới trong tương lai.
Trong đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán trong nước trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho nền kinh tế. Đặt trọng tâm phát triển sức mạnh thị trường cổ phiếu và nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Ngoài ra, HNX sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển nền kinh tế của đất nước trong tương lai. Song song với đó là nâng cao sức cạnh tranh và tính minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cuối cùng, HNX cũng tiếp tục nghiên cứu và phát triển tiềm năng của thị trường chứng khoán phái sinh, biến thị trường này thành một kênh đầu tư đáng để nhà đầu tư tham gia.
Một số quy định tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
Thời gian giao dịch:
Tổ chức giao dịch từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, không giao dịch vào thứ 7, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật.
- Phiên giao dịch buổi sáng: 09h00 - 11h30
- Phiên giao dịch buổi chiều: 13h00 - 15h00
Đơn vị giao dịch và đơn vị yết giá
Giao dịch lô chẵn
Đơn vị giao dịch đối với giao dịch khớp lệnh là 100 cổ phiếu hay trái phiếu (không áp dụng cho những giao dịch thỏa thuận).
Đơn vị giao dịch này chỉ áp dụng khi khối lượng giao dịch tối thiểu đối với giao dịch thỏa thuận là 5.000 cổ phiếu hoặc 1.000 trái phiếu.
Giao dịch lô lẻ
Những giao dịch có khối lượng từ 1 đến 99 chứng khoán niêm yết có thể được thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc có thể linh động áp dụng các hình thức khác nhưng đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn vị yết giá
Đối với giao dịch cổ phiếu: 100 đồng. Còn với giao dịch thỏa thuận và giao dịch trái phiếu thì không áp dụng đơn vị yết giá cụ thể nào.
Giá tham chiếu
- Giá tham chiếu: là mức giá đóng cửa trong ngày giao dịch liền trước đó.
- Giá cơ sở: là mức giá bình quân gia quyền của các giá giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục trong 15 phút cuối cùng của thời gian giao dịch trong ngày theo quy định. Trường hợp không có giao dịch được thực hiện trong thời gian trên, giá cơ sở được xác định bằng mức giá thực hiện cuối cùng trong ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh liên tục.
Biên độ giao động
Biên độ giao động giá cổ phiếu trên sàn HNX là ±10%, còn sàn UPCOM là ±15%
Không áp dụng biên độ giao động với giao dịch trái phiếu.
Phương thức giao dịch
Khớp lệnh liên tục: Khớp lệnh dựa trên sự so sánh giữa lệnh mua và bán nhập vào hệ thống theo nguyên tắc ưu tiên về giá (giá mua cao hơn được ưu tiên trước và giá bán thấp hơn được ưu tiên trước) và ưu tiên về thời gian (lệnh đặt trước được ưu tiên thực hiện trước).
Giao dịch thỏa thuận: Bên bán và bên mua tự thỏa thuận về khối lượng và giá rồi thông báo về cho hệ thống giao dịch.
Lệnh giao dịch:
Lệnh giới hạn (Limit Order – LO)
Phương thức thanh toán:
Áp dụng hình thức thanh toán bù trừ với thời gian thanh toán là T + 2
Huỷ, sửa lệnh
Lệnh giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép huỷ, sửa liên tục trong thời gian của phiên giao dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận