Tìm cơ hội với các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng EPS cao
Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu ổn định ở mức cao luôn được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
EPS tăng trưởng ổn định ở mức cao
Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) là phần lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu thường của các cổ đông, sau khi đã trừ đi cổ tức ưu đãi. Chỉ số EPS được các thành viên thị trường sử dụng như một chỉ báo về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu được sử dụng trong đánh giá thị giá của doanh nghiệp, tỷ lệ này cao thì doanh nghiệp cũng được đánh giá cao và ngược lại. Tùy vào xu hướng của tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu mà mức tăng trưởng được đánh giá là bền vững, không ổn định, phi mã hay tuột dốc.
Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu ổn định ở mức cao luôn được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Theo thống kê của Vietstock Finance, trong 4 năm qua, một số doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ tăng trưởng EPS trên 10% như Nam Việt (ANV), Đầu tư và Phát triển đô thị Dầu khí Cửu Long (CCL), Địa ốc First Real (FIR), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB), Cấp nước Bến Thành (BTW), Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) và Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB). Trong đó, PDR có tỷ lệ tăng trưởng EPS trên 10% trong 5 năm liên tiếp. Hầu hết doanh nghiệp này có P/E 2019 thấp hơn P/E chung toàn thị trường (khoảng 15 lần) và chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 15%.
Với các chỉ số tài chính tương đối tốt và thể hiện được khả năng duy trì tăng trưởng, hầu hết các doanh nghiệp kể trên chứng kiến giá cổ phiếu diễn biến tích cực. Trong đó, 5 doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng từ 25 - 202% năm 2019, nhưng có 2 doanh nghiệp có giá cổ phiếu giảm từ 9 - 15% là HDB và ANV.
Xét trong giai đoạn 4 năm, 6 doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng ấn tượng từ 169 - 580%, chỉ có 1 doanh nghiệp có giá cổ phiếu đi xuống là HDB.
PDR - Đã vượt ải khó
Với bức tranh kinh doanh nhiều điểm sáng, PDR nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Thể hiện sự tự tin của mình, trong các cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư và cổ đông vào cuối năm 2019, Phát Đạt luôn khẳng định đảm bảo mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019 (tăng gần 50% so với 2018), đồng thời đặt tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép bình quân (CAGR) là 38%/năm cho giai đoạn 2019 - 2023.
Khi báo cáo tài chính quý IV/2019 được công bố vào cuối tháng 1/2020, Phát Đạt phần nào đã thể hiện được khả năng “giữ lời” của mình.
Trong năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu 3.400 tỷ đồng, tăng 58,3% so với năm trước đó; lợi nhuận trước thuế hơn 1.103 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 872,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 45,5% và 35,6%.
Một trong những điểm nhấn của Phát Đạt trong hành trình 4 năm qua là sự cải thiện về sức khỏe tài chính.
Nếu như cuối năm 2016, Công ty có khoản nợ 3.241 tỷ đồng, lãi vay chiếm 84% chi phí hoạt động tài chính và hàng tồn kho 7.356 tỷ đồng tại các dự án như The EverRich 2, The EverRich 3, The EverRich Infinity... thì tới cuối năm 2018, Phát Đạt đã tất toán mọi khoản nợ vay, doanh thu tăng trưởng cao nhất kể từ khi thành lập với gần 2.148 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất, doanh nghiệp này hiện có quỹ đất 430 ha, trải dài từ TP.HCM đến nhiều đô thị đang phát triển mạnh mẽ như Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Dương, Phú Quốc… Như vậy, quỹ đất của Phát Đạt đã gia tăng 706% trong vòng chưa đầy 3 năm qua.
ANV - điểm sáng ngành thủy sản
2019 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp thủy sản, nhất là ngành hàng cá tra và tôm, khi đứng trước các thách thức bao gồm giá nguyên liệu giảm, trong khi giá nhiên liệu tăng.
Chưa kể, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Đây là lý do, đa phần các doanh nghiệp chứng kiến doanh thu đi xuống, không đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Trong bối cảnh này, ANV là một trong số ít doanh nghiệp là điểm sáng của ngành khi báo cáo lãi ròng tăng trưởng.
Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.481 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế tăng gần 17%, đạt hơn 705 tỷ đồng.
Trong năm 2019, dù giá cổ phiếu ANV giảm 15,06%, nhưng xét trong giai đoạn 4 năm, cổ phiếu này đạt mức tăng 580,13%, đủ làm “ấm lòng” nhà đầu tư.
Bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của ANV nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ tư của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 bùng phát được đánh giá sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc, cũng như nhu cầu tiêu dùng tại đây.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong ngắn hạn, ngành thủy sản sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm sút do xu hướng tiêu dùng bên ngoài (out of home) chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.
SMB - Liệu có thoát thế gọng kìm?
Duy trì đà tăng trưởng tích cực, giá cổ phiếu tăng 348,8%, SMB là một trong những doanh nghiệp có EPS tăng đều đặn hơn 10% trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, câu hỏi mà các thành viên thị trường đặt ra đối với SMB nói riêng và cổ phiếu ngành bia nói chung là việc có thể thoát khỏi gọng kìm của Nghị định 100 và dịch Covid-19?
Năm 2019, SMB công bố lợi nhuận sau thuế đạt hơn 207 tỷ đồng, tăng gần 48% so với năm trước. EPS đạt gần 7.000 tỷ đồng.
So với kế hoạch đề ra, Công ty đã thực hiện được 96% chỉ tiêu doanh thu và vượt 73% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Bước sang năm 2020, ngành bia đối diện với áp lực lớn khi Nghị định 100 liên quan tới việc hạn chế tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sút mạnh.
Bồi thêm vào đó, việc dịch Covid-19 bùng phát khiến người tiêu dùng có xu hướng tránh đến nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài. Đây đều là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bia, trong đó có SMB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận