24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hải Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tiki - “Amazon của Việt Nam” - đã về tay nước ngoài: Cận cảnh các cổ đông

Sau đợt tăng vốn vào cuối tháng 5/2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Ti Ki (Tiki) lên mức 54,501%, qua đó nắm giữ tỷ lệ chi phối tại sàn thương mại điện tử từng được mệnh danh là “Amazon của Việt Nam”.

Theo dữ liệu của VietTimes, ngày 28/5/2020 vừa qua, CTCP Ti Ki (Tiki) đã hoàn tất việc thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng quy mô vốn điều lệ từ 190,9 tỷ đồng lên hơn 208,31 tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng thêm chủ yếu đến từ dòng vốn nước ngoài, trong đó, Tiki ghi nhận thêm các cổ đông mới như: Success Elite Holdings Limited (sở hữu 4,973% VĐL), Sakshi Jawa (sở hữu 0,128% VĐL) và Henry Low Kwee Kok (0,011% VĐL).

Đáng chú ý, sau đợt tăng vốn này, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài tại Tiki tăng mạnh từ mức 49,714% lên 54,501%. Điều này đồng nghĩa với việc, nhóm cổ đông nước ngoài đã nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối tại Tiki. Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Trần Ngọc Thái Sơn (SN 1981) vẫn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của Tiki.

Dòng vốn nước ngoài “đổ” vào Tiki bắt đầu từ năm 2012, sau khi quỹ CyberAgent Ventures của Nhật Bản rót vốn đầu tư 500.000 USD. Sau đó, “Amazon của Việt Nam” tiếp tục đón nhận dòng vốn từ các cái tên đình đám khác như Sumitomo (1 triệu USD) hay JD.com (“đại gia” thương mại điện tử Trung Quốc).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Sumitomo Corporation đang nắm giữ 722.808 cổ phiếu phổ thông của Tiki, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,47%. Còn JD.Com International (Singapore) Pte. Limited nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương tỷ lệ sở hữu 20,031%. Bên cạnh đó, Tiki còn có một cổ đông lớn từ nước ngoài là Ubiquitous Traders Pte Ltd với tỷ lệ sở hữu 10,94%.

Tiki - “Amazon của Việt Nam” - đã về tay nước ngoài: Cận cảnh các cổ đông
Cơ cấu cổ đông ngoại tại Tiki (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: VietTimes)

Ở một diễn biến khác, nguồn tin của tờ Dealstreet Asia cho biết, Tiki vừa huy động thành công 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất. Do đó, không loại trừ khả năng, biến động cơ cấu cổ đông và động thái tăng vốn của Tiki có liên quan tới thương vụ này.

Về phía các nhà đầu tư trong nước, tháng 5/2016, CTCP VNG đã đầu tư 17 triệu USD vào Tiki để đổi lấy 38% cổ phần. Tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki sau đó giảm dần. Tính đến cuối tháng 3/2020, VNG chỉ còn sở hữu 24,25% vốn điều lệ của Tiki.

Cũng trong khoảng thời gian gần đây, truyền thông và mạng xã hội trong nước và quốc tế cũng dành nhiều sự quan tâm, đồn đoán về việc sáp nhập giữa 2 sàn thương mại điện tử Tiki và Sendo. Theo đó, nhân sự của hai sàn đang làm việc với các cơ quan chức năng về thủ tục sáp nhập. Song, cả hai bên vẫn chưa lên tiếng chính thức về thương vụ sáp nhập này.

Tương tự Tiki, ngày 25/5 vừa qua, CTCP Công nghệ Sen Đỏ (Sen Đỏ) cũng âm thầm tăng vốn điều lệ (mức 105,7 tỷ đồng lên 114,169 tỷ đồng), tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được cải thiện (lên mức 65,05%).

Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của Tiki và Sen Đỏ đều ghi nhận sự xuất hiện của cổ đông mới là Success Elite Holdings Limited.

Tiki - “Amazon của Việt Nam” - đã về tay nước ngoài: Cận cảnh các cổ đông
Cơ cấu cổ đông ngoại tại Sen Đỏ (Nguồn: VietTimes)

Dù đón nhận nhiều khoản đầu tư, cả Tiki và Sendo đều là những cỗ máy “đốt tiền” trong cuộc đua thương mại điện tử. Tính đến cuối năm 2018, Tiki lỗ lũy kế 1.400 tỷ đồng, trong khi con số của của Sendo là gần 1.300 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Tiki báo lỗ sau thuế hơn 1.765 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong cơ cấu cổ đông của Tiki còn có sự góp mặt của ông Nguyen Huan Dinh. Vị doanh nhân sinh năm 1978 hiện là cổ đông nắm quyền chi phối và đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc của CTCP Eton (Eton) - công ty chuyên cung cấp dịch vụ kho bãi và vận tải cho các công ty bán lẻ, các nhà phân phối qua kênh thương mại điện tử.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Eton được ông Nguyen Huan Dinh thành lập từ tháng 9/2016. Sau khi chuyển đổi sang mô hình cổ phần, cơ cấu cổ đông của Eton có nhiều biến động. Cập nhật đến tháng 6/2019, Eton có quy mô vốn hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyen Huan Dinh nắm giữ 70% vốn điều lệ, tiếp đến là bà Võ Thị Thúy Hà với tỷ lệ sở hữu 25%.

Nữ doanh nhân Võ Thị Thúy Hà là Chủ tịch HĐQT của CTCP F&B Ba Sao. Công ty này là nhà đầu tư trúng thầu dự án Trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà hàng tại quỹ đất mặt nước phía Đông hòn Cặp Bè, phường Hồng Hải (Quảng Ninh) theo hình thức chỉ định thầu.

Dự án đã được UBND Thành phố Hạ Long phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 1400/QĐ-UBND ngày 30/3/2018, và có tổng chi phí thực hiện hơn 508,86 tỷ đồng.

Trong HĐQT Eton còn có sự góp mặt của ông Mai Thanh Bình (SN 1981) - Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn VNLife.

Công ty này được thành lập từ tháng 11/2018, với quy mô vốn điều lệ 150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Mai Thanh Bình (45,18%), ông Trần Trí Mạnh (28,15%), ông Trần Văn Kỳ (21,67%) và ông Lê Tánh (5%). Đến đầu tháng 3/2019, CTCP Tập đoàn VNLife bị giải thể với lý do “công ty không còn nhu cầu đầu tư kinh doanh”./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả