Tiêu thụ vàng của Việt Nam tăng 6%
Rơi vào mùa lễ hội cùng với những lo ngại lạm phát, tiêu thụ vàng ở Việt Nam quý I tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Hội đồng Vàng thế giới vừa cho biết, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam quý I năm nay đạt 19,6 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái (18,6 tấn)
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng tăng 4%, từ 13,5 tấn trong quý đầu tiên của năm 2021, lên 14 tấn trong quý I năm nay. Nhu cầu vàng trang sức trong quý vừa rồi cũng tăng 10%, lên 5,6 tấn.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết nhu cầu vàng của Việt Nam tăng do lạm phát gia tăng và sự suy yếu của tiền đồng. Điều này đã làm tăng sức hấp dẫn đối với vàng, thể hiện qua phí bảo hiểm trong nước cao.
Ngoài ra, theo ông, các lễ hội địa phương bao gồm dịp Tết âm lịch, lễ tình nhân và ngày vía Thần Tài cùng với sự phục hồi của hoạt động kinh doanh về mức trước dịch cũng là nguyên nhân hỗ trợ cho nhu cầu vàng tại Việt Nam.
Mua vàng vía Thần Tài ở TP HCM ngày 10/02. Ảnh: Đình Văn
Trên thị trường toàn cầu, các cuộc khủng hoảng địa chính trị đã đè nặng lên nền kinh tế chung và tái tạo sự quan tâm của các nhà đầu tư với vàng, đẩy giá kim loại này lên mức 2.070 USD mỗi ounce vào tháng 3, chỉ kém một ít so mức cao nhất mọi thời đại được xác lập trước đó.
Theo Louise Street, Nhà phân tích cấp cao EMEA (Khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại Hội đồng Vàng Thế giới, quý đầu tiên của năm nay có nhiều thông tin hỗn loạn, được đánh dấu bởi các cuộc khủng hoảng địa chính trị, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Những sự kiện toàn cầu và điều kiện thị trường này đã củng cố vị thế của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho người tiêu dùng bán lẻ.
"Với những động lực thị trường hiện tại, như lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể thúc đẩy nhu cầu vàng giữa các nhà đầu tư", bà Louise nhận định.
Cũng theo bà này, người tiêu dùng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, có nghĩa là nhiều người sẽ xem xét lại cách họ chi tiêu. Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đang phục hồi sau sự suy yếu do dịch bệnh, đà tăng của nhu cầu đồ trang sức có thể bị kìm hãm do chi phí tăng cao và suy thoái kinh tế nói chung.
Viễn Thông
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận