Tiền ở đâu để kích thích kinh tế?
Ngoài chính sách tài khoá, tiền tệ, theo các chuyên gia vẫn còn nhiều dư địa phi tài chính có thể huy động cho phục hồi kinh tế.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất về gói phục hồi kinh tế. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn Thủ tướng, quy mô gói phục hồi kinh tế không ít hơn nửa triệu tỷ đồng - mức tổng đầu tư công hằng năm. Một số chuyên gia khác thậm chí cho biết quy mô có thể tới 800.000 tỷ đồng (tức 35 tỷ USD). Dù là con số nào, trong điều kiện ngân sách eo hẹp hiện nay, huy động vốn từ đâu là bài toán thách thức với Chính phủ.
Kinh nghiệm các nước khi thiết kế các gói phục hồi kinh tế là dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Với Việt Nam, dư địa chính sách tài khóa đang được đánh giá là "dư dả" hơn so với tiền tệ.
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, cho rằng, vẫn có thể dùng được công cụ chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, quy mô nợ công năm 2021 ước khoảng 43,6% GDP, thấp hơn nhiều ngưỡng cảnh báo (55% GDP). Quy mô dự trữ ngoại hối đạt gần 100 tỷ USD. Trong khi đó, lãi suất cho vay trong nước và quốc tế đang ở mức thấp, nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế khá dồi dào.
Việc huy động nguồn lực từ tài khoá có thể khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên, nhưng theo ông Lực, vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam có cơ hội tăng vay nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, hoặc vay quốc tế với lãi suất thấp.
"Các tổ chức quốc tế như IMF, WB hay ADB sẵn sàng cho chúng ta vay với lãi suất thấp, dưới 1%. Trong bối cảnh tỷ giá ổn định, vay nợ nước ngoài thì khá khả thi", ông nói với VnExpress.
Trước câu hỏi "nguồn lực của Việt Nam có đủ" cho gói chính sách, thậm chí với quy mô tới 800.000 tỷ, ông Nguyễn Đức Kiên trả lời rằng, "nói theo cách nào cũng có thể đủ". Nếu so với trần nợ công, nợ chính phủ, khả năng trả nợ của nền kinh tế, Việt Nam vẫn còn dư địa, nguồn lực để huy động. Nhưng nếu nói đến hiệu quả trả nợ như thế nào, phải quay về bài toán hiệu quả trả nợ từ trực tiếp của dự án công trình đầu tư và khả năng lan tỏa của chính sách.
Ông phân tích, bản chất là nhà nước đầu tư với tính chất không nhằm lợi nhuận, để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, nên đặt vấn đề theo hướng, phần hoàn vốn phải lấy từ lợi ích mà các doanh nghiệp khác được hưởng lợi từ dự án Chính phủ.
Lấy ví dụ một dự án PPP một tuyến đường cao tốc, ông Kiên cho biết, nếu chỉ trông chờ hoàn vốn từ thu phí con đường, nhà nước sẽ phải mất 15-20 năm. Nhưng nếu đặt vấn đề đây là dự án hỗ trợ, nhà nước cùng đầu tư, khi giao thông thuận tiện, tiền thuế sẽ tăng lên nhờ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hưởng lợi. Nhà nước có thể trích một phần thuế từ đó bù vào vốn bỏ ra ban đầu.
"Như vậy sau khi hết chu kỳ đầu tư dự án PPP, chúng ta vừa có con đường, vừa giúp cho doanh nghiệp, vừa thu hồi được vốn để tái đầu tư chỗ khác", ông nói.
Trong một bản dự thảo cuối tháng 10 về chương trình phục hồi kinh tế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng thừa nhận, việc huy động tổng thể các nguồn lực (tài chính, phi tài chính...) có thể khiến nợ công tăng lên. Song bù lại, tăng trưởng kinh tế 5 năm tới dự báo đạt khoảng 6,4-6,8% một năm, cao hơn khoảng một điểm % so với kịch bản không thực hiện và đạt mục tiêu đề ra (6,5-7% một năm). GDP Việt Nam năm 2020, sau khi đánh giá lại, theo Tổng cục Thống kê, đạt khoảng 343 tỷ USD (khoảng hơn 7,8 triệu tỷ đồng).
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tuần trước cho biết, cơ quan này tham mưu với Thủ tướng gói hỗ trợ cấp bù lãi suất để cho doanh nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm vay lãi suất 2-3% một năm. Việc này theo ông sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Năm 2009 cũng từng có một gói cấp bù lãi suất để kích cầu kinh tế với quy mô khoảng 17.000 tỷ đồng, cho vay các dự án, công trình đầu tư với lãi suất 4% một năm. Ở thời điểm đó, do cách làm phức tạp, phát sinh chi phí, trùng lặp đối tượng... nên để lại một số hệ luỵ như tín dụng tăng nhanh, lạm phát cao và khâu quyết toán kéo dài.
Bình luận về gói hỗ trợ lãi suất lần này, ông Cấn Văn Lực lưu ý 5 điều kiện để không "đi vào vết xe đổ" của gói năm 2009.
Trước tiên, là cần có cơ chế cho phép cho vay với cả doanh nghiệp không thể chứng minh khả năng tài chính (có thể do bị thua lỗ) nhưng có triển vọng phục hồi và có thể thiếu tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, tiền hỗ trợ từ ngân sách phải xác định rõ lấy từ nguồn nào. Thời hạn hỗ trợ nên tối đa là một năm vì ngân sách cũng có hạn.
Chuyên gia cũng đề nghị lần này hỗ trợ lãi suất phải có trọng tâm, trọng điểm và hướng tới một số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19. Ngoài ra, điều kiện "chốt" là việc kiểm toán sau khi kết thúc gói hỗ trợ cần chấp nhận mức độ sai sót nhất định và chỉ nên kiểm toán đại diện mẫu thay vì yêu cầu kiểm toán tất cả các khoản vay như năm 2009.
Nguồn tiền khác từng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập là huy động tiền nhàn rỗi trong dân thông qua phát hành công trái ngoại tệ. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, để thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó quay vòng vốn đảm bảo cho kinh tế phát triển.
"Gói kích cầu năm 2022-2023 có thể làm tăng bội chi, nhưng đến năm 2024 thì giảm bội chi. Mức bội chi 5 năm vẫn đạt chỉ tiêu được giao", Bộ trưởng Phớc giải thích khi thảo luận ở tổ cùng các đại biểu Quốc hội ngày 29/10.
Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần rất cân nhắc việc phát hành công trái ngoại tệ. Ông phân tích, công trái nếu lãi suất thấp và thời gian dài sẽ khó thu hút người dân, khi các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản, chứng khoán... tăng tốt. Chưa kể, phát hành công trái ngoại tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá, vĩ mô. Nguồn lực đồng ngoại tệ (USD) trong dân hiện phần nhiều đã được chuyển hoá vào kinh doanh, các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, chứ không còn găm giữ nhiều như hồi năm 2013-2014.
Ông Lực ví dụ, hơn 2.000 dự án bất động sản đang chậm triển khai, nếu tháo gỡ được nút thắt để số này tiếp tục thực hiện, Nhà nước sẽ thu được nguồn lực từ cho thuê đất, còn doanh nghiệp có việc làm cho lao động, người dân có thu nhập...
Cùng quan điểm, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam Lê Duy Bình cho rằng ngoài việc vay thêm nợ, vẫn còn nhiều nguồn lực có thể tính toán. Ông Bình nhắc tới vốn đầu tư công hiện giải ngân rất chậm, và nếu giải ngân hết sẽ là nguồn vốn mồi cho đầu tư xã hội, kích thích tăng trưởng, tạo sự lan toả kích cầu sản xuất, tiêu dùng.
Trong các động lực tăng trưởng giai đoạn tới là kinh tế ổn định, dịch chuyển chuỗi cung ứng, lãi suất thấp, đầu tư công..., ông lưu ý "sự phụ thuộc cực lớn" vào chính sách kích cầu, đầu tư công vào hạ tầng của Chính phủ. Cùng đó là sự hỗ trợ để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển bứt tốc nhanh, mạnh và bền vững.
"Tận dụng hết những dư địa đang có thì mới tính tới khơi thông nguồn lực khác hoặc đi vay để phục hồi kinh tế. Một đồng tiền chi ra từ ngân sách Nhà nước để kích cầu phải được sử dụng hiệu quả, nếu không sẽ để lại gánh nặng lớn về nợ sau này", ông Bình nói.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp hồi sức sau dịch, nhà chức trách có thể tận dụng nguồn tiền từ khoản tiết kiệm chi thường xuyên, hay khoản tăng thu, tiết kiệm chi từ ngân sách trung ương (nếu có) và tính toán sử dụng một phần các quỹ đầu tư ngoài ngân sách, như quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bảo vệ môi trường...
"Thể chế, thủ tục hành chính còn rất nhiều dư địa cải cách. Khơi thông, sử dụng những nguồn lực này sẽ tránh được lãng phí, người dân được lợi, nhà nước có khả năng thu được thuế", ông Cấn Văn Lực bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận