Tiền không mua được tất cả!
Câu nói “Tiền không mua được tất cả” dường như đang đúng cả về nghĩa đen với thị trường tài chính toàn cầu hiện nay.
Quả vậy, đại dịch COVID-19 đang lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu, làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế, đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Thị trường tài chính toàn cầu vì thế cũng trở nên hoảng loạn, “lao dốc” không phanh khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trên tất cả các thị trường, kể cả bán tháo vàng- tài sản trú ẩn an toàn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng trong nhiều năm qua.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 có thể còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Đơn cử như Fed đã mạnh tay cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0- 0,25% như giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Anh Quốc cũng giảm lãi suất xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử là 0,1%, Canada cũng không đứng ngoài cuộc khi giảm lãi suất về chỉ còn 0,25% sau hai lần cắt giảm khẩn cấp…Để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch này cũng như ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, ngân hàng trung ương tại hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đều nới lỏng hết cỡ chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục.
Không chỉ cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng tái khởi động lại các chương trình nới lỏng định lượng (QE) với quy mô cao gấp nhiều lần so với trước để bơm thẳng tiền vào nền kinh tế.
Theo đó, Fed cam kết mua vào 750 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp; ECB cũng vừa triển khai thêm một gói QE mới với quy mô lên tới 750 tỷ EUR (tương đương 820 tỷ USD), nâng quy mô mua vào tài sản của cơ quan này trong năm nay lên tới 1,1 nghìn tỷ EUR, bằng khoảng 6% GDP của khu vực…
Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp, nhiều ngân hàng trung ương sẽ sử dụng giải pháp “tiền trực thăng”, có nghĩa tiền sẽ được phát không cho người tiêu dùng để khuyến khích họ chi tiêu.
Các Chính phủ cũng nhanh chóng triển khai các biện pháp khẩn cấp để kích thích kinh tế như hoãn, cắt giảm thuế, phí và các gói kích thích kinh tế khổng lồ.
Tại Mỹ, hiện các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng đang thảo luận về một gói cứu trợ khẩn cấp trị giá lên tới 1.000 tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Pháp cũng tuyên bố sẽ chi 45 tỷ EUR để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại Nhật, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết Chính phủ sẽ khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay, trị giá khoảng 270 tỷ JPY (2,62 tỷ USD) cho các gói hỗ trợ…
Ngay cả các tổ chức tài chính quốc tế lớn cũng nhập cuộc. IMF tuyên bố sẵn sàng huy động tối đa khả năng cho vay 1.000 tỷ USD của mình để hỗ trợ các nước thành viên. Hay như ADB mới đây cũng tuyên bố gói hỗ trợ 6,5 tỷ USD để ứng phó với đại dịch...
Có thể thấy đã lâu lắm rồi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nền kinh tế và thị trường tài chính mới lại “ngập” trong nhiều tiền đến như vậy.
Thế nhưng, khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra lần này là cuộc khủng hoảng về niềm tin, sức khỏe con người, mà sức khỏe “không thể mua được bằng tiền”.
Bằng chứng là thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn “rực lửa”. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 32% trong vòng 1 tháng qua từ mức 29.542 điểm xuống còn 28.087 điểm; Chỉ số Nasdaq cũng giảm 27% xuống quanh 7.150 điểm; S&P500 giảm 29% xuống còn 2.409 điểm;…
Trong khi đó chỉ số VIX - đo sự sợ hãi của nhà đầu tư tại Phố Wall đã tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử là 82,69 điểm, cao hơn nhiều so với mức được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Thậm chí, nhiều quốc gia như Philippinnes đóng cửa sàn giao dịch chứng khoán của mình trong bối cảnh các nhà đầu tư hoảng loạn liên tục bán tháo…
Đó là minh chứng rõ nét nhất cho thấy việc bơm tiền của các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới vẫn không thể vãn hồi được niềm tin của các nhà đầu tư khi mà virus COVID-19 “không hề quan tâm” tới tiền.
Cũng vì lẽ đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính toàn cầu chỉ có thể được phục hồi khi hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại và điều đó chỉ có thể xảy ra khi dịch bệnh được khống chế.
Tin mừng là tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, đã không còn xuất hiện thêm các ca bệnh mới.
Hiện một số quốc gia đã sản xuất thuốc đặc trị virus COVID-19, trong khi các phòng thí nghiệm, các tổ chức y tế trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để nghiên cứu vắc xin phòng chống dịch…
Thế nhưng, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất phục hồi thì một nỗi lo khác lại ập đến đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.
Đó là việc thế giới đang ngập trong tiền giá rẻ có thể “thổi bùng” lạm phát và hình thành bong bóng giá tài sản; khối nợ khổng lồ tại nhiều quốc gia cũng sẽ tăng nhanh; hệ thống ngân hàng cũng được dự báo sẽ chìm ngập trong nợ xấu khi mà nhiều doanh nghiệp không thể gượng dậy vì dịch…
Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu theo sau đại dịch COVID-19 đang hiện hữu và ngày càng lớn dần.
Trong khi đó, “sức khỏe” của hệ thống tài chính đã bị bào mòn đi ít nhiều vì phải gồng mình để chống dịch. Dư địa chính sách tiền tệ cũng không còn do lãi suất đã giảm xuống mức rất thấp, thậm chí tại nhiều nền kinh tế, lãi suất còn ở mức âm.
Tài khóa cũng khó có “đất diễn” khi mà nhiều quốc gia đã phải chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách để triển khai các gói cứu trợ. Xem ra viễn cảnh đó cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc ngay từ bây giờ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận