Thương vụ phát hành trái phiếu 500 tỷ của Sơn Kim Land và ẩn số cổ đông Quốc Lộc Phát
Sơn Kim Land vừa hoàn tất thương vụ phát hành 500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu riêng lẻ để mua tài sản hình thành trong tương lai của Quốc Lộc Phát.
Từ ngày 29/9 đến 3/10 vừa qua, CTCP đầu tư bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land) đã hoàn tất việc phát hành lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng. Các thông tin liên quan trái chủ, lãi suất, tài sản đảm bảo, tổ chức bảo lãnh phát hành không được công bố.
Theo một thông báo của Sơn Kim Land, doanh nghiệp này dự định phát hành 1100 tỷ đồng với mục đích hoàn mua tòa nhà văn phòng địa chỉ tại lô 1-13 thuộc dự án Khu Phức Hợp Sóng Việt thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM từ CTCP Quốc Lộc Phát.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 12/9, Sơn Kim Land và Quốc Lộc Phát đã ký Hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai số 01/2022/HĐMB/SKLI-QLP. Tất cả các quyền nhận tiền từ hợp đồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm, quyền nhận các khoản tiền bồi thường phạt vi phạm,.. và tất cả các quyền và lợi ích phát sinh từ tài sản thế chấp nêu trên cũng thuộc tài sản thế chấp (ngoại trừ quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền đăng ký của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tàu bay, tàu biển) từ hợp đồng trên được dùng làm tài sản đảm bảo thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)– ngân hàng ít nhiều có liên quan đến nhóm cổ đông đứng sau Quốc Lộc Phát.
Nhắc đến Quốc Lộc Phát, người ta thường chỉ nhớ đến nhóm cổ đông sáng lập với sự nổi bật của đại gia Thắng “mượt” (Nguyễn Văn Thắng) – ông chủ hệ sinh thái HDMon (Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Đăng); Nhóm cổ đông ngoại Keppel Corporation; hay nhà phát triển Sơn Kim Land.
Ngoài ra còn có cổ đông Phạm Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT Quốc Lộc Phát. Mà thực ra nhờ Quốc Lộc Phát, công chúng mới biết đến tên tuổi “đại gia” Phạm Quang Hưng.
Trước đó, ông Hưng vẫn là cái tên hoàn toàn xa lạ với thị trường. Đến nỗi, cho đến hiện tại, vẫn có người tỏ ra băn khoăn về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần Quốc Lộc Phát mà vị doanh nhân sinh năm 1968 này đứng tên. Quy mô đầu tư khủng, vị trí quá đắc địa và cách mà Quốc Lộc Phát được chỉ định làm chủ đầu tư dự án này góp phần "xúc tác" thêm cho những băn khoăn ấy.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến tháng 9/2016, cổ đông sáng lập của Quốc Lộc Phát gồm: ông Phạm Quang Hưng (45%) nhóm Keppel Corporation (45%) và 10% cổ phần còn lại thuộc về bà Nguyễn Bảo Minh Châu (chị gái ông Nguyễn Đức Quang – Chủ tịch CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu).
Từ năm 2017 trở đi, vì đã ngoài giới hạn 3 năm kể từ ngày thành lập, theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông mới của Quốc Lộc Phát không còn được liệt vào dạng “cổ đông sáng lập” và không có nghĩa vụ cập nhật thông tin sở hữu vào đăng ký kinh doanh nên nhóm này dần trở thành "bí ẩn" với thị trường.
Các lần thay đổi đăng ký kinh doanh về sau cho thấy, tháng 7/2017, bà Nguyễn Minh Bảo Châu chuyển nhượng toàn bộ 15 triệu cổ phần (10%); tháng 10/2017, ông Phạm Quang Hưng chuyển nhượng 37,74 triệu cổ phần/tổng số 67,5 triệu cổ phần nắm giữ, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 45% về còn 18,64%. Tháng 05/2018, ông Hưng tiếp tục chuyển nhượng thêm 6,825 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu về còn 14,09%.
Danh tính của bên đã mua 40,91% cổ phần Quốc Lộc Phát từ bà Châu và ông Hưng, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp về sau không được công bố.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, CTCP tư vấn đầu tư Hướng Việt (Công ty Hướng Việt) được biết đến là doanh nghiệp sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu của Quốc Lộc Phát. Công ty Hướng Việt đã dùng hàng chục triệu cổ phiếu Quốc Lộc Phát thế chấp tại OCB để thực hiện nghĩa vụ cho CTCP bất động sản Hướng Việt và ông Trần Bình Ổn (Chủ tịch Bất động sản Hướng Việt) – bà Trần Thị Hương.
Cần phải biết rằng, Công ty Hướng Việt trước đây đã đạt thỏa thuận được quyền sở hữu và khai thác lô đất L1-13 của Quốc Lộc Phát, bao gồm các hạng mục văn phòng, thương mại và dịch vụ với tổng diện tích sàn xây dựng 67.680 m2.
Sau khi nhận được quyền khai thác, cuối năm 2019, Hướng Việt lại ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Bất động sản Hướng Việt, trong đó Bất động sản Hướng Việt sẽ góp vốn đầu tư 1.912 tỷ đồng để đổi lấy quyền khai thác diện tích 33.840m2 sàn văn phòng.
Trở lại với Công ty Hướng Việt, doanh nghiệp này có lịch sử cả chục năm thành lập nhưng lại không quá nổi bật, thậm chí là một cái tên vô danh trong lĩnh vực bất động sản. Tuy vậy, Hướng Việt lại có mối quan hệ và sự hậu thuẫn khá tích cực từ OCB.
Ông Phan Vũ Tuấn - Thành viên HĐQT độc lập của OCB, không chỉ sáng lập mà còn là cổ đông lớn nhất của Hướng Việt suốt nhiều năm kể từ khi thành lập. Ngoài OCB và Hướng Việt, ông Phan Vũ Tuấn còn được biết là một nhân sự chủ chốt trong "hệ sinh thái" Hoàn Lộc Việt của doanh nhân Phan Minh Hoàn.
Sợi dây liên hệ giữa Hướng Việt với OCB không chỉ đến từ ông Phan Vũ Tuấn. Nên biết, một người nhà của Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn hiện đang đảm nhiệm vai trò đứng đầu Hướng Việt. Không lạ khi OCB chính là nhà băng "ruột", thu xếp hầu hết các nhu cầu vốn cho Hướng Việt, bao gồm cả việc đầu tư vào cổ phần Quốc Lộc Phát.
Ngoài ra, OCB cũng là tổ chức tài chính tài trợ vốn cho Bất động sản Hướng Việt trong nhiều thương vụ mua bán dự án bất động sản, năng lượng… Không những vậy, tính đến năm 2020, Bất động sản Hướng Việt còn là cổ đông sở hữu hơn 52 triệu cổ phần tại OCB.
Cần phải biết rằng, Bất động sản Hướng Việt trước đây do ông Cao Quế Sơn- em trai bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch OCB) làm đại diện pháp luật. Sau đó, công ty này được chuyển giao cho bà Trần Thị Thuý An, rồi đến ông Trần Bình Ổn giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Còn tại Công ty Hướng Việt, một người em trai khác của vợ Chủ tịch OCB nắm giữ là ông Cao Quế Lâm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận