24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thường trực Chính phủ cho ý kiến về 7 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội

Hà Nội hiện có 1 tuyến đường sắt đô thị đang vận hành, còn 7 dự án đang triển khai hoặc trong giai đoạn nghiên cứu để triển khai.

Ngày 25/5, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận số 195/TB-VPCP của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc (ngày 6/5/2023) với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023, kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.

Thường trực Chính phủ cho ý kiến về 7 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội
Đoạn 8,5km tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác vận hành cuối năm 2022, song hiện chưa rõ thời điểm khai thác, vận hành.

Theo kết luận, Thường trực Chính phủ thống nhất 11 nội dung về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để phát triển Hà Nội toàn diện, nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Thường trực Chính phủ cũng cho ý kiến đối với các kiến nghị của TP. Hà Nội về nhiều lĩnh vực, trong đó có kiến nghị đối với 7 dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội đang triển khai hoặc trong giai đoạn nghiên cứu.

Cụ thể, về kiến nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, nêu rõ ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của TP. Hà Nội theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Văn bản số 3032/VPCP-QHQT ngày 28/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.

"Đồng ý về nguyên tắc TP. Hà Nội được ứng vốn ngân sách thành phố để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của dự án, đảm bảo hiệu quả và không có tiêu cực, lãng phí.

Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và TP. Hà Nội khẩn trương làm việc với các nhà tài trợ để điều chỉnh Hiệp định vay của dự án trong tháng 7/2023", theo thông báo kết luận.

Về kiến nghị ưu tiên nguồn vốn ODA để đầu tư dự án Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc: Thường trực Chính phủ đồng ý về chủ trương, giao UBND TP. Hà Nội lập báo cáo đề xuất dự án theo quy định tại báo cáo đề xuất dự án theo quy định tại Nghị định số 114/2021 của Chính phủ và Nghị định số 20/2023 (về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm tra, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong quý IV/2023.

Về việc kiến nghị cho phép TP. Hà Nội nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng tuyến Hà Đông – Xuân Mai kéo dài (nối với tuyến Cát Linh – Hà Đông, khai thác từ 6/11/2021), sử dụng vốn ODA Trung Quốc để đảm bảo đồng bộ kỹ thuật, công nghệ: Đồng ý về chủ trương, giao UBND TP. Hà Nội lập báo cáo đề xuất dự án theo quy định tại Nghị định 114/2021 và Nghị định số 20/2023 nêu trên, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong quý IV/2023.

Về chủ trương sử dụng nguồn vốn Ngân hàng thế giới (WB) để nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài – Ngọc Hồi: UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc thống nhất với WB về phương thức tài trợ khoản viện trợ không hoàn lại để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư theo quy định.

Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo: Trong tháng 6/2023, UBND TP.Hà Nội trình Thủ tướng hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Về bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3.2, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai: Trong tháng 7/2023, Hà Nội khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để tổng hợp, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ODA, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Liên quan dự án này, UBND TP. Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để giải trình, hoàn thiện đề xuất dự án theo đúng quy định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đối với dự án Yên Viên – Ngọc Hồi (gồm cả cầu Long Biên), Bộ GTVT rà soát, bàn giao các hồ sơ còn thiếu (nếu có), UBND TP. Hà Nội sớm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để quản lý quy hoạch, phát triển kinh tế- xã hội khu vực xung quanh tuyến đường.

Theo Thông báo kết luận, Thường trực Chính phủ cũng giao: Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội theo định hướng phát triển giao thông gắn kết với các dự án đường sắt đô thị để phát triển không gian ngầm, huy động vốn đầu tư đường sắt đô thị, thời gian hoàn thành trong năm 2023./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả