Thường trực Ban Bí thư: Chỉ thu hồi đất khi đã phê duyệt tái định cư
Theo ông Võ Văn Thưởng, điểm mới quan trọng trong Nghị quyết 18 là chỉ thu hồi đất khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.
Sáng 22/7, phát biểu tại hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao "có nhiều vấn đề rất mới, rất quan trọng".
Đơn cử, Trung ương yêu cầu chỉ thu hồi đất khi đã hoàn thành việc bố trí khu tái định cư cho người dân, đảm bảo sau khi thu hồi đất, người dân có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Nội dung này trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng nếu tái định cư xong mới thu hồi đất thì sẽ chậm trễ, nên đề nghị thu hồi đất trước rồi từng bước tái định cư cho người dân.
"Nhưng thực tế có những dự án 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm chưa bố trí được tái định cư cho dân", ông Thưởng nói, nhắc lại ý kiến một đại biểu "khi thu hồi đất, đánh giá tác động môi trường là cần thiết, nhưng đánh giá tác động xã hội còn quan trọng hơn".
Theo Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết nêu tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Trước đây, vấn đề này chưa được tường minh, dẫn đến thẩm quyền của cơ quan thu hồi đất rất lớn. Điều này khiến "ở dưới cứ mạnh dạn thu hồi, rồi dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại". Do đó, cơ chế tự thỏa thuận sẽ giúp khiếu kiện của người dân và số lượng cán bộ bị xử lý liên quan đến đất đai giảm đi.
Nghị quyết 18 nêu rõ, Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, bởi thực tế, rất ít doanh nghiệp tài trợ cho quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất, nhưng lại "rất hào hứng" tài trợ các quy hoạch phân khu có sử dụng đất.
"Khi mời doanh nghiệp tài trợ phân khu, lĩnh vực sử dụng đất thì chắc chắn sẽ tạo ra sự tiếp cận đất đai không công bằng. Doanh nghiệp tài trợ quy hoạch phân khu sử dụng đất thì sẽ nhiều trung tâm thương mại, ít công viên cây xanh và công trình công cộng", ông Thưởng lý giải.
Theo Thường trực Ban Bí thư, điểm mới quan trọng nữa là Trung ương quyết định bỏ khung giá đất. Theo đó, các cơ quan có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, trách nhiệm của cơ quan xác định giá. Trung ương sẽ xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định và giám sát việc thực hiện giá đất.
"Chủ trương này sẽ khắc phục tình trạng hai giá đất trong thời gian vừa qua", ông Thưởng nói, thêm rằng, quy định cũng khắc phục tình trạng khi đấu giá thì giá khác, giao đất lại một giá đất khác.
Hôm qua, trình bày tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, chủ trương bỏ khung giá đất và xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường "là điểm mới đột phá". Chủ trương này đã được các cơ quan thống nhất sau khi thảo luận kỹ lưỡng "từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới".
Luật Đất đai 2013 quy định, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận