Thương mại có thể giúp gì thêm cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam?
Mặc dù thành công trong xuất khẩu hàng hóa đã và đang là lợi thế của quốc gia trong hai thập niên qua, nhưng nó cũng đem lại những thách thức.
Đó là nhận định của nhóm phân tích Ngân hàng Thế giới Việt Nam (WB) đưa ra trong báo cáo về kinh tế Việt Nam vừa cập nhật. Khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19 và khi các cấp có thẩm quyền bắt tay vào triển khai tầm nhìn mới trong mô hình phát triển bền vững hơn qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, câu hỏi quan trọng được đặt ra là làm thế nào để chuyển đổi thương mại nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi đó.
Trả lời câu hỏi này, WB cho rằng, lý do vì thương mại là chỗ dựa chính và yếu tố đóng góp quan trọng cho chuyển đổi cơ cấu và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua. Thương mại giúp Việt Nam chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế dựa vào chế tạo, chế biến và dịch vụ, đem lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giúp tạo ra hàng triệu việc làm không đòi hỏi kỹ năng cao qua đó giúp giảm nghèo trên toàn quốc. Việt Nam đã và đang là câu chuyện thành công về thương mại khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa còn lớn hơn GDP của quốc gia và tổng giá trị thương mại (xuất khẩu + nhập khẩu) hàng hóa cao gấp đôi GDP.
"Mặc dù thành công trong xuất khẩu hàng hóa đã và đang là lợi thế của quốc gia trong hai thập niên qua, nhưng nó cũng đem lại những thách thức" - nhóm phân tích báo cáo đưa ra và phân tích. Xuất khẩu bùng phát cũng song hành với nhập khẩu bùng phát, qua đó cho thấy hàng xuất khẩu của Việt Nam đem lại giá trị gia tăng thấp. Giá trị gia tăng thấp cho thấy năng suất còn thấp, gây cản trở cho quá trình Việt Nam chuyển đổi thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, theo mục tiêu Chính phủ đề ra cho quốc gia tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2030.
Sự gắn kết giữa các cơ sở xuất khẩu và các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, cả trong chuỗi giá trị đầu nguồn và cuối nguồn. Mức độ đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu cũng tương đối hạn chế, nếu xét về sản phẩm (trong đó hàng điện tử chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa), hoặc doanh nghiệp (Samsung chiếm một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa), và thị trường (Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản chiếm 3/4 lưu lượng thương mại của quốc gia).
Tự động hóa quy trình công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ làm mất đi lợi thế so sánh chính của Việt Nam - là lao động giá rẻ.
Cuối cùng, quốc gia dường như vẫn đóng cửa với thương mại dịch vụ.
Một diễn biến nữa đang phát sinh có ảnh hưởng quan trọng đến lĩnh vực thương mại của Việt Nam - đó là mỗi quan hệ với môi trường và quản lý rủi ro khí hậu. Thực chất, mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu hai thập niên qua đã ảnh hưởng đến môi trường ở Việt Nam và đang ngày càng trở nên thách thức khi Chính phủ đã thông qua chủ trương chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững hơn.
Ngày nay, các ngành xuất khẩu đang để lại dấu chân các-bon quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam do sự phụ thuộc vào những công nghệ thâm dụng năng lượng và các phương thức vận tải mà bản thân chúng là yếu tố đóng góp chính vào khí thải nhà kính.
Đồng thời, cam kết trong nước và toàn cầu về giảm khí thải nhà kính sẽ ảnh hướng đến lĩnh vực thương mại của Việt Nam. Biến đổi khí hậu toàn cầu và những nỗ lực quốc tế nhằm giảm nhẹ tác động và/hoặc thích ứng dự kiến sẽ ảnh hưởng dến cả cung và cầu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về cung, các lĩnh vực chính trong nền kinh tế, như công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp và vận tải đang và dự kiến sẽ bị biến đổi khí hậu toàn cầu gây ảnh hưởng (như bão nhiệt đới và lũ lụt), làm thay đổi cơ cấu và giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về cầu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhu cầu mới của các đối tác thương mại lớn và người tiêu dùng , là những người ngày càng đòi hỏi về quy trình sản xuất có ý thức về môi trường, đòi hỏi về hàng hóa và dịch vụ xanh hơn. Những thay đổi và thách thức trên toàn cầu cũng có thể tạo ra cơ hội mới để phát triển những sản phẩm mới và xanh hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận