Thương hiệu ngân hàng ngày càng tỏa sáng
Những đánh giá tích cực từ phía các tổ chức quốc tế cho thấy sự phát triển vượt bậc của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhiều năm trở lại đây, thể hiện trên nhiều mặt từ quy mô vốn, tổng tài sản, cho tới năng lực quản trị rủi ro, và những chuyển biến mạnh mẽ trong số hoá hoạt động...
Tín nhiệm cải thiện đáng kể
Tạp chí Forbes Việt Nam mới đây đã công bố danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu năm 2021 với tổng giá trị thương hiệu là 3,95 tỷ USD. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm 3,67 tỷ USD, tương đương xấp xỉ 93%, với 17 đại diện. Trong đó, Vietcombank đứng đầu với giá trị thương hiệu là 705 triệu USD; xếp sau là Techcombank với 430 triệu USD…
Với Vietcombank, báo cáo đánh giá của S&P mới đây tiếp tục duy trì triển vọng của Vietcombank ở mức “Tích cực”. Techcombank cũng được S&P đánh giá duy trì ổn định kinh doanh trong 12 - 18 tháng tới. Hồi tháng 6/2021, Moody’s cũng xác nhận xếp hạng tín nhiệm triển vọng tích cực với OCB và HDBank. Trước đó vào tháng 4/2021 Fitch đã nâng triển vọng tín nhiệm từ mức “ổn định” lên “tích cực” với Standard Chartered Việt Nam. Tháng 3/2021, Moody’s điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng từ “tiêu cực” lên “tích cực”…
Cùng với xếp hạng tín nhiệm được cải thiện, liên tiếp từ đầu năm tới nay, không ít ngân hàng Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng uy tín quốc tế. Mới nhất, BIDV nhận “cú đúp” giải thưởng “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” từ hai tạp chí quốc tế uy tín là Asian Banking and Finance và Alpha Southeast Asia, đây là lần thứ tư liên tiếp BIDV được hai tạp chí uy tín này vinh danh. Trong khi đó, Techcombank cũng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trao giải thưởng “Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam 2021” lần thứ hai liên tiếp; Sacombank là “Ngân hàng tốt nhất dành cho DNNVV Việt Nam” do Asiamoney đánh giá; VPBank được Asia Risk vinh danh “Ngân hàng xuất sắc nhất năm - House of Year 2021” trong quản trị rủi ro và kinh doanh sản phẩm phái sinh, nhờ khả năng cung ứng giải pháp hiệu quả; SHB được The Asian Banking and Finance vinh danh với 3 giải thưởng quốc tế “Ngân hàng có Sáng kiến Quản lý đại dịch Covid tốt nhất 2021”, “Ngân hàng trách nhiệm xã hội - Ngân hàng xanh 2021” và “Ngân hàng có sáng kiến vì phụ nữ 2021”...
Những đánh giá tích cực từ phía các tổ chức quốc tế cho thấy sự phát triển vượt bậc của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhiều năm trở lại đây, thể hiện trên nhiều mặt từ quy mô vốn, tổng tài sản, cho tới năng lực quản trị rủi ro, và những chuyển biến mạnh mẽ trong số hoá hoạt động... Giới chuyên gia cho rằng, giá trị thương hiệu được khẳng định sẽ giúp cho các ngân hàng Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, gia tăng cơ hội hấp thụ nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài.
TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, việc hệ thống ngân hàng Việt Nam “đẹp” lên trong mắt các tổ chức tài chính quốc tế có liên quan mật thiết tới tín nhiệm quốc gia ngày càng được cải thiện. Theo chuyên gia này, xếp hạng tín nhiệm quốc gia nâng cao là một trong những cơ sở để các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng Việt Nam được đánh giá tích cực hơn. Theo đó, tháng 6/2021 vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch Ratings nâng triển vọng “ổn định” lên “tích cực” kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc nền kinh tế được nâng xếp hạng tín nhiệm có sự đóng góp không nhỏ của chính sách tiền tệ đã giúp cho Việt Nam kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn ổn định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Nâng tầm quản trị rủi ro
Theo dự báo của giới chuyên gia, hệ thống ngân hàng ngày càng phải đối diện nhiều hơn với những thách thức khó lường trong tương lai, khi kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ hơn. Để củng cố sức đề kháng, phát triển bền vững hơn, các nhà băng buộc phải gia tăng năng lực, quản trị rủi ro hiệu quả, hướng tới những thông lệ, chuẩn mực quốc tế cao hơn…
Thấu hiểu điều đó, hệ thống ngân hàng cũng rất tích cực “nâng cấp”. Đến nay, các ngân hàng cơ bản đã đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam với 78 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã áp dụng Thông tư 41.
CEO của VIB cho rằng, Basel II là một trong những cầu nối quan trọng của ngành Ngân hàng Việt Nam với thế giới trong việc xây dựng các chuẩn mực quản trị vững mạnh, minh bạch, nền tảng vốn an toàn, cơ chế đo lường và đánh giá rủi ro hiệu quả, định giá cho vay dựa trên rủi ro tối ưu. Basel II cũng là một trong những điều kiện cốt lõi để hiện thực hoá mục tiêu ngân hàng Việt Nam có thể niêm yết trên các thị trường quốc tế như Singapore, HongKong, London, New York.
Vượt qua cả Basel II, hiện không ít nhà băng Việt đã thí điểm triển khai Basel III. Chẳng hạn TPBank vừa tuyên bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS9 và sẽ triển khai cả hai chuẩn mực quốc tế này ngay từ quý IV/2021. Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, áp dụng Basel III và IFRS cũng như các chuẩn mực quốc tế khác sẽ giúp cho ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, tăng tính minh bạch, uy tín và vị thế của ngân hàng cũng theo đó mà được thăng cấp trên thị trường trong nước và quốc tế. Trước đó, VIB cũng đưa chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III vào thử nghiệm; MSB ứng dụng Basel III vào cả quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động…
Một chuyên gia từ Standard Chartered nhìn nhận, việc cải thiện tín nhiệm quốc gia để Việt Nam đạt được mức “đầu tư” tới năm 2030 là mục tiêu khả thi. Tuy nhiên việc thực hiện kế hoạch này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có liên quan tới tốc độ cải thiện sức khoẻ khu vực ngân hàng bằng cách tăng cường tỷ lệ vốn và chất lượng tài sản và tăng cường minh bạch dữ liệu từ các ngân hàng…
Liên quan tới vấn đề này, theo một khảo sát của Ủy ban Irving Fisher về Thống kê NHTW (IFC) thuộc BIS, hơn 80% NHTW được hỏi cho biết đang sử dụng dữ liệu lớn - tăng 30% so với năm 2015. Ngày càng nhiều NHTW dùng mô hình dự báo dựa trên dữ liệu lớn để hỗ trợ phân tích kinh tế. Dữ liệu lớn cũng được sử dụng nhằm hỗ trợ thực hiện các phân tích về ổn định tài chính.
Đối với các NHTM, yêu cầu về làm sạch dữ liệu, đi cùng với việc tinh giản, sắp xếp và phân tích để những dữ liệu lớn trở thành dữ liệu thông minh ngày một trở nên thiết yếu hơn. “Sắp xếp dữ liệu một cách thông minh, quản lý hiệu quả để khai thác tối đa lợi ích mang lại là một trong những chìa khoá hữu hiệu không những giúp ngân hàng tạo ra giá trị lợi nhuận lớn mà còn cải thiện chất lượng các mô hình lượng hoá rủi ro, giúp quản trị rủi ro tốt hơn”, một chuyên gia tài chính cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận