Thượng Hải (Trung Quốc): Số ca tử vong do Covid-19 tăng gấp 3 lần, kế hoạch mở cửa gặp khó
Số ca Covid-19 ở Thượng Hải (Trung Quốc) đang tăng trở lại sau 1 tuần giảm, thêm vào đó số trường hợp tử vong báo cáo hôm nay (24/4) tăng hơn gấp 3 lần một ngày trước đó, khiến tiến trình mở cửa thành phố vấp phải trở ngại.
Ngày 24/4, Thượng Hải tiếp tục báo cáo 39 ca tử vong do Covid-19 trong ngày thứ 7 liên tiếp. Đây cũng là ngày thành phố này thông báo số ca tử vong nhiều nhất trong đợt dịch mới, gấp hơn 3 lần một ngày trước đó là 12 ca, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 87 người. 39 ca tử vong mới có độ tuổi trung bình 78,7, đều có các bệnh nền và chưa tiêm vaccine. Hiện Thượng Hải vẫn còn 160 bệnh nhân nặng và 19 ca nguy kịch, trong khi số ca bệnh nặng vẫn có chiều hướng gia tăng.
Trong ngày 23/4, thành phố này ghi nhận thêm 21.058 trường hợp dương tính mới, trong khi trước đó một ngày con số này là 23.370 ca, tăng mạnh hơn 5700 trường hợp. Số ca mắc mới quay trở lại mốc 20.000 đã phá vỡ xu hướng giảm trong tuần qua, phủ bóng đen lên những nỗ lực chống dịch của thành phố, vốn đã bước vào một “trận quyết chiến” nhằm dập tắt các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng bắt đầu từ thứ Sáu, khiến cư dân lo ngại và tiếp tục làm chậm tốc độ mở cửa của Thượng Hải.
Trong cuộc họp báo sáng 24/4, ông Triệu Đan Đan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế thành phố cho biết: “Số ca dương tính mới vẫn tương đối nhiều và dao động ở mức cao, nguyên nhân chủ yếu là do dịch bùng phát theo cụm tại một số công trường và doanh nghiệp. Vì vậy, vẫn cần nhận thức đầy đủ về mức độ phức tạp và nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải hiện nay.”
Cũng theo quan chức này, Thượng Hải sẽ tiếp tục kết hợp xét nghiệm kháng nguyên và axit nucleic trên diện rộng theo phân vùng rủi ro, người dân tại các “khu vực kiểm soát” do có ca bệnh vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà.
Thượng Hải mới đây vừa thông báo số liệu tăng trưởng kinh tế quý I năm 2022. Theo đó, do tác động của Covid-19 gây áp lực lên trung tâm tài chính và cũng là động cơ tăng trưởng hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, GDP của thành phố chỉ tăng 3,1% trong quý đầu tiên, giảm mạnh so với 17,6% của năm ngoái và chậm hơn mức trung bình 4,8% của cả nước.
Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo về “áp lực suy giảm lớn hơn” từ tháng 4, khi thành phố bắt đầu phong tỏa nhằm hạn chế các ca bệnh nhiễm biến thể Omicron gia tăng nhanh hơn. Họ cũng lưu ý rằng xu hướng tăng trưởng GDP trong quý II của Thượng Hải là “không lạc quan” và vẫn phụ thuộc vào việc liệu dịch bệnh có được kiểm soát hiệu quả trong ngắn hạn hay không.
Trong khi đó, ông Lương Vạn Niên, Trưởng nhóm chuyên gia ứng phó với Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định, chi phí dùng để thực hiện “không Covid-19 năng động” ở nước này, bao gồm đầu tư cho vaccine, xét nghiệm, xây dựng địa điểm cách ly, nhân lực..., giống như mua bảo hiểm để đối phó với rủi ro. Khoản bảo hiểm này là “xứng đáng” vì nó dành cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, nhằm giữ cho dịch bệnh được kiểm soát và không lây lan. Theo ông, nếu “nằm thẳng”, tức không can thiệp, sẽ tạo thành một “vòng tuần hoàn ác tính” và gây nên “thảm họa”, do tỷ lệ tử vong vì Omicron ở Hong Kong gấp 7-8 lần so với bệnh cúm thông thường, con số này ở người trên 80 tuổi lên tới gần 100 lần, trong khi số lượng chủng ngừa ở nhóm người này tại Trung Quốc “chưa đủ cao”. Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khẳng định, “không Covid-19 năng động” là “chiến lược chống dịch với chi phí xã hội tổng thể thấp nhất”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận