menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Phượng

Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, người nộp thuế thiệt thòi

Mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay được cho là không theo kịp biến động giá cả và mức sống của người dân

 Nâng mức giảm trừ gia cảnh, tính lại mức thay đổi chỉ số giá tiêu dùng làm căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giãn và giảm bậc tính thuế là những nội dung được đề xuất nghiên cứu sửa đổi tại Luật Thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với thực tiễn biến động mức sống và nền kinh tế.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các cơ quan, bộ, ngành và các bên liên quan về việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nội dung đánh giá theo từng nhóm vấn đề: đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh và nhóm vấn đề khác.

Từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực (1/1/2009) đến nay, có 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Lần thứ nhất là từ ngày 1/7/2013, mức giảm trừ gia cảnh với cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc được nâng lần lượt từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Lần thứ hai là từ ngày 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh với cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc được nâng lần lượt từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng tháng và 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, người nộp thuế thiệt thòi

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), qua hơn 10 năm thực thi, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI biến động trên 20% là quá chậm, 5 - 7 năm mới điều chỉnh một lần khiến người nộp thuế chịu thiệt đáng kể. Nên giảm mức biến động CPI xuống khoảng 10% làm căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Mức này vừa đảm bảo tính linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế, vừa đảm bảo tính ổn định của sắc thuế trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, quy định 7 bậc tính thuế và khoảng cách “quá dày” giữa các bậc cũng là điểm cần sửa đổi để giảm áp lực cho người nộp thuế.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đề xuất: “Điểm quan trọng cần sửa đổi tại Luật Thuế thu nhập cá nhân là trao thẩm quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho Chính phủ để đảm bảo điều chỉnh kịp thời. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi mức sống tăng lên đáng kể, chỉ số CPI biến động lớn, phải chờ Chính phủ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, dẫn đến chậm trễ thực thi và thiệt thòi cho người nộp thuế. Hơn nữa, nên nghiên cứu xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI biến động từ 5% - 10%, tương ứng với khoảng thời gian 2 - 3 năm điều chỉnh một lần để phù hợp với đà tăng mức sống của người dân”.

Bên cạnh đó, theo ông Được, cần giảm số bậc thuế xuống còn 5 hoặc 6 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay. Trong đó, nghiên cứu lợi ích và đánh giá tác động của việc bỏ bậc thuế cao nhất (35%). Đồng thời, nên giãn rộng khoảng cách thu nhập ở các bậc thuế thấp và “co hẹp” ở các bậc thuế cao. Chẳng hạn, quy định hiện hành là thu nhập chịu thuế từ 0 - 5 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5% có thể thay bằng thu nhập chịu thuế từ 0 - 10 triệu đồng/tháng mới chịu thuế suất đó. Tương tự, khoảng cách thu nhập tính thuế ở bậc 5 và bậc 6 hiện là 20 và 28 triệu đồng có thể thay bằng 10 triệu đồng. Vị chuyên gia này cho rằng, cách làm như vậy sẽ hỗ trợ người lao động có thu nhập trung bình, có tính khoan thư sức dân, tạo môi trường lao động cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả