Thuận đà tăng giá, doanh nghiệp cao su báo lãi lớn trong năm 2021
Khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, xu hướng phục hồi kinh tế ở nhiều khu vực đã trở thành yếu tố hỗ trợ giúp giá cao su duy trì ở mức cao trong năm 2021. Nhờ đó, đa phần các doanh nghiệp cao su đều có kết quả tăng trưởng.
Ngay trong những tháng đầu năm 2021, giá cao su thế giới đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 4 năm (kể từ tháng 1/2017). Nguyên nhân được cho là do nhu cầu về cao su tăng mạnh trên toàn cầu khi việc phục hồi kinh tế đang dần được chú trọng tại nhiều nước.
Dù sau đó giá cao su điều chỉnh mạnh trong phần lớn thời gian còn lại của năm song nhìn chung, mặt bằng giá của nguyên liệu này vẫn cao hơn so với năm 2020.
Diễn biến giá cao su trên sàn TOCOM trong giai đoạn 2020-2021
(Đvt: JPY/kg)
Tại thị trường Việt Nam, giá xuất khẩu "vàng trắng" chuyển biến cùng chiều với thị trường thế giới. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su trong nước đều được hưởng lợi. Theo công bố từ Tổng Cục thống kê, giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam trong năm 2021 đạt 1,677 USD/tấn, cao hơn mức trung bình năm trước hơn 23%. Cùng với đó là sản lượng xuất khẩu đạt gần 2 triệu tấn, tăng gần 12%.
Giá cao su tăng đã tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cao su. Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, 12 doanh nghiệp cao su trên sàn chứng khoán có tổng doanh thu thuần năm qua đạt 32,520 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm 2020. Nhờ đó, lợi nhuận ròng đạt gần 6,000 tỷ đồng, tăng hơn 8%.
Kết quả kinh doanh của 12 doanh nghiệp cao su trong năm 2021 (Đvt: Tỷ đồng)
Doanh nghiệp cao su có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm qua chính là CTCP Cao su Đồng Phú - Đắk Nông (UPCoM: DPD) khi lợi nhuận năm 2021 cao gấp 7.5 lần so với 2020. Động lực tăng trưởng của DPD nằm ở hoạt động kinh doanh chính của Công ty khi cả sản lượng tiêu thụ và giá cao su đều tăng so với năm trước.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) tiếp tục đạt mức lợi nhuận cao nhất toàn ngành với 4,256 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020. Đây đồng thời là mức lãi cao nhất mà Công ty đạt được trong vòng 9 năm trở lại đây (kể từ năm 2013).
Đóng góp vào kết quả tích cực của GVR không thể không kể đến sự tăng trưởng của mảng cao su khi mảng này mang về 17,824 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 33%.
Đối với CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR), lợi nhuận ròng chỉ bằng 1 nửa so với năm 2020, tương ứng với 542 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến kết quả này của PHR không phải do sự suy yếu ở mảng kinh doanh chính.
Cụ thể, trong năm 2020, Công ty nhận được khoản bồi thường hơn 860 tỷ đồng của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) cho phần đất được sử dụng để phát triển khu công nghiệp, dẫn đến lợi nhuận cả năm 2020 tăng cao. Do đó, sang năm 2021, khi không còn khoản thu nhập đột biến, lợi nhuận của doanh ngiệp này đã sụt giảm mạnh. Còn nếu xét riêng hoạt động kinh doanh mủ cao su, mảng này mang về xấp xỉ 1,690 tỷ đồng doanh thu cho PHR, tương ứng tăng trưởng gần 26%.
Không chỉ lợi nhuận ròng, biên lợi nhuận gộp của hầu hết các doanh nghiệp đều được cải thiện đáng kể.
Năm 2022, giá cao su được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, ít nhất là đến hết quý 1/2022 do giai đoạn cuối năm trước (quý 4/2021) là giai đoạn các công trường cao su ngưng cạo mủ, làm nguồn cung bị hạn chế. Ngược lại, nguồn cầu cao su được dự báo tăng trong thời gian tới do nhu cầu phục hồi tại nhiều nước khi đa phần người dân đều đã được tiêm phòng vaccine.
Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng mạnh trong những tháng đầu năm cũng gián tiếp giúp giá cao su duy trì đà tăng do đây là hai nguyên liệu chính của ngành công nghiệp sản xuất cao su tổng hợp. Trước những dự báo trên, đa phần các doanh nghiệp cao su đều đã có động thái tăng mạnh hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận