Thua lỗ, bị ngừng hoạt động, DANA - Ý vay tiền đầu tư thêm nhà máy thép
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) vừa cấp đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần Thép DANA - Ý (Mã chứng khoán: DNY) để thực hiện dự án Nhà máy cán thép DANA – Ý sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được phê duyệt tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Vay tiền xây nhà máy thép mới
Khi đưa vào hoạt động vào quí 4-2021, dự án có tổng vốn đầu tư 931,8 tỉ đồng này sẽ sản xuất cán thép thanh và thép dây (không luyện) với quy mô 500.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án đi vào hoạt động sẽ có doanh thu khoảng 2.600 tỉ đồng/năm, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 300 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, theo thông tin từ trang web của DHPIZA.
Theo Báo cáo tài chính quí 2-2020 của Công ty Cổ phần Thép DANA – Ý (cũng là báo cáo tài chính mới nhất của công ty này), công ty vay dài hạn từ các thành viên HĐQT, gồm ông Huỳnh Văn Tân và bà Phan Thị Thảo Sương tổng cộng hơn 500 tỉ đồng nhằm huy động vốn bổ sung cho dự án trên theo các biên bản từ các năm 2011, 2012, 2014 và 2017.
Cũng theo báo cáo này, do tình hình công ty gặp khó khăn sau sự việc người dân khiếu nại về môi trường và các thay đổi chính sách của chính quyền thành phố nên các khoản vay của ông Tân và bà Sương được thống nhất không tính lãi vay kể từ ngày 1-7-2018 và gia hạn trả nợ đến hết năm 2020. Công ty có thể luân chuyển trả nợ cho khoãn vay này khi có nguồn thu và vay lại khi có nhu cầu để giảm bớt áp lực lãi vay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty vẫn đang dính một vài rắc rối, bao gồm nhà máy hiện hữu vẫn buộc phải ngừng hoạt động và hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chưa kể việc thua lỗ triền miên do nhu cầu thị trường giảm.
Được biết, tháng 11-2018, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty cổ phần Thép DANA - Ý có nhà máy và trụ sở tại đường số 11B, Cụm Công nghiệp Thanh Vinh mở rộng, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, do ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT, làm đại diện pháp luật.
Công ty bị xử phạt tổng cộng 400 triệu đồng, chưa kể chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, cho các lỗi chính, bao gồm thực hiện không đúng nội dung báo cáo DTM, không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và không lưu giữ chứng từ chất thải nguy hại tại dự án nhà máy đang vận hành.
Kèm theo văn bản này là quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty trong thời hạn 6 tháng để khắc phục hậu quả.
Xác nhận với TBKTSG Online hôm nay, 20-11, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết đến nay, đúng 24 tháng, công ty vẫn chưa được phép hoạt động sản xuất trở lại do chưa khắc phục được hậu quả.
Liên quan đến việc xử phạt này đầu năm 2019, công ty đã gửi đơn khởi kiện UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu hủy các văn bản đã ban hành không đúng quy định của pháp luật và bồi thường thiệt hại có liên quan. Hiện nay, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng vẫn đang thụ lý vụ án.
Theo báo cáo tài chính của công ty, việc nhà máy phải liên tục ngừng hoạt động khiến công ty lần đầu tiên báo lỗ trong năm 2018 (âm 112 tỉ đồng). Tình trạng thua lỗ thậm chí còn thê thảm hơn trong năm 2019, với lợi nhuận âm gần 358 tỉ đồng.
Trong sáu tháng đầu năm nay, công ty lỗ gần 83 tỉ đồng (lợi nhuận thuần sau thu thuế thu nhập doanh nghiệp), thấp hơn so với mức lỗ hơn 173 tỉ trong sáu tháng đầu năm 2019. Theo giải trình công ty, tuy công ty tiếp tục dừng sản xuất, nhưng doanh thu có được từ việc thanh lý hoặc xuất trả một số vật tư thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn.
Sai phạm trong báo cáo tài chính
Công ty Cổ phần Thép DANA – Ý được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 270 tỉ đồng, chuyên sản xuất và kinh doanh sắt, thép, gang và các loại vật tư phục vụ xây dựng. Công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu phổ thông với mã chứng khoán DNY tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) từ tháng 5-2010.
Báo cáo tài chính năm 2019 của công ty bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC (AAC) đặt dấu hỏi về giá trị thực tế của các khoản mục tài sản ghi nhận vào thời điểm 31-12-2019. Nguyên nhân do kiểm toán viên cho biết không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về tính hiện hữu của toàn bộ giá trị hàng tồn kho, tức gần 489 tỉ đồng ghi nhận thời điểm cuối 2019.
Thêm nữa các tài sản của DNY gồm gần 489 tỉ đồng hàng tồn kho, gần 398 tỉ đồng tài sản cố định hữu hình và 297 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang đã bị hoen rỉ và suy giảm chất lượng.
Do đó, đơn vị kiểm toán viên lưu ý rằng số liệu tại báo cáo tài chính vẫn chỉ là những con số theo giá trị ghi sổ ban đầu, chưa tính đến sự điều chỉnh nào liên quan đến việc sụt giảm giá trị. Với các tài liệu kế toán được cung cấp vào thời điểm lập báo cáo, kiểm toán viên không thể định lượng được giá trị của các tài sản đã nêu trên.
Đó là lý do, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu DNY của công ty. Theo đó, gần 27 triệu cổ phiếu với mã DNY bị hủy niêm yết vào ngày 05-06-2020.
Sau đó, công ty được cho niêm yết trở lại nhưng chỉ trên sàn UPCoM. Và mới đây, Công ty Cổ phần Thép DANA – Ý nằm trong danh sách 30 công ty hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận