Thủ tướng: Thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, trong ba tháng đầu năm 2024, bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các yếu tố bên ngoài. Còn ở trong nước, vấn đề tỉ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; các thị trường tài chính, tiền tệ cần theo dõi kỹ lưỡng, có giải pháp phù hợp để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, các đối tác lớn, nhất là chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư…
Đặc biệt nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách. Bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…
Thúc đẩy và kiểm soát phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
“Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả” – chỉ thị nêu rõ và yêu cầu quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao.
“Cần kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng” – chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, tại Công điện 23/2024, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận