Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn hàng đầu New Zealand đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng nói sẽ thúc đẩy mở lại đường bay thẳng và muốn các tập đoàn hàng đầu New Zealand rót vốn vào đổi mới sáng tạo, giáo dục, năng lượng ở Việt Nam.
Trưa 11/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ trưởng tọa đàm với lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand, nhân chuyến thăm chính thức nước này.
Thủ tướng thông báo tại hội đàm với người đồng cấp - Thủ tướng Christopher Luxon, Việt Nam - New Zealand nhất trí tăng tốc và bứt phá trong hợp tác các ngành mới nổi, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, lao động, giáo dục.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước là khoảng cách về địa lý. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp cùng nghiên cứu mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand (vốn bị dừng từ cuối 2019 khi dịch Covid-19 bùng phát). Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa hai nước.
Ông cũng mong các doanh nghiệp New Zealand đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; mở cửa thị trường để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại song phương, các FTA thế hệ mới mà hai bên cùng tham gia.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cơ hội hợp tác, giáo dục, nghiên cứu khoa học hai nước rất tiềm năng. Trong bối cảnh Việt Nam đang đổi mới toàn diện ngành giáo dục, ông mong muốn các tập đoàn giáo dục New Zealand đầu tư, hợp tác nhiều hơn ở lĩnh vực giáo dục đại học, phổ thông và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. "Cần tăng cường đưa sinh viên cũng như nhóm nghiên cứu của Việt Nam sang New Zealand học tập, làm việc", ông nói.
Đề cập tới hợp tác cung cấp điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Tiến sĩ Christine Clark, Giám đốc điều hành tập đoàn giáo dục Kalandra, cho biết doanh nghiệp này sẵn sàng cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao điều này và nói sẽ phối hợp với các cơ quan để trao đổi trực tiếp với Kalandra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thêm Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, và là nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp đang thực hiện gồm đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng, nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện thể chế.
Năm 2023, Việt Nam lập kỷ lục về xuất khẩu gạo, thu về gần 4,8 tỷ USD, tăng xấp xỉ 37% so với cùng kỳ năm trước đó. Hiện, chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được ngành nông nghiệp triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Jason Wargent, Giám đốc khoa học tại Biolumic (Tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới có trụ sở ở New Zealand), đồng thời là Giáo sư tại Đại học Massey, đề xuất Việt Nam áp dụng các giải pháp sử dụng ánh sáng để tăng cường năng suất và chất lượng lúa.
Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẵn sàng giới thiệu và kết nối tập đoàn New Zealand với đối tác Việt Nam (Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp), nhằm hiện thực hóa ý tưởng này trong ngành lúa gạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đang thăm chính thức New Zealand, từ ngày 10 đến 11/3.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận