Thủ tướng gửi công điện khẩn đến một loạt bộ ngành về chuyện xăng dầu
Thủ tướng nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc đảm bảo cung ứng xăng dầu - Ảnh: Q.Định
Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng năng lực sản xuất xăng dầu trong nước để có phương án nhập khẩu, tính toán để có phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện gửi các bộ ngành liên quan gồm Bộ Công thương, Tài chính, Công an, Thông tin và truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.
Do đó, để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại các văn bản liên quan.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Chủ trì và phối hợp cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với hành vi găm hàng nhằm trục lợi, các hành vi vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và các cơ quan liên quan, xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước trong thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Liên quan đến điều hành xăng dầu theo nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.
Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, điều hành giá xăng dầu và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, công khai các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và biện pháp xử lý để người dân biết, tạo sự ổn định thị trường.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và báo cáo Thủ tướng trước ngày 28-2.
Đồng thời giao Bộ Công an tăng cường các biện pháp phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.
Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ được giao bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 về chấp hành pháp luật trong quản lý Nhà nước về xăng dầu. Việc này nhằm phát hiện cơ sở, bất cập trong kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý và báo cáo Thủ tướng.
UBND các tỉnh, thành phố giám sát việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ, bảo đảm không gián đoạn; kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá bán, thời gian bán… trường hợp phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận