Thủ tướng: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy làm tiêu chí đánh giá bộ, ngành, địa phương
Quy mô tỉ lệ nợ công/GDP đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia.
Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt mức thấp nhất kể từ năm 2013. Về chi ngân sách, tổng chi NSNN tính đến hết tháng 6 ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán.
Đó là một số thông tin vừa được Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2020".
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù trong bối cảnh nào, ngành tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, vì “người ta hay nói là "có thực mới vực được đạo", không có nguồn lực tài chính thì khó trong điều hành.
Theo Thủ tướng, trong khó khăn, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành tài chính nước nhà. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Cỗ máy tăng trưởng được ví như cỗ xe tam mã (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), Thủ tướng đặt vấn đề ngành tài chính đóng góp lực đẩy cỗ xe tam mã này như thế nào để kéo nền kinh tế. Đó là câu hỏi lớn của toàn ngành tài chính.
Tạo ra "chiếc bánh" lớn hơn để có thêm nguồn lực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ngành tài chính cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, tài chính không chỉ bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, mà cần được hiểu nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
"Tôi đề nghị các đồng chí cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta", Thủ tướng nói.
Về quy mô tỉ lệ nợ công/GDP, chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
"Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả" Thủ tướng nói.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”
Về công tác thu chi ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo, về thu không để mất cân đối lớn, không làm dự toán ngân sách bị đổ bể sâu; về chi “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Thủ tướng nêu rõ, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ.
Nhắc lại con số 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc lớn thứ hai mà tôi dành thời gian nói với các đồng chí trong đó ngành tài chính là ngành trực tiếp tham mưu, đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”.
Cùng chỉ đạo Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng gợi mở một số biện pháp xử lý vấn đề giải ngân chậm.
Một là, nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào.
Thứ ba, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được.
Thủ tướng khẳng định: “Lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công. Có bí thư, chủ tịch đi xin vốn, bổ sung danh mục công trình nhưng xin về không triển khai, giao khoán cho bên dưới, không động tĩnh gì, nhất là giải phóng mặt bằng. Đi đâu cũng kêu khó về giải phóng mặt bằng. Kêu khó thì đừng có xin về, mang tiếng”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận