Thủ tục hành chính lại "hành" doanh nghiệp (*): Cải thiện để đón sóng đầu tư mới
Một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội và TP HCM có vị trí tốt để thu hút dòng vốn đầu tư hấp dẫn này...
Ngày 15-9 tại TP HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Diễn đàn hỗ trợ đầu tư với chủ đề "Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TP HCM?". Lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá TP HCM nói riêng và Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại.
Luôn sôi động
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Qua nhiều năm, tỉ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, kể cả trong dịch COVID-19 hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.
Là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, đầu tàu kinh tế của đất nước, TP HCM luôn là vùng đất quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Trong 53 tỉnh thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, TP HCM là nơi dẫn đầu về tỉ lệ đầu tư cũng như các dự án mới.
Bà Mai Phong Lan, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, thông tin tổng giá trị vốn FDI tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm; góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt 2,71 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết hiện TP HCM đang có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với 10.925 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 78,3 tỉ USD. Thành phố có nhiều lợi thế nhằm thu hút đầu tư về vị trí chiến lược, lao động có trình độ chuyên môn, trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước, hay là một đô thị đa văn hóa thích hợp cho người nước ngoài tìm đến làm việc, sinh sống và du lịch.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam tới từ EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có TP HCM, Hà Nội và nói rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào trong thời gian tới.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), nhận xét TP HCM là thành phố hiện đại, năng động ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam. Cùng với các địa phương lân cận, TP HCM là điểm đến hàng đầu cho các tập đoàn nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. TP HCM cũng đang trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp năng động nhất châu Á.
Làm gì để phát huy nhiều hơn?
Ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho hay có một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội làm ăn, kinh doanh và TP HCM có vị trí tốt để thu hút dòng vốn này. Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của thủ tục cấp phép hoặc phê duyệt mua bán sáp nhập (M&A). Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp nhưng trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp cũng như làm việc. "Yếu tố con người được xem là tiên quyết, thị trường lao động của Việt Nam sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị" - ông Leif Schneider góp ý.
Ông Choi Keun Hwan, Cố vấn Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (Kocham), cũng đánh giá Việt Nam là môi trường đầu tư gần gũi với nhà đầu tư nước ngoài. Riêng TP HCM, cần tăng cường thu hút đầu tư FDI, sử dụng công nghệ trong kinh doanh, mở rộng thị trường dành cho tuổi hưu trí và dân nhập cư. TP HCM cũng cần tạo điều kiện cho các hình thức đầu tư như hợp tác công tư (PPP), tham gia góp vốn cổ phần, vốn đầu tư mạo hiểm... "Yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi là quy định pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán được và tinh gọn. Coi trọng sự đổi mới không chỉ để thu hút dòng vốn FDI mới mà còn duy trì và khuyến khích các DN FDI đang hoạt động mở rộng đầu tư. Tính ổn định của các kế hoạch tổng thể là yếu tố quan trọng để DN tiếp tục hoạt động và mở rộng đầu tư" - bà Mary Tarnowka đề xuất.
Các chuyên gia tại diễn đàn cũng góp ý để đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, TP HCM cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; cải thiện kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động và có một chiến lược thu hút FDI dài hạn. Đặc biệt, TP HCM cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị... "Cần chiến lược để tập trung thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực dẫn dắt, có giá trị gia tăng cao và lan tỏa ra các địa phương khác. Như việc triển khai dự án đường Vành đai 3 sắp tới sẽ đóng vai trò dẫn dắt cho thành phố" - TS Vũ Tiến Lộc nói.
TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng để bảo đảm DN nước ngoài đầu tư hiệu quả, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh hoàn thiện luật pháp, chính sách; rà soát, đánh giá các dự án đang hoạt động, từ đó xây dựng chiến lược, định vị lại lợi thế của Việt Nam. Chú trọng điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận