Thu nhập bình quân của CEO lên tới 2,5 tỷ đồng/năm, cao gấp rưỡi thù lao các Chủ tịch HĐQT
FiinGroup và FiinRatings công bố cáo báo "Thu nhập của Tổng Giám đốc và Hội đồng Quản trị tại các Công ty Đại chúng ở Việt Nam năm 2023" phân tích dữ liệu dựa trên kết quả khảo sát từ 200 công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thu nhập của CEO bất động sản và chứng khoán cao nhất năm 2023
Báo cáo phân tích số liệu nêu rõ, thu nhập bình quân (không bao gồm ESOP) của vị trí tổng giám đốc (CEO) trong các công ty đại chúng ở Việt Nam ở mức dưới 2,5 tỷ đồng/năm trong năm 2023.
Trong đó, bất động sản, dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) và bảo hiểm là Top 3 ngành có thu nhập bình quân của CEO cao nhất, vượt trội so với mức bình quân của thị trường.
Cụ thể, thu nhập bình quân năm 2023 của CEO bất động sản là cao nhất khi đạt tới 4,9 tỷ đồng. Đứng thứ hai là dịch vụ tài chính với 4,5 tỷ. CEO bảo hiểm đứng trong Top 3 với 3 tỷ đồng.
Tiếp theo là y tế (3 tỷ đồng); hàng cá nhân và gia dụng (2,7 tỷ đồng); thực phẩm và đồ uống (2,7 tỷ đồng); xây dựng và vật liệu 2,5 tỷ đồng; viễn thông 2,4 tỷ đồng; dầu khí 2,2, tỷ đồng; hàng và dịch vụ công nghiệp 2 tỷ đồng; công nghệ thông tin 2 tỷ đồng;...
Báo cáo cũng chỉ rõ, thu nhập của CEO có tương quan thấp với hiệu quả hoạt động và tăng trưởng giá trị công ty. Điển hình là CNTT, ngân hàng, bán lẻ là các ngành có hiệu quả hoạt động tốt hơn mặt bằng chung với tỷ suất ROE cao (15% trong năm 2023) nhưng thu nhập bình quân của CEO lại ở mức tương đối thấp. Lý do chính là thu nhập này chưa tính đến giá trị của số cổ phiếu thưởng theo ESOP mà ban lãnh đạo nhận được trong năm.
Trong khi đó, ngành bất động sản đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn thách thức và với hiệu quả hoạt động suy giảm nhiều năm liên tiếp nhưng thu nhập cho vị trí CEO vẫn ở mức cao nhất trong các ngành.
"Xét riêng năm 2023, thu nhập của vị trí CEO chưa gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng giá trị công ty ở hầu hết các ngành. Thực tế là thu nhập của ban lãnh đạo thường được xác định từ năm trước đó. Ngoài ra, theo thông lệ tại Việt Nam thì việc tăng trưởng giá trị công ty chưa phải là một chỉ tiêu KPI hoặc xác định chế độ lương thưởng của các vị trí chủ chốt của Ban Điều hành", báo cáo nêu.
Năm 2023, nhiều ngành với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế cao có tăng trưởng mạnh về thu nhập bình quân của vị trí tổng giám đốc, bao gồm dầu khí, dịch vụ tài chính (chủ yếu chứng khoán), bảo hiểm.
Ngược lại, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng ở mức thấp, bán lẻ, tài nguyên cơ bản (thép, gỗ…) có kết quả kinh doanh gây "thất vọng" trong năm 2023. Do đó, thu nhập bình quân của vị trí tổng giám đốc giảm so với năm 2022.
Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra, thu nhập của CEO ở nhóm doanh nghiệp nhà nước chi phối chưa bằng gần một nửa so với nhóm doanh nghiệp tư nhân cho dù hiệu quả hoạt động (thể hiện qua tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu - ROE) khá tương đồng. Điều này xuất phát từ thực tế là vị trí chủ tịch HĐQT trong các doanh nghiệp nhà nước cũng là các vị trí có tính chất điều hành theo cơ chế hiện nay.
Cụ thể, thu nhập của CEO ở nhóm doanh nghiệp nhà nước chi phối bình quân năm 2023 đạt 1,4 tỷ đồng, trong khi nhóm doanh nghiệp tư nhân là 3 tỷ đồng và nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước là 2,1 tỷ đồng.
Thu nhập của CEO ở nhóm vốn hóa lớn vượt xa mặt bằng chung, cao hơn khoảng 52% so với mức bình quân toàn thị trường trong năm 2023. Các nhà phân tích đánh giá, điều này khá hợp lý khi hiệu quả hoạt động ở nhóm vốn hóa lớn tích cực hơn so với hai nhóm còn lại.
Top 15 doanh nghiệp có thu nhập của CEO cao nhất gồm: KBC (17 tỷ đồng) MSN (14,7 tỷ đồng), VHM (13,9 tỷ đồng); NLG (12,9 tỷ đồng);...
Thu nhập của Thành viên độc lập HĐQT có sự chênh lệch lớn
Cùng với CEO, Báo cáo cũng chỉ ra thu nhập của chủ tịch HĐQT và thành viên độc lập HĐQT. Trong đó, thu nhập của chủ tịch HĐQT ở ngân hàng, dịch vụ tài chính (chủ yếu chứng khoán) và một số doanh nghiệp (bao gồm PNJ, VHM, NLG, NTP, REE…) cao hơn so với phần đông còn lại.
Theo báo cáo, đây đều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành nên vị trí chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như CEO.
Về thu nhập của thành viên độc lập HĐQT, báo cáo nêu rõ có sự chênh lệch rất lớn giữa các ngành. Cụ thể, thu nhập trung bình cao nhất là ở hàng cá nhân và gia dụng với 2 tỷ đồng/năm, trong khi nhóm còn lại phần lớn dao động trong khoảng 100-500 triệu đồng/năm.
Những doanh nghiệp có chế độ thù lao cao đều là các doanh nghiệp đầu ngành. Ngoài ra, những thành viên độc lập HĐQT có thù lao cao thường kiêm nhiệm thêm các vị trí cụ thể ví dụ Ủy ban Kiểm toán, Ủy ban Chiến lược,... của những doanh nghiệp đó.
Thu nhập bình quân của thành viên độc lập HĐQT chênh lệch không đáng kể giữa nhóm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Thu nhập bình quân của thành viên độc lập HĐQT cải thiện mạnh ở nhóm vốn hóa nhỏ trong năm 2023 và giảm nhẹ ở nhóm vốn hóa vừa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận