Thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng trong giải quyết các vấn đề còn tồn tại đối với nhà đầu tư tư nhân, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư vào các dự án về cơ sở hạ tầng.
HSBC vừa công bố báo cáo về bức tranh tổng thể của phát triển cơ sở hạ tầng và tình hình kinh tế tại Việt Nam.
Theo đó, sau hai năm gián đoạn vì đại dịch, phát triển cơ sở hạ tầng được ưu tiên trở lại. Đồng thời, mở rộng giao thông đường bộ trở thành ưu tiên số một, nhưng Việt Nam cần tiến hành thêm cải cách để thu hút sự tham gia đầu tư của khối tư nhân.
Các chuyên gia HSBC nhận định, trong bối cảnh gián đoạn do Covid-19, sự chú trọng vào cơ sở hạ tầng dài hạn đã trở lại như một mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Đặc biệt, nâng cấp và mở rộng kết nối đường bộ của Việt Nam vẫn là vấn đề cốt lõi. Mặc dù vậy, một số dự án lớn rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn khiến các cơ quan chức năng phải có vai trò tích cực hơn trong việc giám sát tiến độ và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Ngoài ra, để cân bằng giữa nhu cầu ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng chất lượng và sự hạn chế trong nguồn vốn công, Việt Nam sẽ cần tiếp tục khai thác mô hình đối tác công tư (Public-Private Partnership - PPP).
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được ban hành gần đây là một động thái tích cực, thể hiện sự sẵn sàng của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại đối với các nhà đầu tư tư nhân.
Đến lúc xem xét lại cơ sở hạ tầng
Theo báo cáo, Việt Nam có niềm tin vững chắc vào việc cơ sở hạ tầng chất lượng sẽ hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Không ngạc nhiên khi Chính phủ một lần nữa đặt việc phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu cần đạt được trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030.
Mặc dù đã có những cải thiện nhất định, chuyên gia HSBC nhận định Việt Nam vẫn cần đạt được tiến triển hơn nữa trong chất lượng cơ sở hạ tầng. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 77 trong tổng số 141 quốc gia về cơ sở hạ tầng tổng thể, với thứ hạng thấp trên hầu hết các lĩnh vực giao thông, đặc biệt là về chất lượng vận tải đường bộ và hàng không.
Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực về thu hút FDI, tuy nhiên cơ sở hạ tầng lạc hậu và quá tải liên tục được coi là trở ngại đối với năng lực sản xuất trong tương lai.
Ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, Việt Nam cũng đang cần thu hút thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thích ứng với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng. Dựa trên ước tính của Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu, trung bình Việt Nam cần 25 tỷ USD trong 20 năm tới, cao hơn gần 5 tỷ USD so với ước tính mỗi năm trước đó. Mặc dù lĩnh vực năng lượng vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất đạt 44%, vận tải đường bộ đã tăng lên đáng kể ở mức 22%, tiếp theo đó là viễn thông với 16%.
Với tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, các chuyên gia cho rằng không khó hiểu tại sao Việt Nam đang đẩy mạnh tiến độ mũi nhọn của tuyến đường cao tốc trọng điểm Bắc - Nam. Đường bộ là phương tiện vận tải đóng vai trò chủ đạo, chiếm 3/4 lượng vận chuyển hàng hóa và hơn 90% lượng chuyên chở hành khách.
Các nhà chức trách đang thúc đẩy các dự án như sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc Nam và các tuyến tàu điện ngầm mới của Tp.HCM để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa. Mặc dù vậy, có nhiều dự án rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn.
Ví dụ, đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, mới chỉ hoàn thành 1,5% đã khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải đảm bảo tiến độ bằng cách giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà thầu hạn chế. Các vấn đề tương tự cũng phát sinh ở tuyến tàu điện ngầm thứ hai của Hà Nội, với thời gian hoàn thành ban đầu dự kiến là đầu năm 2018 sau đó đã được đẩy đến cuối năm 2022.
Giờ đây, các cơ quan chức năng đang bắt đầu đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát tiến độ và tháo gỡ các khó khăn cho các dự án cơ sở hạ tầng này. Mới đây, Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo do Thủ tướng đứng đầu nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.
Với tham vọng của Việt Nam về cơ sở hạ tầng, một câu hỏi quan trọng khác đặt ra là nguồn vốn ở đâu? Theo báo cáo, hiện nay, khoảng 90% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đến từ các nguồn công, với nguồn tài chính ưu đãi chiếm gần 50% tổng ngân sách cơ sở hạ tầng từ năm 2010 đến năm 2015 ( theo Ngân hàng Thế giới, tháng 5/2020).
Một điểm tích cực là Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc đơn giản hóa khung pháp lý để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vốn được trông đợi từ lâu đã được Quốc hội thông qua vào giữa năm 2020, trước khi có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Lần đầu tiên, PPP cho phép Nhà nước cam kết các cơ chế chia sẻ doanh thu, nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các dự án PPP. Tuy nhiên, chỉ thế thôi chưa đủ. Nhìn rộng ra, Việt Nam cần thêm nhiều cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào các kế hoạch cơ sở hạ tầng dài hạn, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Bức tranh kinh tế “yếu ngoài, mạnh trong”
Báo cáo cũng nhận định về tình hình kinh tế của Việt Nam, cụ thể sau mức tăng trưởng ấn tượng 17% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu nửa sau năm với đà tăng thấp hơn so với kỳ vọng.
Xuất khẩu tăng nhẹ 8,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù xu hướng này không hẳn là một bất ngờ trong bối cảnh lạm phát tác động lên thu nhập thực tế và sự dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở phương Tây, điều đáng ngạc nhiên chính là ảnh hưởng của nó được thể hiện trong dữ liệu thương mại của Việt Nam.
Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu ghi nhận giảm. Một phần nguyên nhân là do giá năng lượng giảm, nhờ vậy làm giảm các hóa đơn nhập khẩu hàng hóa như sắt thép, than đá và dầu thô. Mặc dù tăng trưởng cả xuất và nhập khẩu đều không nhiều nhưng cán cân thương mại vẫn đi ngang trong tháng 7. Việt Nam có khả năng sẽ có năm thứ hai liên tiếp thâm hụt tài khoản vãng lai, gây áp lực đối với đồng Việt Nam.
Theo các chuyên gia, bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặt hái thành công nhất định. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ ghi nhận mức cao kỷ lục hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, đà tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Đặc biệt, doanh số các ngành liên quan đến du lịch rất đáng lưu ý, chứng kiến mức tăng trưởng hai con số 4 tháng liên tiếp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận