Thu hút đầu tư nước ngoài: Đã đến lúc phát huy “quyền chọn”
Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đã đưa ra những định hướng và mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng trong hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong giai đoạn mới.
Nghị quyết nhằm vừa giúp Việt Nam trở thành điểm đến có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được các yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, vừa khắc phục được căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại.
Mục tiêu là khả thi, song phải rất nỗ lực
Một trong những mục tiêu thu hút FDI mà Nghị quyết 50 đặt ra về định lượng là trong giai đoạn 2021 – 2025, vốn đăng ký phấn đấu đạt khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm và vốn thực hiện đạt khoảng 20 - 30 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026 – 2030, vốn đăng ký đạt khoảng 40 - 50 tỷ USD/năm và vốn thực hiện đạt khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE), Nghị quyết đặt ra yêu cầu về số lượng là rất quan trọng vì đã nói đến đầu tư thì trước hết là cần phải có vốn. Theo đó, nếu 2019 làm tốt thì vốn FDI thực hiện có thể đạt xấp xỉ 20 tỷ USD. Trong khi giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra là giải ngân từ 20-30 tỷ USD, có nghĩa là bình quân mỗi năm trong giai đoạn 5 năm sắp tới sẽ cần giải ngân cao hơn 5 tỷ USD so với vốn thực hiện 2019.
“Đấy là một vấn đề rất lớn và nếu các bộ không lưu ý con số này mà chỉ nói chung chung thì không thể nào thực hiện được Nghị quyết”, ông Nguyễn Mại cảnh báo.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các con số mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra (về tỷ lệ tương đương đóng góp 22-23% trong tổng vốn đầu tư xã hội) là hợp lý và cần phải đạt được, không nên thấp hơn, cũng không nên cao hơn. Không nên thấp hơn vì chúng ta dù đã có trên 700 nghìn DN và 5 triệu hộ kinh doanh trong nước nhưng vốn vẫn đang hạn hẹp, cho nên cần làm thế nào để duy trì được mức tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP hàng năm vào khoảng 30%, lúc đó mới có khả năng duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức 7-8%/năm.
Tuy nhiên cũng không nên cao hơn. Bởi vì cao hơn có nghĩa là làm giảm mất thị phần của khu vực DN trong nước. Giai đoạn những năm 1990 khi đầu tư trong nước chưa đáng kể thì ĐTNN ở mức hơn 30% là phù hợp, còn trong giai đoạn hiện nay chỉ nên giữ ở mức 22-23% là hợp lý.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, mục tiêu đặt ra như vậy là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh phải tính tới yếu tố CMCN 4.0 với rất nhiều dự án đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao. “Các yếu tố lịch sử (mức giải ngân FDI của Việt Nam trong quá khứ cũng tương đương với thế giới, đạt trung bình từ 40-60% vốn đăng ký), định hướng phấn đấu và đặc điểm thời đại hiện nay cho thấy mục tiêu như vậy là phù hợp, tất nhiên phải đi kèm với các nỗ lực và quyết tâm thì tính khả thi sẽ cao”, TS. Phong nói.
Thể chế, chính sách liên quan luôn là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định đến chất lượng và định hướng thu hút ĐTNN. Vì vậy việc kiện toàn, hoàn thiện thể chế, chính sách phải được tập trung ưu tiên sau khi Nghị quyết 50 được ban hành. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, về thể chế có 3 khía cạnh cần tập trung là luật pháp, bộ máy tổ chức và con người.
Khắc phục tình trạng "vốn mỏng", đầu tư "núp bóng"…
Về luật pháp, phải rà soát lại Luật ĐTNN cũng như những chính sách có liên quan đến thu hút FDI, quy hoạch về FDI cả về mặt địa lý, cả về mặt lĩnh vực theo hướng đưa ra các lĩnh vực ưu đãi rõ ràng và ưu đãi chung theo lĩnh vực chứ không phải theo những dự án cụ thể như trước đây. Đồng thời, nên có một số khuôn khổ mềm nhất định để cho một số nơi có thể làm đặc thù, nhưng không tạo ra mức độ hay áp lực cạnh tranh nguồn thu hút để cuối cùng Nhà nước không được gì cả. Đi cùng với đó, các quy trình, thủ tục xét duyệt phải được cắt ngắn, đặc biệt cho các dự án quan trọng, dự án xanh.
Ngoài ra, những quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, chống những mặt trái của ĐTNN cũng phải xây dựng rõ ràng để có thể nhận diện và xử lý kịp thời, không để tình trạng xảy ra rồi mới đuổi theo xử lý hậu quả thì sẽ rất mệt mỏi, tốn kém và mang tiếng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc Nghị quyết đặt ra một yêu cầu phải khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "núp bóng"… là vô cùng cần thiết để khắc phục những bất cập đã xuất hiện trong thời gian qua cũng như để ngăn chặn tình trạng tái diễn trong tương lai. “Tôi cho rằng trong cả luật pháp, thể chế, bộ máy và con người đều phải tập trung vào chống các mặt trái của ĐTNN, ví dụ như vấn đề môi trường, chuyển giá, tình trạng “tay không bắt giặc” hay thậm chí còn thông qua hối lộ, tham nhũng…”, TS. Phong nói.
Trong khi đó theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, yêu cầu này là rất cần thiết vì rõ ràng các vấn đề đó đã xảy ra lâu nay mà chưa khắc phục được. Về giải pháp cụ thể, TS. Lực cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực thẩm định của các cơ quan quản lý, nhất là thẩm định liên quan đến cả yếu tố tài chính và phi tài chính (như về hệ thống quản trị, công ty mẹ…). Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan quản lý của nước có nguồn vốn ĐTNN vào để điều tra đánh giá kỹ về DN đó.
Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ về kế hoạch đầu tư, dạng đầu tư và các dấu hiệu về nguy cơ núp bóng, cũng như rà soát kỹ những lĩnh vực trong thời gian vừa qua thường xảy ra hiện tượng chuyển giá, núp bóng để có biện pháp ngăn chặn. Ngoài ra, một loạt các giải pháp khác cần thực hiện bao gồm xây dựng quy trình với các quy chế, quy định cụ thể trong phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả chế tài và mức xử phạt; bổ sung quy định kiểm toán và công bố thông tin đối với các DN FDI; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu tốt hơn về FDI…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận