Thu hồi đất, ngoài đền bù tiền cần hỗ trợ người dân kế sinh nhai
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định trong dự luật Đất đai sửa đổi nguyên tắc thu hồi đất ngoài đền bù bằng tiền, phải hỗ trợ kế sinh nhai cho người dân.
Cho ý kiến xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi ngày 14/11, hàng chục đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết nội dung "Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người dân có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ".
Bà Trần Thị Thanh Hương (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang) đánh giá, đây là quan điểm tiến bộ, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, để lượng hóa được nội dung này là rất khó và dễ dẫn đến tình huống người dân không chấp nhận bồi thường do quy định không rõ ràng.
Bà đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể để định lượng, xác định rõ cơ chế, phân công trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi người dân.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó ban Công tác đại biểu) cho rằng, thiệt hại mà người dân gánh chịu khi bị thu hồi đất ngoài quyền sử dụng đất, còn rất nhiều tài sản khác gắn liền, liên quan đến đất và vấn đề sinh kế.
Theo ông, tình trạng người dân ở chen chúc, tạm bợ trong những ngôi nhà chỉ vài m2 ở phố cổ Hà Nội không phải do họ thiếu chỗ ở tốt hơn mà vì sinh kế, việc làm. Do đó, người dân và doanh nghiệp khi bị thu hồi đất, ngoài được bồi thường theo quy định thì cần được xem xét hỗ trợ thêm.
"Ví dụ như hỗ trợ người dân vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều chính sách khác nhau. Như vậy chúng ta mới thực hiện đúng mục tiêu người dân có đất bị thu hồi được tái định cư tốt hơn nơi ở cũ", ông Tuấn nói.
Chung quan điểm, thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu nói, việc đền bù và hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi hiện nay chủ yếu trọn gói một lần bằng tiền mà không hướng đến tạo nguồn sinh kế mới cho họ.
Thời gian qua, khi các dự án đi vào hoạt động, đất đai và sinh kế của nhiều hộ gia đình tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực, như đất úng ngập, thậm chí không thể tiếp tục cuộc sống ở phần đất còn lại. Điều này gây xáo trộn và bức xúc trong cộng đồng, thậm chí có nghịch cảnh là người dân ở xung quanh một số nhà máy thủy điện lại không có điện sinh hoạt.
"Tôi đề nghị ban soạn thảo bổ sung cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống. Việc này nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, chia sẻ lợi ích không chỉ là việc hỗ trợ, bồi thường trực tiếp cho các thiệt hại mà còn bao gồm rất nhiều công cụ khác, như chia sẻ lâu dài nguồn thu được từ các dự án, áp dụng giá điện ưu đãi hoặc xây dựng các quỹ phát triển cộng đồng. Đồng thời, Nhà nước, doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp phải cải thiện thu nhập, môi trường sống của người dân, ví như thực hiện các dự án về y tế, giáo dục, các khoản đầu tư phụ trợ, chuyển đổi công ăn việc làm.
Ông Hiếu cho hay, nhiều nước đã thực hiện chính sách này có hiệu quả như Hàn Quốc, Na Uy, Brazil, Thái Lan... Khi tiếp xúc cử tri ở miền tây Nghệ An, nhiều người cũng nói với ông rằng cơ chế chia sẻ lợi ích như trên sẽ tạo sự gắn kết hài hòa giữa các doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) dẫn Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị cho thấy mục tiêu quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 rất lớn. Năm 2020, cả nước có 862 đô thị, mục tiêu đến năm 2030 khoảng 1.200 đô thị. Để đạt được kỳ vọng, ông Khải cho rằng dự thảo luật phải thể chế được chủ trương để có khoảng 400 đô thị trong vòng gần 7 năm, từ nay đến 2030.
"Rõ ràng muốn phát triển được đô thị thì chúng ta phải có một quỹ đất sạch, phải có một cách tiếp cận đất đai thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp", ông Khải nói, cho rằng dù dự án luật sẽ được xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp (nhiều hơn thông lệ một kỳ), song Quốc hội nên xem xét bố trí thêm một kỳ họp chuyên đề để thảo luận kỹ các nội dung trước khi thông qua.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ trình dự án Luật đất đai sửa đổi để xin ý kiến Quốc hội. Các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp tháng 5/2023 và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm sau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận