Thống đốc NHNN: Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới
Tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo về những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%).
“Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2 - 3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 7 tháng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đến ngày 31/10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Trong đó, số dư nợ được cơ cấu tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Các ý kiến phản hồi cho thấy Thông tư 02 phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của chính sách.
“Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 để phù hợp với tình hình thực tiễn”, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Đặc biệt, đối với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai tại 4 NHTM. Kết quả, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỷ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỷ đồng.
Còn với chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân, đến hết tháng 11, số tiền đã giải ngân khoảng 9.386 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 năm 2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 207.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất khoảng gần 64.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỷ đồng.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, góp phần tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng trên 2%, tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Khi đưa ra đánh giá về sự tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp và thị trường, về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (VASEP) cho biết, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản đã được giải ngân nhanh. Đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng sau chỉ hơn 4 tháng, có tác dụng, hiệu quả rất tốt trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức vừa qua.
“Đến nay, các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận vốn từ các ngân hàng với lãi suất khoảng từ 5 - 5,9%, còn lãi suất USD từ 4,1 - 4,5%. Với những chỉ đạo và kết quả cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đánh giá rất tin tưởng vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ thời gian qua, tạo nên tâm lý tốt, tích cực, tạo động lực để huy động sức của doanh nghiệp và người dân”, ông Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận.
Còn về phía lãnh đạo ngân hàng thương mại, ông Kang Gew Won, Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, tích cực của Chính phủ với chính sách tiền tệ để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn chung, kịp thời mang lại nguồn vốn hợp lý; bày tỏ tin tưởng ngành ngân hàng có thể hoạt động, phát triển ổn định, tích cực hơn trong năm 2024.
Đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng của Shinhan đã đạt 15% và gần đây, cùng với các ngân hang khác, Shinhan đã được NHNN tăng thêm 5% room tín dụng so với hạn mức phân bổ lần thứ 2 trước đó.
“Việc tăng room tín dụng này là hành động rất kịp thời và ý nghĩa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là trong giai đoạn nước rút, tăng tốc cuối năm, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang rất cần dòng tiền”, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận