Thông điệp từ Jackson Hole: Tiếp tục nâng lãi suất cho dù kinh tế suy yếu
Lãnh đạo của các ngân hàng trung ương (NHTW) hàng đầu trên thế giới phát đi thông điệp cứng rắn và đồng nhất về cuộc chiến chống lạm phát. Tại hội nghị Jackson Hole, họ tuyên bố lạm phát đang diễn ra trên diện rộng, kéo dài và cần có động thái quyết liệt để ngăn cản lạm phát.
Những người đứng đầu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), và một số quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát biểu tại hội nghị thường niên ở Jackson Hole (Wyoming).
Tuyên bố của họ được đưa ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện quyết tâm nâng lãi suất cho tới khi lạm phát giảm đáng kể trong ngày 25/08.
Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Mỹ vốn đang trong cuộc chiến chống lại lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Các quan chức thể hiện quyết tâm nâng lãi suất và đẩy lùi các ý tưởng cho rằng họ sẽ giảm nhẹ nhịp độ nâng lãi suất nếu nền kinh tế suy yếu.
Thông điệp chung là các NHTW sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho dù điều này gây tổn thương cho nền kinh tế, vì với họ, không thể kiểm soát được lạm phát sẽ phải trả cái giá còn đắt hơn.
Isabel Schnabel, thành viên của ủy ban điều hành ECB, thúc giục các đồng nghiệp quyết tâm kéo giảm lạm phát. Hiện tại, lạm phát tiêu dùng gần 10% ở châu Âu và hơn 8% ở Mỹ.
“Khả năng lạm phát ‘bén rễ’ vào kỳ vọng lạm phát đang quá cao, cái giá phải trả cũng cao. Điều này khiến các NHTW không thoải mái”, bà Schnabel cho biết. “Trong môi trường này, các NHTW cần hành động quyết liệt. Họ cần phải thể hiện quyết tâm đẩy lùi lạm phát vì nếu không người dân sẽ bắt đầu hoài nghi về sự ổn định của các đồng tiền pháp định”.
Bà cũng thừa nhận rằng hiện đang có rủi ro suy thoái, nhưng cho biết rằng: “Ngay cả khi bước vào suy thoái, chúng ta cũng chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục quá trình bình thường hóa”. Quan điểm này cũng tương tự với các nhận định của ông Powell trong ngày trước đó (25/08) rằng “giảm lạm phát sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng dưới đường xu hướng (below-trend growth) trong một khoảng thời gian”.
Các quan chức ECB đang tranh luận về mức độ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 9/2022. Một số quan chức cho rằng phương án nâng 75 điểm cơ bản nên được bàn luận (ít nhất là vậy). Trước đó, Hội đồng Thống đốc ECB quyết định nâng 50 điểm cơ bản hồi tháng 7/2022.
Francois Villeroy de Galhau, Thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, cho biết các nhà hoạch định chính sách phải quyết tâm chặn đứng lạm phát để tránh phải rơi vào tình cảnh nâng lãi suất “một cách tàn khốc không cần thiết” sau đó.
Ngoài ra, các quan chức cũng bàn luận về việc lạm phát cao sẽ kéo dài bao lâu. Chủ tịch NHTW Thụy Sĩ Thomas Jordan cho biết các yếu tố cấu trúc trong nền kinh tế có thể góp phần khiến lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm và lạm phát đang dần dần lan rộng.
“Có nhiều tín hiệu cho thấy lạm phát ngày càng lan rộng ra các hàng hóa và dịch vụ vốn không bị tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 hoặc cuộc chiến Nga-Ukraine”, ông cảnh báo.
Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Nhiều chuyên gia khác cũng đưa ra quan điểm tương tự. Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết lạm phát ở Mỹ có thể kéo dài ít nhất thêm 1 hoặc 2 năm.
Agustin Carstens, lãnh đạo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể suy yếu kéo dài nếu các quan chức NHTW không phối hợp với Chính phủ để giải quyết các vấn đề về nguồn cung. Rắc rối về nguồn cung là một trong những "thủ phạm" đẩy lạm phát lên cao như hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận