Thỏa thuận hòa bình Marocco- Israel: “Nước cờ cuối” trong chính sách Trung Đông của Trump
Thỏa thuận được xây dựng dựa trên một trong những thành tựu chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, với việc thúc đẩy quan hệ giữa Israel và thế giới Arab.
Trong bối cảnh chính trường Mỹ đang có những thay đổi với quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra, Tổng thống Donald Trump hôm qua (10/12) thông báo Morocco là quốc gia Arab thứ 4 ở Trung Đông bình thường hóa quan hệ với Israel.
Đây có thể coi là “nước cờ cuối" thể hiện quyết tâm tạo ra những điểm nhấn đáng chú ý trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với khu vực này. Thỏa thuận được xây dựng dựa trên một trong những thành tựu chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, với việc thúc đẩy quan hệ giữa Israel và thế giới Arab. Morocco là quốc gia Arab thứ 4 ở Trung Đông đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan.
Thỏa thuận mới nhất này được thực hiện khi Tổng thống đắc cử Joe Biden có mục tiêu cải tổ chính sách của Mỹ trong khu vực, từ Israel đến Iran và Iraq. Về Trung Đông, ông Biden cam kết trở lại quan điểm truyền thống của Mỹ bấy lâu nay, đặc biệt đối với nguyện vọng thành lập nhà nước của người Palestine.
Theo Tổng thống Trump, Israel và Morocco sẽ khôi phục các mối quan hệ ngoại giao và các mối quan hệ khác, bao gồm mở lại ngay lập tức văn phòng liên lạc ở Tel Aviv và Rabat và cuối cùng là mở Đại sứ quán. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận, coi đây là dấu mốc “hòa bình lịch sử”:
“Tôi nghĩ đây là nền tảng để xây dựng hòa bình. Chúng tôi sẽ nối lại văn phòng liên lạc giữa Israel và Morocco, hợp tác sớm nhất có thể để thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy đường bay trực tiếp giữa hai bên, xây dựng cây cầu hòa bình cho mối quan hệ này vững chắc hơn”
Trong khi đó, đối với Morocco, thỏa thuận cũng là một thành tựu lớn: Mỹ công nhận chủ quyền của Morocco đối với Tây Sahara - điều Liên Hợp Quốc không công nhận và là khu vực tranh chấp quốc tế trong nhiều thập kỷ qua. Liên Hợp Quốc hôm qua (10/12) cũng tuyên bố, Tổng thư ký Antonio Guterres không thay đổi quan điểm về khu vực tranh chấp này và tin tưởng rằng chỉ có giải pháp cho khu vực dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Niềm vui của người này nhưng là nỗi buồn của những người khác. Thỏa thuận thiết lập quan hệ mới nhất làm lu mờ hi vọng về quyền tự trị cho những người ở Tây Sahara, vốn mong muốn có độc lập và tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai của khu vực. Thỏa thuận cũng là một trở ngại nữa đối với Palestin, trái với tinh thần của Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002, trong đó quy định các nước Arab chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi nước này chấm dứt chiếm đóng các vùng đất của Arab và Palestine, cũng như phải đảm bảo hòa bình cho Palestine.
Đây cũng có thể là thỏa thuận cuối cùng trong đội ngũ của Tổng thống Donald Trump về Trung Đông trước khi trao lại cho chính quyền của ông Biden. Hiện cũng có nhiều hi vọng Saudi Arabia sẽ tiến tới một thỏa thuận tương tự với Israel nhưng giới phân tích nhận định, Saudi Arabia sẽ không hành động cho đến khi ông Biden nhậm chức và thậm chí sẽ có phản đối nội bộ mạnh mẽ ngăn cản quốc gia này đưa ra hành động như vậy trong tương lai gần./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận