24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thiếu điện hay thừa điện đều phi kinh tế

Thực tế “cung phải bằng cầu ở mọi thời điểm” đòi hỏi việc đầu tư vào ngành điện phải đồng bộ từ sản xuất, truyền tải và phân phối, bởi thiếu hay thừa điện đều phi kinh tế.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu “Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP” vào năm 2025 và “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, sự tham gia của ngành điện sẽ là không hề nhỏ.
Giải bài toán đa mục tiêu “điện đi trước một bước, làm nguồn động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và nâng cao tiềm lực an ninh quốc phòng” với “chất lượng ổn định, an toàn, giá cả cạnh tranh, hài hoà trong phát triển môi trường” hay “phủ sóng điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo” cũng là thách thức với Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được lấy ý kiến công khai.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao đổi với Báo Đầu tư - baodautu.vn về một số vấn đề trong phát triển ngành điện trong tương lai.
Theo ông, mục tiêu quan trọng nhất của ngành điện Việt Nam hiện nay là gì và đã được thể hiện rõ ràng trong kịch bản được lựa chọn tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa?

Mục tiêu của ngành điện hiện nay hay bất cứ giai đoạn phát triển nào cũng đều phải là: đảm bảo an ninh trong cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách kinh tế nhất, đồng thời thỏa mãn một cách hợp lý các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Điều này đã được thể hiện trong kịch bản được lựa chọn của Dự thảo chưa là điều không dễ trả lời.

Nguyên do, quy hoạch được tính toán dựa trên hệ thống các dữ liệu kinh tế kỹ thuật từ cả hai phía cung và cầu, đặc biệt là các dữ liệu dự báo. Vì vậy, chất lượng các dự báo rất quan trọng vì sẽ quyết định chất lượng đầu ra của bài toán quy hoạch.

Tôi có xem Dự thảo trên 1.000 trang mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến cũng như ý kiến phản biện của các chuyên gia trong ngành trên công luận thì thấy, hệ thống dự báo từ phía cung và cầu đều được khuyến cáo là cần được triển khai một cách có căn cứ hơn, chặt chẽ hơn và thực tế hơn nữa.

Cần nói thêm rằng, ngoài việc các mục tiêu về năng lượng đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là đồ sộ và tham vọng thì cần phải luận giải rõ hơn các mục tiêu về hiệu quả kinh tế hay bảo vệ môi trường để có cái nhìn được tổng thể về quy hoạch này.

Hiện giá điện vẫn do Nhà nước quyết định. Là chuyên gia về giá năng lượng, ông hình dung thế nào về thị trường điện nước ta trong 5 năm tới?
Biểu giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng hiện nay do Nhà nước quy định.

Hệ thống giá này được xây dựng cũng theo nguyên tắc đa mục tiêu: phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, thực thi chính sách xã hội và đảm bảo thực hiện các mục tiêu vĩ mô của nhà nước.

Việc Nhà nước tham gia quyết định giá điện đến mức độ nào trước hết phụ thuộc vào lộ trình tái cấu trúc ngành điện Việt Nam theo hướng cạnh tranh với các cấp độ khác nhau, từ bán buôn tới bán lẻ.
Nhưng ngay cả như vậy tôi vẫn tin rằng, hệ thống giá điện áp dụng cho người tiêu dùng cuối cùng trong năm 5 tới vẫn do Nhà nước quy định, ít nhất đó là hệ thống giá bán của các tổng công ty phân phối điện mà Nhà nước sở hữu.

Giá điện vẫn sẽ đa mục tiêu, đặc biệt khi chúng ta luôn đề cao các chính sách an sinh xã hội, mà đã đa mục tiêu thì phải được ban hành bởi Nhà nước.

Chúng ta cần phải thực tế, không sáo rỗng hình thức đặc biệt là khi hiệu quả của thị trường điện cạnh tranh đến bây giờ vẫn là một dấu hỏi lớn ngay cả ở các nước đã cải tổ từ rất lâu và kinh tế thị trường đã phát triển ở cấp độ tự do cao.

Một lần nữa, hóa đơn tiền điện trong cuộc khủng hoảng cấp điện ở Texas tháng 2/2021 buộc chúng ta phải suy nghĩ về giá thị trường và giá nhà nước đối với sản phẩm điện năng có những đặc trưng hết sức khác biệt về cung và cầu.

Có dự án được ghi vào Quy hoạch điện mà không được triển khai, nhưng cũng có nhiều dự án khác được bổ sung và kết quả là công suất được xây dựng cao gấp nhiều lần mục tiêu Quy hoạch đặt ra. Vậy theo ông, các dự án được nêu ra trong Quy hoạch điện cần đáp ứng điều gì để hiện thực được?

Ngành điện có đặc thù vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, rủi ro lớn, cung phải bằng cầu ở mọi thời điểm, nên đòi hỏi quá trình đầu tư phải đồng bộ từ sản xuất, truyền tải và phân phối, quá trình phát triển ngành điện phải đồng thời phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn.

Nếu không có sự phù hợp này thì tất cả các tình huống khác, thiếu điện hay thừa điện đều rất phi kinh tế. Khi thiếu điện, chúng ta phải trả chi phí do ngừng cung cấp điện, khi thừa điện chúng ta lãng phí nguồn lực của xã hội.

Đó là lý do mà quá trình phát triển của ngành điện cần phải được lập thành quy hoạch và là quy hoạch trong dài hạn. Tất cả các nước trên thế giới đều làm như vậy và chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để xây dựng Quy hoạch điện VIII thực sự có chất lượng đồng thời phải có các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện. Như vậy, mới đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của ngành điện đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước


Dự thảo đang nhắc tới “linh hoạt”, “động” khi xác định các dự án điện mới. Tuy nhiên, ngành điện lại cần chính xác nhiều yếu tối vì liên quan đến cân đối nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đồng thời, khả năng truyền tải lẫn bố trí đất, cân đối vốn… Điều này nên được xử lý ra sao để các dự án điện được đầu tư “đúng lúc, đúng nơi”, không gây lãng phí vốn xã hội, thưa ông?

Có lẽ, bài học về quan điểm “động” và “linh hoạt” ở Quy hoạch điện VII bản điều chỉnh vẫn còn nguyên giá trị.

Hệ thống điện của chúng ta đang ở trong trạng thái: khi phụ tải thấp, chúng ta buộc phải tiết giảm phần nguồn là kết quả của “linh hoạt và động” gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội và các rủi ro cho đầu tư tư nhân trong ngành điện.

Nhưng khi phụ tải tăng, chúng ta buộc phải huy động nguồn tái tạo nhiều hơn, điều này dẫn tới câu chuyện năng lực truyền tải: hoặc do không đáp ứng được do quy hoạch nguồn bị phá vỡ nghiêm trọng thời gian qua, không cân đối đầu tư nguồn với lưới; hoặc ngay cả khi truyền tải đáp ứng được thì tỷ trọng điện tái tạo quá lớn như hiện nay lại đặt ra những lo lắng về độ an toàn trong cung cấp điện do đặc trưng “không liên tục trong cung ứng của các nguồn tái tạo.

Tôi cho rằng, thay vì đơn giản nói quy hoạch “động” và “linh hoạt”, thì nên xây dựng các nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch rõ ràng để khi có những biến động của các yếu tố liên quan đến cung và cầu thì tiến hành điều chỉnh mà vẫn đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật và tối ưu về kinh tế.

Nếu đơn giản nói “động” và “linh hoạt”, rất có thể khi thực hiện quy hoạch, việc vận dụng các thuật ngữ này lại được áp dụng khiến hệ thống điện Việt Nam rơi vào tình trạng Quy hoạch đạt mục tiêu 850 MW công suất điện năng lượng tái tạo trong năm 2020, nhưng cuối cùng có tới 19.000 MW riêng điện mặt trời, tức là gấp hơn 20 lần quy hoạch. Hệ quả là, lưới điện nhiều nơi không kịp đầu tư hay tình trạng không được huy động điện, dẫn tới lãng phí chung của xã hội.

Tôi tin, không một ai hiểu ngành có thể chấp nhận thực tế này.

Dự phòng thô của hệ thống ở thời điểm 2020 được thống kê là 34%, trong khi giai đoạn 2030-2045 lại chỉ đặt ra mục tiêu là 16% và 4,6%. Điều này nói lên chuyện gì hiện nay, thưa ông?

Không thể nói rằng, dự phòng 2020 là 34% là dự phòng kế hoạch, nên không nên so sánh với các mục tiêu dự phòng đặt ra trong quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2030-2045 với 16% và 4,6% - vì đó là những tính toán kinh tế kỹ thuật dựa trên các thông số đầu vào về năng lực công nghệ được dự báo.

Con số 34% thực tế là các tính toán trên dữ liệu thực về công suất đặt của hệ thống và phụ tải hệ thống và không thể nói đó là dự phòng theo đúng nghĩa.

Có thể khẳng định rằng, dư thừa như hiện nay ngoài lý do phụ tải giảm sâu vì khủng hoảng bệnh dịch, nhưng lý do chính vẫn là việc chúng ta không có cơ chế trong kiểm soát và điều chỉnh Quy hoạch điện VII bản điều chỉnh.

Chính việc thả nổi cho “động và linh hoạt” khi bổ sung nguồn điện mới trong vài năm qua đã dẫn đến tình trạng dư thừa hiện nay của nguồn cung, mặc cho những cảnh báo từ giới chuyên môn thậm chí từ đơn vị điều hành hệ thống điện.

Chúng ta không thể trách nhà đầu tư tư nhân vì họ vận dụng cơ chế để đầu tư khi tính toán thấy có lãi cao, ngay cả khi không có bất cứ kinh nghiệm nào về đầu tư trong ngành điện.

Nhưng thừa nguồn mới chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện điện tái tạo hiện nay. Khi phụ tải hệ thống tăng trở lại, bỏ qua hạn chế về năng lực truyền tải, tức là hoàn toàn có thể giải tỏa công suất điện tái tạo thì có nỗi lo thường trực về an ninh trong cung cấp điện do tỷ trọng điện tái tạo quá lớn trong cơ cấu nguồn (chiếm khoảng 25%). Tôi rất hy vọng thực tế này là một bài học lớn cho quá trình xây dựng và thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Thiếu điện hay thừa điện đều phi kinh tế
Trong hơn 2 năm qua, đã có gần 19.000 MW điện mặt trời vào vận hành và chúng ta đã được chứng kiến những điểm nghẽn không mong đợi. Vậy, nên phát triển năng lượng tái tạo với tỷ trọng ra sao để hệ thống vận hành an toàn lẫn kinh tế, thưa ông?

Điện là ngành đặc thù, quá trình phát triển hệ thống phải đồng bộ theo chiều dọc là sản xuất, truyền tải và phân phối và theo chiều ngang cơ cấu vùng, chứ không đơn thuần là các số liệu tổng hợp.

Mọi sai lệch của quá trình đầu tư tức là thừa điện hay thiếu điện phần nguồn, lưới truyền tải hay phân phối đều gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội.

Với hệ thống điện Việt Nam, phát triển điện tái tạo là một trong những mục tiêu ưu tiên, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí đầu tư của điện tái tạo luôn có xu hướng giảm, những tiến bộ về khoa học công nghệ được kỳ vọng giải quyết được những hạn chế của điện tái tạo như tính không liên tục trong cung ứng, hay năng lực tích điện..., nhưng tỷ trọng điện tái tạo là bao nhiêu trong cơ cấu nguồn điện thì phải được tính toán một cách kỹ lưỡng trong bài toán quy hoạch đa mục tiêu: Đảm bảo an ninh trong cung cấp, hiệu quả kinh tế trong cung cấp điện và đáp ứng các yêu cầu về quản lý môi trường.

Hiện chưa có một tỷ trọng chuẩn cho năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn vì mỗi nước có một cơ cấu nguồn điện truyền thống khác nhau. Tuy vậy, tỷ trọng điện tái tạo khoảng 30% đã là một con số tham vọng trong điều kiện năng lực kỹ thuật và công nghệ hiện nay.

Chúng ta đừng quên những gì vừa xảy ra ở Bang Texas (Hoa Kỳ), sự cố có thể xảy ra không nhiều, nhưng nếu sự cố ngừng cung cấp điện xảy ra thì tất cả những ưu việt của điện tái tạo sẽ không còn nữa vì tổn thất cho xã hội do ngừng cung cấp điện là rất lớn.

Thiếu điện hay thừa điện đều phi kinh tế
Tiêu thụ điện bình quân trên đầu người ở Việt Nam đang ở khoảng 2.000 kWh/người/năm. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp đồng nghĩa với mức tiêu thụ điện phải nâng lên tầm 6.000 kWh/người/năm như các nước khác. Nghĩa là phải đầu tư nhiều nguồn điện mới. Dự thảo cũng đặt mục tiêu thu hút 12-13 tỷ USD/năm. Đây là con số chưa từng có trong quá khứ. Ông nghĩ kế hoạch này có hiện thực không?

Thực tế, các kết quả của bài toán quy hoạch được tính toán dựa trên hệ thống các dữ liệu đầu vào, đặc biệt là các dữ liệu dự báo kinh tế kỹ thuật ở cả hai phía cung và cầu về điện, các ràng buộc kỹ thuật khác và thỏa mãn hàm mục tiêu là cực tiểu chi phí.

Tôi không tham gia vào quá trình tính toán, nhưng nhìn vào các kết quả của quy hoạch VIII đưa về mức tiêu dùng điện bình quân, thì đó là các số liệu hết sức tham vọng.

Mỗi quốc gia ở mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc thù riêng, không nước nào giống nước nào và vì thế cũng không thể nói phải nâng mức tiêu thụ điện bình quân trên đầu người như các nước khác được.

Khi đặt mục tiêu tham vọng về tiêu dùng thì kết quả quy hoạch nguồn và lưới sẽ phải tương ứng theo, nên đòi hỏi lượng vốn đầu tư sẽ rất lớn cho hệ thống.

Việc làm thế nào để thu hút lượng vốn này cũng sẽ là một trong các yêu cầu đầu ra của đồ án quy hoạch, ít nhất là ở việc định hướng về cơ chế chính sách liên quan đến triển khai thực hiện quy hoạch đã xây dựng


Cùng việc không mặn mà với nhiệt điện than, cũng có trào lưu đổ bộ đầu tư vào điện khí LNG. Vậy khả năng triển khai các dự án LNG ở Việt Nam thành công đến đâu, thưa ông?

Việc tạo ra trào lưu này trào lưu kia thực sự là sai lầm đối với đầu tư trong ngành điện. Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, tỷ trọng của từng loại nhà máy điện, vị trí đặt các nhà máy điện là một trong những kết quả quan trọng của bài toán quy hoạch đa mục tiêu.

Tỷ trọng điện khí là bao nhiêu sẽ được tính toán trong tổng sơ đồ và tỷ trọng đó cần được tuân thủ chứ không thể thành phong trào, tỉnh nào, địa phương nào cũng làm điện khí.

Nhiệt điện than vẫn được biết đến là ô nhiễm, nhưng các phát triển mới về công nghệ điện than đã phần nào giải quyết được mức độ phát thải khí nhà kính của nhiệt điện than. Vì vậy, không nên tẩy chay điện than, mà thay vào đó là vấn đề lựa chọn công nghệ đảm bảo các yêu cầu về phát thải để có một cơ cấu nguồn đáp ứng các mục tiêu quy hoạch một cách hợp lý nhất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả