Thiết bị định vị bán tràn lan, sử dụng theo dõi người khác có thể bị phạt tù
Hàng loạt thiết bị định vị, theo dõi hiện được rao bán tràn lan chợ mạng với nhiều mức giá, song hành vi sử dụng thiết bị theo dõi người khác là phạm luật.
Nhỏ gọn, tinh vi, khó phát hiện
Thời gian gần đây, trên internet, mạng xã hội, cửa hàng điện tử bán các thiết bị viễn thông, thiết bị công nghệ xâm phạm đời tư như camera, ghi âm quay lén, thiết bị định vị… được bày bán công khai. Người có nhu cầu có thể mua ở trên mạng xã hội, cửa hàng điện tử và thậm chí một số trang thương mại điện tử cũng bày bán các sản phẩm này.
Đặc biệt, chỉ cần gõ cụm từ “thiết bị theo dõi” trên công cụ tìm kiếm trực tuyến Google, các bạn sẽ tìm thấy gần 265 triệu kết quả chỉ trong… 0,41 giây. Mua bán dễ dàng, nhanh gọn, lắp đặn tận nơi, kín đáo và bí mật, các loại thiết bị theo dõi đang “làm mưa làm gió” trên thị trường.
Thị trường thiết bị ghi âm, quay lén, thiết bị định vị… được bày bán công khai trên chợ mạng |
Tìm hiểu thông tin tại các trang web bán hàng trực tuyến, ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm đủ loại thiết bị theo dõi, với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Lấy lý do muốn mua một chiếc máy nghe lén phục vụ cho công việc, phóng viên nói chuyện với một số người bán sản phẩm này trên các website. Hầu hết trang web đều đăng công khai và giới thiệu chi tiết về mẫu mã, cách sử dụng của từng sản phẩm.
Phóng viên liên hệ qua một trang web có rao bán loại thiết bị này và được nhân viên của web tư vấn nhiệt tình: "Bên em có đầy đủ các loại thiết bị định vị, chị cần mua loại nào, kích thước bao nhiêu? Bên em có từ kích thước siêu nhỏ, cỡ bao diêm đến bằng đầu ngón tay. Do đặc tính nhỏ gọn nên những loại này rất khó bị phát hiện khi sử dụng".
Theo người này, camera được đặt hàng nhiều nhất là loại siêu nhỏ, ngụy trang cúc áo, phần máy móc giấu ở trong áo, được bán với giá từ 1,5 - 2,6 triệu đồng. Sản phẩm này có thể bắt sóng wifi để lưu trữ video lên đám mây (cloud) mà không sợ mất hay xóa. Dù bị phát hiện, người khác muốn tịch thu hay tiêu hủy camera cũng sẽ không ảnh hưởng video đã quay.
Hỏi về chất lượng sản phẩm, người bán nói là sản phẩm tốt, được nhiều người sử dụng, máy được bảo hành 3 tháng và không chắc về độ bền cũng như sự chính xác của khả năng định vị.
Theo tìm hiểu tại một số địa chỉ khác, nhiều cửa hàng cũng cho biết, một thiết bị khác cũng được nhiều người tìm mua vì giá thành rẻ nhưng tiện dụng, đó là máy định vị kèm nghe lén, ghi âm. Giá của sản phẩm này chỉ dao động từ 700 - 1.000 triệu đồng.
Cũng theo anh Vũ Ngọc Tuấn – chủ một cửa hàng bán các thiết bị theo dõi trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, vài năm trở lại đây các loại thiết bị này trở nên "hot" vì được nhiều người tìm mua sử dụng. Nhiều thiết bị hiện rất hiện đại khi có kích thước rất nhỏ, được ngụy trang giống dụng cụ thông thường như: Cây viết, nút áo, hộp quẹt ga,… nên khi đưa vào sử dụng rất khó phát hiện; khả năng tiếp cận, quay lén rất cao.
Theo quy định của pháp luật, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm. Việc định vị, nghe lén, khai thác, kiểm soát thông tin của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật quy định. Do đó, hành vi định vị, nghe lén là xâm phạm đến quyền nhân thân người khác.
Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc công ty luật Phạm Danh nói: Điều 32 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Luật Công nghệ thông tin cũng đã nghiêm cấm cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ hoặc là sử dụng thông tin số nhằm mục đích xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức và nhân phẩm, uy tín của cá nhân.
Mua bán, sử dụng thiết bị theo dõi người khác là phạm pháp
Theo đó, nhiều luật sư cho rằng, hành vi sử dụng thiết bị để theo dõi người khác là trái pháp luật, cho dù là người thân trong gia đình. Chia sẻ thêm về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay, Luật Viễn thông năm 2009 có quy định việc nghe lén điện thoại của người khác là một hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông. Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Hành vi sử dụng thiết bị để theo dõi người khác là trái pháp luật, cho dù là người thân trong gia đình. |
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Bên cạnh đó, theo luật sư Tiền, nhiều văn bản pháp luật cũng được ban hành nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và doanh nghiệp, cũng như chống mọi hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng các thiết bị quay lén, nghe lén, định vị với mục đích xấu. Kinh doanh loại hàng hóa này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt lên đến 200 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo luật sư Tiền, hiện các thiết bị nghe lén, quay lén nằm trong danh mục hàng hóa hạn chế nhập khẩu hoặc cấm nhập khẩu, có sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Do vậy, để hạn chế việc rao bán tràn lan các thiết bị theo dõi, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu quan.
Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), các sản phẩm có thể theo dõi đời tư được bày bán trên mạng hầu hết kém chất lượng và được thổi phồng về tính năng, công dụng. Các sản phẩm cũng không được bán dễ dàng, công khai vì chỉ được sử dụng cho các mục đích quân sự, an ninh quốc gia. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng các thiết bị này.
Nghị định 66/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Trong đó, chỉ các cơ sở kinh doanh sau đây mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an; cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng; cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự… Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; lợi dụng hoạt động kinh doanh để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự; sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cho thuê, sửa chữa trái phép thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.... |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường