menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hồng Nhung

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi vào cuối năm

Theo VnDirect, khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Lực cung và cầu yếu

Hai tháng đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không chỉ “cạn” về lượng cung TPDN riêng lẻ phát hành ra thị trường, mà nhiều tổ chức phát hành liên tiếp rơi vào tình trạng chậm trả lãi.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (VBMA), chưa có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận trong tháng 2/2023. Nếu tính từ đầu năm, tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ chỉ có 110 tỷ đồng. Đó là đợt phát hành của CTCP Đầu tư Phan Vũ (ngày 30/1/2023), với kỳ hạn 7 năm.

Đáng chú ý, tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, thị trường cũng bắt đầu ghi nhận một xu hướng khác. Đó là nhiều doanh nghiệp liên tục thông báo chậm trả lãi từ đầu năm 2023 tới nay, như: CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định, CTCP Trung Nam, CTCP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Đức Việt, CTCP Tân Hoàn cầu Bến Tre…

Động thái xin chậm trả lãi thể hiện tình hình căng thẳng thanh khoản của các doanh nghiệp, đúng như dự báo của giới chuyên gia từ thời điểm quý cuối năm 2022. Và dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023. Cụ thể, ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, lần lượt ở mức 157.970 tỷ đồng và 341.270 tỷ đồng. Chuyên gia FiinGroup nhận định: “Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu”.

Nhìn từ phía cầu thị trường, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân (nhóm chiếm 1/3 khối lượng giao dịch TPDN) vào kênh TPDN đã giảm ở mức rất thấp khi nhiều người đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về. Theo nghiên cứu thị trường của VnDirect, hiện một số TPDN riêng lẻ được giao dịch ở mức thấp hơn mệnh giá 4-5%, với lợi suất khoảng 10% - 12%/năm, có nghĩa là trái chủ sẵn sàng thoát hàng ở mức chiết khấu 14% - 17%. Tất cả các diễn biến đó cho thấy cả lực cung và cầu trên thị trường TPDN đều đang teo tóp dần.

Cần thời gian để các bên thích ứng

Hồi đầu tháng 2, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Với một số thay đổi quan trọng, dự thảo Nghị định được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt về trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với một số quy định tại NĐ65, gồm quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; và quy định giãn thời gian phân phối trái phiếu từ 90 xuống 30 ngày. Theo đánh giá từ VnDirect, những thay đổi kể trên sẽ tạo ảnh hưởng tích cực tới cung - cầu thị trường TPDN. Tuy nhiên vấn đề chủ yếu hiện nay là nhà đầu tư đã mất niềm tin, nên việc tạo điều kiện như dự thảo Nghị định cũng sẽ cần thời gian để tâm lý họ ổn định lại.

Bên cạnh đó, nội dung đáng chú ý khác của dự thảo Nghị định là việc cho phép các trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được đàm phán với trái chủ gia hạn thời gian lên tối đa là 2 năm và chuyển đổi trái phiếu thành tài sản. Giới chuyên gia nhìn nhận đây là một trong những nội dung quan trọng, quyết định sự sống còn của các tổ chức phát hành, đặc biệt là nhóm địa ốc.

Dù vậy, cần lưu ý rằng việc gia hạn hay chuyển đổi trái phiếu phải dựa trên 3 nguyên tắc là: tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận; và doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.

Một số ý kiến cũng nhìn nhận, để các quy định này nhanh chóng được thực thi và phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn về việc đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc các tài sản khác, nhằm tránh những xung đột, tranh chấp có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings đề xuất thêm: trong ngắn hạn cần có biện pháp đánh giá, phân loại cụ thể đối với các nhà phát hành có rủi ro cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát hành cần đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng để tạo ra dòng tiền thanh toán trái phiếu các doanh nghiệp pháp hành cần định giá lại tài sản, không thể tiếp tục giữ ở mức kỳ vọng như thời điểm thị trường đang phát triển nóng.

Như vậy, việc tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý vẫn sẽ là yếu tố quan trọng để vực dậy thị trường TPDN trong bối cảnh hiện nay. Các chuyên gia phân tích của FiinRatings thì đặt kỳ vọng vào những chính sách cụ thể về việc giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà, nhất là cho vay phân khúc hạng trung và nhà ở xã hội, do đây cũng là nguồn thu lớn của các doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh nguồn TPDN.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thông báo về việc các NHTM nhà nước đã đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Đây là đóng góp thiết thực và kịp thời của ngành ngân hàng nhằm vực dậy thị trường vốn nói chung và TPDN nói riêng.

Với các chuyển động chính sách trong thời gian qua, chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới. Theo VnDirect, thị trường TPDN sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại