Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức song hành
Trong năm 2021, ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành chiếm tỉ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao nhất với con số lần lượt là 37% và 36%.
Những năm gần đây, kênh huy động vốn qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát triển thành một kênh huy động vốn tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng hay thông qua thị trường chứng khoán.
Thị trường TPDN phát triển cũng hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của thị trường TPDN trong giai đoạn vừa qua đã giúp không ít doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành trái phiếu tăng nhanh cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, TPDN cũng định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư tầm trung và dài hạn thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.
Những "anh cả" trên thị trường trái phiếu
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TPDN, Chính phủ đã ra Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 để thay thế Nghị định 163 và Nghị định 81 sửa đổi, với tinh thần hướng đến mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh hóa thị trường, và minh bạch thông tin.
Nghị định 153 đưa ra những nguyên tắc khá đầy đủ đối với tổ chức phát hành. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
Sau khi những nghị định mới được ban hành và có hiệu lực, khung pháp lý của thị trường trái phiếu ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, thị trường TPDN cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương, trong năm 2021, cả nước có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 594.520 tỷ đồng, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570.000 tỷ đồng (chiếm 95,8% tổng giá trị phát hành) và 23 đợt phát hành ra công chúng với 26.340 tỷ đồng (chiếm 4,6% tổng giá trị phát hành).
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành 223.010 tỷ đồng chiếm 37%. Top 5 ngân hàng có khối lượng phát hành đáng chú ý trong năm như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng - VPBank (27.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB (22.200 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV (20.008 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – VIB (18.000 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP phát triển TPHCM – HD Bank (15.520 tỷ đồng).
Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng, chiếm 36%, trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8%-13%/năm, chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm 2021 là kỳ hạn 1-3 năm, chiếm 67,33%.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2021, có 80 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành lên tới 65.757 tỷ đồng. Ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với 46.926 tỷ đồng và 9.538 tỷ đồng, lần lượt chiếm 71,36% và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng. Nhóm ngành ngân hàng có lượng phát hành trong tháng 12 chiếm trên 1/5 tổng khối lượng phát hành của cả năm 2021.
Ngoài ra, còn có 6 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,740 tỷ USD, gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD), trái phiếu tăng vốn chủ sở hữu cấp 2 của HDBank (165 triệu USD) và trái phiếu của Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng (150 triệu USD).
Những rủi ro tiềm ẩn
Mặc dù thị trường TPDN tăng trưởng nhanh và có nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường tài chính.
Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN có dấu hiệu tăng trưởng "nóng", xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn chưa tuân thủ quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính nhìn nhận doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn,.. dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, gây ra bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ chào mời, phân phối TPDN không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đối với nhà đầu tư, pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. Chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia giao dịch TPDN riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua TPDN riêng lẻ sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư và nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu.
Không những vậy, các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm các hành vi vi phạm về phát hành, giao dịch cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ và phát hành TPDN ra công chúng.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về TPDN của các tổ chức cung cấp dịch vụ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Định hướng phát triển thị trường trong năm 2022
Thị trường TPDN trong năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục có những bước phát triển với sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm.
Tiềm năng tăng trưởng hiện hữu trong dài hạn xét tới sự tăng trưởng của nền kinh tế đi kèm với nhu cầu mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất duy trì thấp tiếp tục là điều kiện thuận lợi để thị trường TPDN năm 2022 tiếp tục phát triển.
Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, thị trường cần minh bạch thông tin, hoạt động an toàn, hiệu quả, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác quản lý, giám sát, hoàn thiện mô hình tổ chức thị trường, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ thị trường.
Hiện, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030. Chiến lược này bao gồm mục tiêu, giải pháp và lộ trình triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu.
Bộ này đề xuất mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu cả về quy mô và độ sâu, nâng cao thanh khoản, đa dạng hoá sản phẩm; phấn đấu đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 47% GDP, trong đó quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20%GDP. Lộ trình đến năm 2030, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 58%GDP, trong đó quy mô thị trường TPDN đạt 25%GDP.
Tuy nhiên, thách thức và cơ hội cũng song hành khi cạnh tranh gia tăng đến từ kênh tín dụng ngân hàng; khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện đòi hỏi thành viên thích nghi cao.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu trên, bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường TPDN để thị trường phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả.
Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng; xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa thu hút thêm các nhà đầu tư.
Khuyến khích các công ty chứng khoán mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, đa dạng và tăng cường hiệu quả dịch vụ.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thị trường và tăng cường minh bạch, hiệu quả hoạt động thị trường, triển khai thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán và nâng cấp chuyên trang thông tin về TPDN.
Hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường thứ cấp TPDN phát hành ra công chúng để thúc đẩy các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Tăng cường quản lý giám sát và thực hiện thanh, kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ đối với các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo…
Các tổ chức phát hành đảm bảo việc phát hành TPDN thành công, hạn chế các rủi ro về khả năng trả nợ, đánh giá chi tiết tình hình tài chính hiện tại và xây dựng phương án phát triển kinh doanh, có phương án sử dụng vốn cần huy động hợp lý, lựa chọn đơn vị tư vấn, phân phối phát hành TP nhiều kinh nghiệm được đánh giá cao trên thị trường.
Đối với nhà đầu tư, đơn vị quản lý khuyến cáo ngoài việc cân nhắc kỹ về sản phẩm, thời điểm đầu tư cần phải lựa chọn tổ chức phát hành có uy tín, đảm bảo khả năng thanh toán.
Tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên tiếp cận nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận