Thị trường tiền mã hóa lao dốc, 200 tỉ đô la vốn hóa bị thổi bay
Trong phiên giao dịch sáng 21-1, theo giờ châu Á, thị trường tiền mã hóa chìm ngập trong sắc đỏ với các đồng tiền mã hóa hàng đầu như bitcoin, ether, bnb giảm giá mạnh. Tính tổng cộng, gần 200 tỉ đô la vốn hóa của thị trường tiền mã hóa bị thổi bay trong 24 giờ qua, trong đó, bitcoin giảm 10%, xuống tận sát mức 38.000 đô la, thấp chưa từng thấy kể từ mùa hè năm 2021.
Giá của các đồng tiền mã hóa chủ chốt khác như ether, bnb, solana, cardano, xrp cũng giảm từ 7-11%.
Thị trường tiền mã hóa bị bán tháo sau khi các thị trường chứng khoán trên thế giới lao dốc hôm 20-1 với chỉ số Nasdaq 100 của Mỹ, nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, đi vào vùng điều chỉnh (giảm 10% so với mức đỉnh), trong khi đó, chỉ số S&P 500 đang bước sang tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp.
Với mức giá trên 38.000 đô la, bitcoin đã giảm gần 50% so với mức giá kỷ lục của nó, gần 69.000 đô la được thiết lập vào ngày 10-11-2021. Tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa hiện nay đã giảm 1.200 tỉ đô la so với mức đỉnh 3.000 tỉ đô la hồi tháng 11.
Giới đầu tư tiền mã hóa chịu áp lực tâm lý lớn trong những tháng gần đây sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới phát tín hiệu sẽ rút dần chương trình kích thích tiền tệ và sớm tăng lãi suất trở lại. Fed buộc phải hành động sớm và quyết liệt hơn mức thị trường mong đợi để ứng phó với mức lạm phát đang tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong nhiều thập niên.
Trong tuần này, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, càng khiến giới đầu tư sốt sắng thoát khỏi các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu và tiền mã hóa.
Dù lập luận phổ biến của những người đầu tư vào bitcoin là nó đóng vai trò như một hàng rào chống lại lạm phát do chương trình kích thích tiền tệ của chính phủ Mỹ. Nhưng các nhà phân tích nhận định rủi ro đối với bitcoin là Fed sẽ tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn dự kiến.
Theo báo cáo của Công ty quản lý tài sản số CoinShares, các quỹ đầu tư tiền mã hóa đã bị rút ròng trong 5 tuần liên tiếp với tổng giá trị 532 triệu đô la, mức rút ròng mạnh nhất kể từ năm 2018.
“Tôi nghĩ lý do chính cho điều này là thị trường đang hoảng sợ trước viễn cảnh Fed tăng lãi suất trong năm nay. Nhưng nếu thị trường chứng khoán dừng giảm điểm, tôi kỳ vọng sẽ có một đợt tăng giá mạnh đối với bitcoin và toàn bộ thị trường mã hóa”, Marcus Sotiriou, nhà phân tích tại Công ty môi giới tài sản số GlobalBlock, có trụ sở tại Vương quốc Anh, viết trong một báo cáo gần đây.
Bên cạnh đó, thị trường tiền mã hóa cũng đón nhận tin xấu từ Nga. Hôm 20-1, Ngân hàng trung ương Nga (RCB) đề xuất cấm phát hành, giao dịch và đào tiền mã hóa trên lãnh thổ của Nga vì lo ngại tiền mã hóa đe dọa sự ổn định tài chính, chủ quyền chính sách tiền tệ của Nga cũng như cuộc sống của người dân.
Trong nhiều năm qua, giới chức trách ở Nga đưa ra những nhiều lý lẽ phản đối đồng tiền mã hóa. Chẳng hạn, chúng có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố. Đến năm 2020, họ cho phép giao dịch và đào tiền mã hóa nhưng cấm sử dụng làm phương tiện thanh toán.
Trong báo cáo công bố hôm 20-1, RCB nhận định nhu cầu đầu cơ quyết định phần lớn đà tăng trưởng của thị trường tiền mã hóa. Báo cáo có đoạn: “Các đồng tiền mã hóa có những đặc điểm của mô hình lừa đảo kim tự tháp vì đà tăng giá của chúng chủ yếu dựa vào lớp nhà đầu tư mới”.
RCB cảnh báo nguy cơ bong bóng trên thị trường tiền mã hóa, đe dọa sự ổn định tài chính và cuộc sống của người dân. RCB cho biết tổng giá trị giao dịch tiền mã hóa của người dân Nga ước tính khoảng 5 tỉ đô la mỗi năm.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Huobi, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, cho biết người dùng ở Nga đóng góp khoảng 10% tổng giá trị giao dịch ở sàn này.
Elizaveta Danilova, người đứng đầu bộ phận ổn định tài chính của RCB, cho hay người Nga sẽ vẫn được phép sở hữu tiền mã hóa ở nước ngoài nhưng cảnh báo rằng các cơ quan quản lý sẽ theo dõi lượng nắm giữ của họ.
Nga là nước có ngành công nghiệp đào bitcoin lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Kazakhstan. RCB lo ngoại hoạt động đào bitcoin, vốn tiêu thụ rất nhiều điện, sẽ đe dọa nguồn cung điện cũng như nỗ lực phi carbon hóa nền kinh tế của Nga.
Theo Forbes, Financial Times
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận