24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhà đầu tư tự hỏi “chuyện gì đang diễn ra"

VN-Index bị thổi bay thêm hơn 20 điểm; Tín dụng bất động sản: “Miếng ngon” khó cưỡng; Doanh nghiệp niêm yết tấp nập tăng vốn; Giữ đầu lạnh để “tìm vàng” trong vòng xoáy tâm lý và các cú sốc thông tin; Doanh nghiệp gồng mình dưới áp lực chi phí; Dầu Nga, Iran, Venezuela chất đầy ở Trung Quốc… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/4 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,40 – 69,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5,9 USD/ounce lên 1.931,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng rung lắc quanh ngưỡng trên và nhích dần lên gần 1.935 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,83 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.101 đồng/USD, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 – 23.000 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua rung lắc nhẹ 43.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,56 USD (+0,58%), lên 96,59 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,30 USD (+0,30%), lên 100,89 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thêm một phiên giảm hơn 20 điểm

Ngay từ sớm, tâm lý bên mua thận trọng, trong khi bên bán cũng giao dịch cầm chừng khiến VN-Index biến động nhẹ quanh tham chiếu và lực bán gia tăng về cuối khiến chỉ số đổ đèo về sắc đỏ.

Bước sang phiên chiều, sau khi thủng mốc 1.490 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, áp lực bán quay trở lại khiến VN-Index nới rộng đà giảm và để mất thêm hơn 20 điểm khi đóng cửa.

Cổ phiếu lớn VIC là má phanh duy nhất khi tăng 2,8%, cùng thanh khoản đạt xấp xỉ 5,2 triệu đơn vị.

Trái lại, các bluechip giảm sâu gây tác động tiêu cực nhất là FPT - 4,2%, GVR -4%, MWG -3,2%, BID, SSI, GAS, MSN đều giảm hơn 2%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG, GEX, ROS, FLC, BCG, KBC, VGC, BCG, FLC, ROS, CIG, LHG, VRC đều giảm sàn, PDR, KDH, VCG, DXG, TCH… nới rộng đà giảm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,44 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 313,81 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 8/4: VN-Index giảm 20,35 điểm (-1,35%), xuống 1.482 điểm; HNX-Index giảm 9,58 điểm (-2,17%), xuống 432,02 điểm; UpCoM-Index giảm 1,96 điểm (-1,7%), xuống 113,84 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall có phiên hồi phục vào ngày thứ Năm (7/4), nhờ lực mua được cải thiện sau 2 phiên liên tiếp giảm trước đó.

Giao dịch vẫn tương đối thận trọng trên thị trường, khi giới đầu tư tiếp tục đánh giá về khả năng Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Bên cạnh đó, tâm lý đứng ngoài chờ đợi cũng diễn ra, khi các công ty Mỹ sẽ bắt đầu báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên trong những tuần tới, với các ngân hàng sẽ là những nơi khởi động đầu tiên.

Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Dow Jones tăng 87,06 điểm (+0,25%), lên 34.583,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,06 điểm (+0,43%), lên 4.500,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 8,48 điểm (+0,06%), lên 13.897,30 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích lên, nhưng khép lại tuần tệ nhất trong gần một tháng, do những lo lắng về tác động của việc thắt chặt chính sách của Fed, cuộc xung đột ở Ukraine và phong tỏa nhiều nơi tại Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,36% lên 26.985,80 điểm và giảm 2,46% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,21% lên 1.896,79 điểm, nhưng mất 2,44% trong tuần.

Cả hai chỉ số chính này đều có tuần giảm lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 11/3/2022.

Phiên hôm nay, cổ phiếu đáng chú ý nhất là của nhà sản xuất máy ảnh Nikon, tăng 7,55% sau khi thông báo chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 30 tỷ yên (241,82 triệu USD).

Ngành viễn thông cũng tăng điểm, với NTT tăng 4,04% và KDDI tăng 1,84%, trở thành nhóm chỉ số tăng mạnh nhất của Nikkei 225.

Trong khi đó, Toyota giảm 3,37% trở thành lực cản lớn nhất của Nikkei 225 trong bối cảnh báo chí Úc đưa tin rằng, nhà sản xuất ô tô này có thể phải đối mặt với khoản đền bù 2 tỷ đô la Úc (1,5 tỷ USD) cho bộ lọc động cơ diesel bị lỗi.

Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về các biện pháp nới lỏng chính sách hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại do ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất của nước này trong hai năm.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,5% lên 3.251,85 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,51% lên 4.230,77 điểm.

Các nhà kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo Trung Quốc tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay.

“Các biện pháp ngăn chặn Covid-19 lây lan của Trung Quốc tiếp tục có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường việc làm, và kỳ vọng chính quyền sẽ cắt giảm lãi suất hoặc thực hiện các biện pháp nới lỏng khác sớm nhất là vào tuần tới,” các nhà kinh tế tại OCBC Wing Hang Bank cho biết trong một ghi chú.

Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, nhưng tâm lý thị trường vẫn rất mong manh khi lo ngại gia tăng về quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng.

Đóng cửa, Hang Seng tăng 0,29% lên 21.872,01 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,07% xuống 7.490,37 điểm.

Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ giảm 1,2% do lo lắng về quan hệ Trung-Mỹ, trong đó các công ty lớn về chỉ số là Alibaba Group, Meituan và Tencent Holdings giảm từ 1,3% đến 1,8%.

Hôm thứ Năm, Trung Quốc cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp phản đối mạnh mẽ nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.

Người phát ngôn của Pelosi sau đó cho biết, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và chuyến đi của phái đoàn quốc hội Mỹ đến châu Á mà bà dự định dẫn đầu đã bị hoãn lại.

Về vấn đề kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết tại phố Wall, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết, “Trung Quốc thể hiện thiện chí hợp tác về tranh chấp kiểm toán nhưng cần có thêm xác nhận từ phía Mỹ”.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên hồi phục, nhưng ghi nhận tuần giảm điểm, do dự báo về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Fed và cuộc khủng hoảng Ukraine đè nặng lên thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 4,53 điểm, tương đương 0,17% lên 2.700,39 điểm. Nhưng giảm giảm 1,44% trong tuần.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 0,29% và SK Hynix giảm 1,32%.

Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 97,23 điểm (+0,36%), lên 26.985,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,16 điểm (+0,47%), lên 3.251,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 63,03 điểm (+0,29%), lên 21.872,01 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,53 điểm (+0,17%), lên 2.700,39 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng bất động sản: “Miếng ngon” khó cưỡng

Nhiều ngân hàng đang có động thái kiểm soát chặt hơn tín dụng bất động sản, dù đây là nguồn thu lời rất tốt cho các nhà băng..>>

- Doanh nghiệp niêm yết tấp nập tăng vốn

Tâm điểm thông tin của thị trường chứng khoán tháng 4 là những kế hoạch kinh doanh được các doanh nghiệp đưa ra tại đại hội cổ đông..>>

- Giữ đầu lạnh để “tìm vàng” trong vòng xoáy tâm lý và các cú sốc thông tin

VN-Index rớt gần 21 điểm trong phiên 7/4, mức giảm sâu nhất trong vòng một tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư tự hỏi “chuyện gì đang diễn ra”..>>

- Doanh nghiệp gồng mình dưới áp lực chi phí

Chi phí đầu vào tăng mạnh đang tạo gánh nặng lớn với các doanh nghiệp sản xuất..>>

- Dầu Nga, Iran, Venezuela chất đầy ở Trung Quốc khi làn sóng lây nhiễm Covid trở nên tồi tệ hơn

Theo Kpler, các tàu chở dầu chở 22 triệu thùng dầu của Nga, Iran và Venezuela đang chất ở ngoài khơi Trung Quốc khi nước này phải đối mặt với một đợt bùng phát Covid làm giảm nhu cầu và đặt ra các thách thức về vấn đề hậu cần..>>

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả