menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo An

Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước hạ nhiệt

VN-Index mất hơn 6 điểm trong phiên ATC; Áp lực lên NIM ngân hàng hiện hữu; Chưa lo “bong bóng” chứng khoán; Nền tảng vĩ mô hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng điểm; Công ty chứng khoán nào lãi nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm?; Giá dầu sẽ giảm vào năm 2022?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 18/11 giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 61,00 – 61,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 16,9 USD lên 1.867,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên gần 1.870 USD/ounce, nhưng đã gặp áp lực bán tăng nhanh và lùi về dưới 1.860 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,73 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.116 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.550 – 22.750 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,46 USD (-0,59%), xuống 77,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,22 USD (-0,27%), xuống 80,06 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giao dịch chủ yếu quanh 60.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã giảm về sát dưới mốc này và chủ yếu giằng co nhẹ cho đến cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm nhanh ở những phút cuối

Sau phiên sáng nhích lên trên 1.480 điểm với thanh khoản tăng mạnh trở lại, thị trường bước vào phiên chiều đã chững lại và sau nhịp rung lắc đã về dưới tham chiếu và bò ngang trước khi bước vào phiên ATC và một số mã lớn đảo chiều giảm nhanh khiến VN-Index mất hơn 6 điểm khi đóng cửa và VN30-Index giảm hơn 16 điểm.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tới 56 mã đã tăng kịch trần, trong đó có rất nhiều mã quen thuộc và thanh khoản lớn như FLC, HQC, GEX, TTF, PAN, TCH, TSC, CII, ITA, HHS, JVC, DIG, ASM, ITC, KHG, HAR, QBS, MHC, PXS, MCG, HAP, TEG, IDI, TLH, VPH, HPX…

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán bùng nổ. Nếu như phiên sáng chỉ còn SSI và VIX tăng trần, thì trong phiên chiều góp thêm TVB, APG, AGR, CTS và BSI, HCM +6,2%, VCI +5,4%, VND +4,4%, FTS +4,3%, VDS +4%, ORS +3,6%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,5 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 459,92 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 18/11: VN-Index giảm 6,02 điểm (-0,41%), xuống 1.469,83 điểm; HNX-Index tăng 5,78 điểm (+1,25%), lên 468,73 điểm; UpCoM-Index tăng 1,31 điểm (+1,17%), lên 113,52 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/11) khi giới đầu tư lo ngại về tình trạng lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cổ phiếu bán lẻ bị bán tháo.

Chứng khoán Mỹ chứng kiến đà bán tháo mạnh ở nhóm cổ phiếu bán lẻ. Cổ phiếu Target giảm 4,7%, Walmart tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp.

Các nhà bán lẻ tên tuổi khác dù báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua cũng lao dốc trong phiên. Cổ phiếu Macy's và Kohls lần lượt giảm 4,5% và 3,1%, trong khi Gap và Urban Outfitters lần lượt giảm 5,2% và 4,2%.

Trước đó Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng 1,7% trong tháng 10, cao hơn mức 1,4% dự kiến cho thấy đà tăng của lạm phát đã không kìm hãm tăng trưởng kinh tế cho đến hiện tại.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại việc giá cả tăng cao thêm nữa sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy Fed vào tình huống buộc thắt chặt chính sách trước thời hạn.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Dow Jones giảm 211,17 điểm (-0,58%), xuống 35.931,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,23 điểm (-0,26%), xuống 4.688,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,28 điểm (-0,33%), xuống 15.921,51 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, với các công ty dầu khí dẫn đầu đà giảm, nhưng việc báo chí đưa tin rằng gói kích thích của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ lớn hơn dự kiến ​​ban đầu đã giúp thị trường hãm đà rơi.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 29.598,66 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,14% xuống 2.035,52 điểm.

Nhật báo Nikkei đưa tin, gói kích thích kinh tế của Nhật Bản có thể sẽ liên quan đến chi tiêu tài chính khoảng 55,7 nghìn tỷ yên (488 tỷ USD), con số này cao hơn kỳ vọng 30-40 nghìn tỷ yên, mặc dù các nhà phân tích cảnh báo rằng nhiều nhà đầu tư sẽ cần phải xem chính phủ có kế hoạch chi tiêu vào những khoản nào.

Các cổ phiếu liên quan đến dầu mỏ như Inpex giảm 7,1% và Idemitsu Kosan mất 3,6%, sau khi có một báo cáo rằng, Mỹ đang yêu cầu các nước tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc và Nhật Bản xem xét điều phối giải phóng kho dự trữ dầu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, dẫn đầu bởi các cổ phiếu liên quan đến Metaverse khi các phương tiện truyền thông nhà nước cảnh báo rủi ro.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,47% xuống 3.520,71 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,99% xuống 4.837,62 điểm.

Các công ty truyền thông mất 2,7%, dẫn đầu là cổ phiếu liên quan đến Metaverse, sau khi truyền thông nhà nước People's Daily đăng một bài báo nói mọi người hãy suy nghĩ kỹ về xu hướng này.

Các nhà phát triển bất động sản giảm 2,1% do lo ngại về vấn đề thanh khoản trong lĩnh vực này.

Tập đoàn China Evergrande cho biết họ đang bán toàn bộ cổ phần của mình trong HengTen Network Holdings với giá 2,13 tỷ đô la Hồng Kông (273,5 triệu USD), trong khi Country Garden Services thu được 8 tỷ đô la Hong Kong (1 tỷ USD) từ việc bán 150 triệu cổ phiếu mới.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các cổ phiếu công nghệ chịu sức ép, trong khi các nhà phát triển bất động sản cũng gặp khó.

Đóng cửa, Hang Seng giảm 1,29% xuống 25.319,72 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,71% xuống 9.036,04 điểm.

Hôm nay, cổ phiếu các công ty công nghệ niêm yết giảm 3%, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ ngày 27/10, với Tập đoàn Alibaba giảm 5,3%, trong khi Meituan giảm 2,5%.

Các nhà phát triển bất động sản đại lục niêm yết tại Hồng Kông giảm 2,4% do lo ngại về vấn đề thanh khoản trong lĩnh vực này, với việc các nhà phát triển tăng cường nỗ lực tăng tiền mặt bằng việc giảm các khoản đầu tư và tăng vốn.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm theo chân phố Wall đêm qua và dịch bệnh trong nước bùng phát khi ghi nhận số ca nhiễm mới gần chạm mức kỷ lục trong hôm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,25% xuống 2.954,94 điểm.

Kết thúc phiên 18/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 89,67 điểm (-0,30%), xuống 29.598,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,66 điểm (-0,47%), lên 3.520,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 330,36 điểm (-1,29%), xuống 25.319,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 15,04 điểm (-0,51%), xuống 2.947,38 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực lên NIM ngân hàng hiện hữu

Hầu hết ngân hàng niêm yết đều ghi nhận NIM tăng trong 9 tháng đầu năm 2021, mức tăng dao động từ 20-30 điểm cơ bản. Nguyên nhân là do chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm tỷ suất sinh lời trung bình của tài sản..>>

- Chưa lo “bong bóng” chứng khoán

Tuần qua, một đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan ngại về tính bền vững của nguồn thu ngân sách khi thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng cao, kéo theo sự tăng trưởng tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm nay, mặc dù ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ đồng..>>

- Nền tảng vĩ mô hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng điểm

Gói kích thích kinh tế mới, câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như sự phục hồi của hoạt động sản xuất và tiêu dùng sau thời gian giãn cách tiếp tục là động lực cho tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp quý IV/2021 và triển vọng năm 2022..>>

- Công ty chứng khoán nào lãi nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2021?

Cùng với mức gia tăng của lợi nhuận đã kéo theo giá cổ phiếu nhóm công ty chứng khoán ghi nhận đà tăng mạnh mẽ trong suốt 9 đầu năm 2021. Tuy nhiên, liệu các con số lợi nhuận báo cáo có phản ảnh đầy đủ mức lợi nhuận của công ty chứng khoán?..>>

- Giá dầu sẽ giảm vào năm 2022?

Liệu giá dầu có giảm vào năm 2022 hay không phụ thuộc vào hai nhóm nhà sản xuất là OPEC+ và các công ty dầu đá phiến của Mỹ vốn đang vật lộn để tăng sản lượng sau đại dịch..>>

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại