Thị trường tài chính 24h: Giá dầu thô áp sát mốc 100 USD/thùng do căng thẳng xung quanh Ukraine leo thang
VN-Index giữ được ngưỡng 1.500 điểm; Ngân hàng không quá lo với nợ tái cơ cấu; Giai đoạn tích lũy trở lại; Dòng tiền có bị “chia lửa”?; Không sợ mất cơ hội; OPEC+ muốn tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng hiện tại… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/2 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 63,00 – 63,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tăng 4 USD/ounce lên 1.903,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên trên 1.910 USD/ounce, nhưng đã nhanh đảo chiều giảm về dưới 1.900 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,03 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.130 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.660 – 22.940 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh về 36.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã lùi tiếp về gần 36.400 USD, trước khi bật lên về cuối ngày lên 37.300 USD/BTC.
Giá dầu thô đã áp sát ngưỡng tâm lý 100 USD/thùng vào chiều nay, do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine gia tăng, sau khi Nga công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine và ông Putin ra lệnh triển khai quân đội tới hai vùng đất này.
Điều này khiến Nga sẽ chịu các lệnh trừng phạt mới từ phương Tây, làm dấy lên khả năng cao nguồn cung dầu khí tiếp tục bị thắt chặt.
Ngoài ra, việc OPEC và OPEC+ vẫn chật vật tìm cách đảm bảo hạn ngạch sản xuất, một yếu tố đã tạo ra thâm hụt năng lượng nghiêm trọng trên toàn cầu cũng khiến giá dầu thô đi lên.
Ông John Driscoll, Giám đốc JTD Energy Services, mới đây tiết lộ trên CNBC rằng do nguồn cung dầu vật chất đang thiếu nên giá dầu có thể vượt 120 USD/thùng, thậm chí mức giá 150 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 4,43 USD (+4,86%), lên 95,50 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 3,55 USD (+3,72%), lên 98,94 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giữ được ngưỡng 1.500 điểm
Sau phiên sáng giảm khá sâu với gần 20 điểm bị lấy đi, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục chịu sức ép, nhưng sau đó khá nhanh, lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh đã kéo chỉ số dần đi lên và đóng cửa thu hẹp đáng kể đà giảm, lấy lại ngưỡng tâm lý quan trọng 1.500 điểm.
Phiên này, MBB là điểm sáng lớn khi +5,4%, khớp lệnh hơn 37,4 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường.
Bên cạnh đó, nhóm dầu khí đều tăng tốt với ASP, PET, PSH, PGD đều đã tăng hết biên độ, PLX +3,5%, PXS +3,4%, CNG +3,2%, PGC +3,2%, PIT +2,7%, PVD +2,7%.
Chứng khoán Mỹ
Tuy nhiên, các chỉ số tương lai đã rơi mạnh vào sáng nay theo giờ Việt Nam, với Dow Jones giảm khoảng 1,5%, S&P 500 giảm 2,5% và Nasdaq giảm 3,75%, không lâu sau khi nhận tin Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã phê duyệt sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine sau đó đã ra lệnh cho các lực lượng quân đội tiến vào hai vùng đất này.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi tâm lý thị trường trở nên tồi tệ hơn sau khi căng thẳng leo thang xung quanh Nga-Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,71% xuống 26.449,61 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,55% xuống 1.881,08 điểm.
Trong số 225 cổ phiếu cấu thành của Nikkei 225, có tới 199 cổ phiếu giảm giá. Trong đó, cổ phiếu tiêu dùng hoạt động kém nhất, cùng vật liệu cơ bản và công nghệ cũng bị thiệt hại đáng kể.
Trong đó, Tokyo Electron là lực kéo lớn nhất, giảm 4,04%. Peers Advantest và Renesas lần lượt giảm 4,80% và 5,53%.
Hãng sản xuất điện tử Sharp giảm 8,3%, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất, sau khi thay đổi giám đốc điều hành.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe nhích lên, nhờ Daiichi Sankyo tăng 9,55% sau khi có kết quả khả quan đối với loại thuốc điều trị ung thư Erhertu mà hãng này đồng phát triển với AstraZeneca.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro do cuộc khủng hoảng Ukraine đang trở nên tồi tệ hơn.
Đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,96% xuống 3.457,15 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,3% xuống 4.574,15 điểm.
Tổn thất hàng đầu là cổ phiếu ngành tiêu dùng giảm 2,61% trong khi chỉ số ngành theo dõi các hãng truyện tranh, anime và game giảm 5,04%.
Ngoài tình hình chính trị phương Tây gây lực cản, nhà đầu tư cũng lo lắng về khả năng xảy ra một làn sóng siết chặt quy định mới với các công ty công nghệ của Trung Quốc, khiến cổ phiếu nhóm này sụt giảm nghiêm trọng, bao gồm cả cổ phiếu khái niệm "metaverse" và gã khổng lồ giao hàng thực phẩm Meituan.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua, khi cuộc khủng hoảng Ukraine tồi tệ hơn và lo ngại về một đợt siết chặt các quy định mới trong lĩnh vực công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,69% xuống 23.520,00 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/9/2021. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,19% xuống 8.270,69 điểm.
Dẫn đầu đà đi xuống là nhóm cổ phiếu CNTT giảm 1,76% và tài chính giảm 3,18%.
Chứng khoán Hàn Quốc đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong một tuần, khi các nhà đầu tư đổ xô tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn sau khi căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 37,01 điểm, tương đương 1,35% xuống 2.706,79 điểm
Dẫn đầu sự sụt giảm là hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,08% và 1,15%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 2,87%.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng không quá lo với nợ tái cơ cấu
Nhiều ngân hàng đã đưa thêm các biện pháp xử lý nợ để tránh ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận năm nay khi thời gian cơ cấu nợ với khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 hết hạn vào tháng 6/2022..>>
- Giai đoạn tích lũy trở lại
Giai đoạn hiện tại cũng giống như cùng kỳ năm trước, thị trường khi đó có một nhịp giảm mạnh vào tháng 1, hồi phục nhẹ sau đó, nhưng phải mất đến 2 tháng tích luỹ trước khi chinh phục những cột mốc cao hơn..>>
- Dòng tiền có bị “chia lửa”?
Thị trường có dấu hiệu hồi phục sau Tết Nguyên đán 2022, nhưng thanh khoản giảm, không ít nhà đầu tư thận trọng trong việc giải ngân mới..>>
- Không sợ mất cơ hội
Tại thị trường Việt Nam, tâm lý thận trọng quan sát, chờ đợi, duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong tài khoản đang là chủ đạo..>> - OPEC+ muốn tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng hiện tại
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, một số nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC+ muốn tiếp tục chiến lược của mình và bổ sung thêm 400.000 thùng dầu/ngày vào thị trường vào tháng 4..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận