Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán trong nước lội ngược dòng
VN-Index nhích lên trong phiên ATC; Xử lý nợ xấu: Nợ cũ chưa xong, nợ mới chờ ở cửa; Hồi hộp chờ "sóng" lợi nhuận địa ốc; Những chiến lược đầu tư khi ngày bầu cử Mỹ đến gần; Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm; Chính quyền Trump cân nhắc thêm Ant Group của Trung Quốc vào danh sách đen...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/10 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,70 – 56,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 9,5 USD lên 1.901,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.900 USD/ounce, trước khi đảo chiều về lại mức 1.895 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Giá vàng tương lai giao tháng 11 trên sàn Comex New York giảm 11 USD xuống 1.892,1 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,34% lên 93,70 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,62 USD (-1,51%), xuống 40,42 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,61 USD (-0,61%), xuống 42,71 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index trở lại trong phiên ATC
Giảm nhẹ không đáng kể trong phiên sáng, VN-Index nhích dần lên gần 945 điểm trong phiên chiều nhờ một số nhiều bluechip đảo chiều tăng giá.
Mặc dù vậy, áp lực bán gia tăng sau đó kéo chỉ số về quanh tham chiếu, trước khi bật tăng trong phiên ATC nhờ VIC bật lên mức cao nhất ngày.
Cổ phiếu VIC vào phiên ATC đã bật mạnh +2,6%. Trong khi các mã phiên sáng tăng tốt hạ nhiệt như HPG+2,5%, CTG +0,2%. Điểm tựa còn đến từ PNJ +3,3%, MSN +1,4%, VJC, +1,3%, STB +2,6%, HDB +1,44%...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, DBC bất ngờ bị bán tháo mạnh và giảm sàn -7%. Trong khi VCI leo lên giữ sắc tím +7%, khớp hơn 1,38 triệu đơn vị.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Tư (14/10) sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, thỏa thuận về gói viện trợ nhiều khả năng không thể đạt được trước cuộc bầu cử vào tháng 11.
Đồng thời ông Mnuchin kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từ bỏ cách tiếp cận “hoặc là có tất cả hoặc là không có gì” của bà đối với các cuộc đàm phán về gói cứu trợ.
Tâm lý mong manh của thị trường càng bị đè nặng sau khi báo cáo tài chính quý III/2020 hỗn độn của các ngân hàng lớn.
Bank of America báo cáo tổng doanh thu đạt 20,34 tỷ USD, thấp hơn con số ước tính 20,8 tỷ USD và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lợi nhuận đạt 10,13 tỷ USD, giảm 17%.
Ngược lại, Goldman Sach báo cáo lợi nhuận ròng tăng gấp đôi lên 3,48 tỷ USD, tổng doanh thu tăng 29,5% đạt 10,78 tỷ USD.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm khi hy vọng dần tan về một đợt kích thích tài khóa mới của Mỹ sẽ được tung ra sớm, cùng tâm lý chán nản về một đợt sóng lây nhiễm Covid-19 mới châu Âu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,51% xuống 23.507,23 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,74% xuống 1.631,79 điểm.
Thị trường còn bị ảnh hưởng sau khi các nguồn tin của Reuters cho biết rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình đề xuất đưa Tập đoàn Ant của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.
Hôm nay, nhóm cổ phiếu các công ty hoạt động kém nhất là nhà đầu tư mạo hiểm SoftBank Group Corp, giảm 2,08%, tiếp theo là nhà sản xuất thuốc Takeda Pharmaceutical Co Ltd mất 1,97%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy giá cổng nhà máy giảm và tiêu dùng yếu trong tháng 9 đã nhấn mạnh những thách thức dai dẳng đối với nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,03% xuống 3.339,75 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,17% xuống 4.798,74 điểm.
Các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,92% sau khi giá tại nhà máy giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến vào tháng 9 và lạm phát hàng tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp phải những thách thức.
Thêm vào những lo ngại về căng thẳng Trung-Mỹ, với thông tin Tập đoàn Ant của Trung Quốc có thể bị Mỹ vào danh sách đen thương mại trước khi niêm yết kép ở Thượng Hải và Hồng Kông.
Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm mạnh, khi tâm lý nhà đầu tư chịu tác động từ căng thẳng Trung-Mỹ leo thang, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 và sự bế tắc đối với gói kích thích của Mỹ.
Đóng cửa Hang Seng-Index giảm 2,06% xuống 24.158,54 điểm Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,6% xuống 9.762,28 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà lao dốc, với Alibaba Group Holding giảm 4,3% sau khi Reuters đưa tin chính quyền Trump đang xem xét thêm Ant Group do Alibaba hậu thuẫn vào danh sách đen thương mại trước khi công ty công nghệ này niêm yết kép tại Thượng Hải và Hồng Kông.
Trung Quốc đáp trả bằng tuyên bố Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để đàn áp các công ty nước ngoài.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp, khi sự gia tăng của các trường hợp COVID-19 trong nước và hy vọng tắt dần về gói cứu trợ của Mỹ đã làm suy giảm tâm lý giới đầu tư.
Hàn Quốc đã báo cáo có thêm 110 trường hợp nhiễm Covid-19 mới tính đến đêm thứ Tư, đánh dấu mức gia tăng ba con số sau khi số ca nhiễm hàng ngày phần lớn đã chậm lại ở mức hai con số trong những ngày qua.
Đáng chú ý, Big Hit Entertainment, công ty quản lý của nhóm nhạc K-pop BTS, đã ra mắt thị trường chứng khoán với mức định giá 9,6 nghìn tỷ won (8,38 tỷ USD).
Các thông tin đáng chú ý khác
- Xử lý nợ xấu: Nợ cũ chưa xong, nợ mới chờ ở cửa
Dịch bệnh Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kết quả xử lý nợ xấu nói riêng..>>
- Hồi hộp chờ "sóng" lợi nhuận địa ốc
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay, cơ hội đầu tư vẫn luôn hiện hữu trong từng nhóm ngành, không ngoại trừ bất động sản..>>
- Doanh nghiệp Việt đã bắt nhịp với EVFTA
Theo số liệu của Bộ Công thương, kể từ khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi EU (tính cả Anh), tỷ lệ C/O ưu đãi theo EVFTA đạt 7,4%..>>
- Những chiến lược đầu tư khi ngày bầu cử Mỹ đến gần
Trước diễn biến khó lường khi thị trường sắp đối diện với một cuộc bầu cử Mỹ ngày 3/11 với dự báo sẽ xuất hiện nhiều biến động, các chiến lược gia đã đưa ra những chiến lược hành động phù hợp..>>
- Chính quyền Trump cân nhắc thêm Ant Group của Trung Quốc vào danh sách đen
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình một đề xuất để chính quyền Trump thêm Ant Group của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trước khi tập đoàn công nghệ này tiến hành IPO..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận