Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên cuối tuần đỏ lửa
VN-Index lao dốc; Cần tăng quyền của ngân hàng với tài sản bảo đảm; Tăng cường thanh tra, xử phạt vi phạm trên thị trường trái phiếu; Tháng 11, thanh khoản HOSE kỷ lục hơn 32.479 tỷ đồng/phiên; Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bớt nóng; OPEC+ tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng như ban đầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 3/12 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 60,15 – 60,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 8 USD xuống 1.774 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,23 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 3/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.127 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700 - 22.940 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD (+2,47%), lên 68,14 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,81 USD (+2,60%), lên 71,48 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua dừng ở 56.600 USD, thì sang ngày hôm nay tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng trên và bất ngờ có nhịp tăng khá mạnh lên trên 57.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Chứng khoán trong nước
VN-Index đổ đèo, mất gần 40 điểm
Diễn biến thị trường đã có phần tiêu cực hơn trong phiên sáng, khi áp lực bán có dấu hiệu lan rộng khiến sắc đỏ ngày càng mở rộng hơn trên bảng điện tử.
Bước sang phiên chiều, thị trường chỉ kịp le lói sắc xanh, rồi nhanh chóng chìm sâu trong biển đỏ trước áp lực bán diễn ra ồ ạt, khiến VN-Index cắm đầu đi xuống, xuyên qua vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.470-1.475 điểm (MA20) và thủng mốc 1.450 điểm.
Nhóm bluechip giảm sâu với SSI -6,5%, GVR -5,6%, VRE -5,2%, BID -5%, BVH -4,6%, MBB và STB giảm hơn 4%...
Trong khi thị trường nhuộm trong sắc đỏ với nhiều mã vừa và nhỏ nằm sàn và các thành viên của FLC là FLC, HAI, AMD cũng điều chỉnh giảm, thì ROS lại có màn lội ngược dòng ngoạn mục. Kết phiên, ROS đã tăng trần 6,9%.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/12), phục hồi những gì đã mất trong tuần này khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc.
Cổ phiếu hàng không, casino và năng lượng dẫn đầu đà tăng. Cổ phiếu Delta Air Lines tăng khoảng 9,3%, MGM Resorts tăng 7.7%, Hilton Worldwide tăng 7,4%, Norwegian Cruise Line tăng 7,7% và Wynn Resorts tăng 8,2%.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ lực mua bắt đáy ở nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1% lên 28.029,57 điểm. Nhưng chỉ số này vẫn giảm 2,5% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 1,63% lên 1.957,86 điểm và mất 1,3% trong tuần.
Nhóm cổ phiếu bị vùi dập vì lo lắng về sự trỗi dậy của biến thể Omicron đã được mua mạnh trở lại với các hãng hàng không và đường sắt tăng lần lượt 5,28% và 3,28%.Trong đó, công ty du lịch H.I.S tăng 8,06% và KNT-CT Holdings tăng 9,56%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi nhóm cổ phiếu tiêu dùng và các nhà sản xuất chip tăng giá.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,94% lên 3.607,43 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,92% lên 4.901,02 điểm.
Trong tuần, chỉ số CSI300 tăng 0,8%, trong khi Shanghai Composite tăng 1,2%.
Phiên này, nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu tăng 2,6%, với các nhà sản xuất rượu tăng 3,1%. Nhóm cổ phiếu chất bán dẫn tăng 2,5% là những điểm sáng nâng đỡ thị trường.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi Didi hủy niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán New York khiến các nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ hoảng sợ, mặc dù đà giảm được hãm lại nhờ cổ phiếu của HKEx.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,09% xuống 23.766,69 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,6% xuống 8.455,45 điểm.
Trong tuần, chỉ số Hang Seng giảm 1,3%, trong khi HSCE giảm 1,4%.
Didi Global cho biết họ sẽ hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York và hướng tới việc niêm yết tại Hồng Kông, do áp lực từ các cơ quan quản lý Trung Quốc lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Các cổ phiếu công ty công nghệ khác cũng lao dốc với Alibaba và Bilibili lần lượt giảm 4,6% và 7,2%, trong khi, Tencent và Meituan mỗi cổ phiếu giảm hơn 2%.
Tuy nhiên, Sở Giao dịch và Thanh toán bù trừ Hồng Kông (HKEx) đã tăng 4,4% do các nhà đầu tư hy vọng rằng sàn giao dịch này sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng doanh thu, khi nhiều công ty Trung Quốc có thể theo bước Didi niêm yết tại Hồng Kông.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm, được hỗ trợ bởi dòng tiền nước ngoài, mặc dù mức tăng bị chặn lại bởi những cảnh báo về biến thể Omicron.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,78% lên 2.968,33 điểm.Trong tuần, chỉ số này tăng 1,09%.
Cổ phiếu các cổ phiếu chip lớn như Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 0,26% và 1,67%, nhưng Naver và Kakao tăng 0,88% và 0,82%.
Trên bảng chính, các nhà đầu tư nước ngoài đã thêm một phiên mua ròng 156,9 tỷ won cổ phiếu (132,94 triệu USD).
Các thông tin đáng chú ý khác
- Cần tăng quyền của ngân hàng với tài sản bảo đảm
Dịch bệnh diễn biến kéo dài trong gần 2 năm qua, tác động tiêu cực tới hầu hết các ngành kinh tế, bao gồm cả bất động sản là lĩnh vực lâu nay phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng, vì thế nguy cơ nợ xấu bất động sản gia tăng sau dịch là hiện hữu..>>
- Tăng cường thanh tra, xử phạt vi phạm trên thị trường trái phiếu
Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật..>>
- Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bớt nóng
Với việc các cơ quan quản lý siết lại tiêu chuẩn các đợt phát hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ giảm sức nóng trong quý cuối năm..>>
- Tháng 11, thanh khoản HOSE kỷ lục hơn 32.479 tỷ đồng/phiên
Phiên 19/11 đạt kỷ lục với giá trị giao dịch 44.473 tỷ đồng, khối lượng giao dịch 1,48 tỷ cổ phiếu..>>
- OPEC+ tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng như ban đầu
Hôm thứ Năm (2/12), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã nhất trí tuân theo chính sách tăng sản lượng dầu hàng tháng hiện có bất chấp lo ngại rằng việc Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu thô và biến thể Omicron mới sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dầu..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận