24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường quỹ đầu tư: Tiềm năng cao, vì sao chưa lớn?

Số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã vượt hơn 8 triệu vào giữa năm 2024. Những năm gần đây, chứng khoán đang gia tăng sức hút và trở thành kênh đầu tư phổ biến. Nhu cầu đầu tư gia tăng, nhưng thị trường vẫn đang bỏ ngỏ một sản phẩm được cho là an toàn và hiệu quả - chứng chỉ quỹ.

Bản chất của chứng chỉ quỹ đầu tư là một loại chứng khoán (xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ - quyền sở hữu đối với một phần của các tài sản do quỹ nắm giữ), nhưng thay vì nhà đầu tư mua từng chứng khoán riêng lẻ thì ở đây họ góp tiền vào quỹ để công ty quản lý quỹ mua một danh mục chứng khoán và nhà đầu tư được sở hữu một phần danh mục đó.

Chứng chỉ quỹ được coi là giải pháp dành cho người bận rộn và không có nhiều kiến thức về đầu tư chứng khoán, hạn chế được rủi ro so với tự đầu tư, bởi các quỹ đầu tư chứng khoán được các công ty quản lý quỹ với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong phân tích, tìm kiếm cơ hội đầu tư điều hành.

Dù hiệu suất đầu tư không phải lúc nào cũng tốt, nhìn dài hạn, các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường Việt Nam đều có hiệu suất tốt.

Một ưu điểm khác của quỹ đầu tư là khả năng phân tán rủi ro. Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một cổ phiếu không được chiếm quá 20% giá trị quỹ. Các quỹ đầu tư cũng khá khắt khe trong việc lựa chọn cổ phiếu trong danh mục của mình.

Ngoài các quy định về cấp phép thành lập, còn có thêm các yêu cầu hạn chế về đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Tiền của quỹ cũng phải được để ở ngân hàng giám sát uy tín và độc lập hoàn toàn với công ty quản lý quỹ. Ngân hàng vừa giám sát vừa lưu ký, tức giữ tiền và giám sát hoạt động đầu tư của quỹ có đúng với quy định và điều lệ công ty.

Theo số liệu của Boston Consulting Group, tổng tài sản của các công ty quản lý quỹ trên toàn cầu ở thời điểm cuối năm 2023 đạt 98.3 ngàn tỷ USD, tương đương khoảng 98% GDP toàn cầu năm 2022. Còn theo số liệu của Hiệp hội các quỹ đầu tư quốc tế, quy mô quỹ mở và quỹ ETF toàn cầu đạt khoảng 63 ngàn tỷ USD với gần 138 ngàn quỹ, tương đương gần 63% GDP toàn cầu năm 2022.

Có thể thấy, quỹ đầu tư là cấu phần chiếm vai trò quan trọng trên thị trường tài chính. Song tại Việt Nam, quy mô ngành quỹ vẫn còn nhỏ.

Theo số liệu của UBCKNN, dù đã có những bước phát triển đáng khích lệ, quy mô của các quỹ đầu tư chỉ là 74,200 tỷ đồng, tính đến thời điểm 30/4/2023 tức chỉ chiếm khoảng 1% GDP - thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… vốn đã chạm mức 30% GDP.

Số lượng nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ mới đạt khoảng 300,000 nhà đầu tư, chiếm 0.3% dân số.

Vì đâu thị trường vẫn chưa lớn mạnh?

Một trong những trở ngại đầu tiên đối với sự phát triển của quỹ đầu tư Việt Nam là nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thực sự quen thuộc với khái niệm đầu tư thông qua quỹ mà chủ yếu muốn tự đầu tư trên thị trường chứng khoán. Minh chứng là thanh khoản giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán chủ yếu vẫn từ nhà đầu tư cá nhân.

Có 2 yếu tố giải thích cho trở ngại trên. Thứ nhất, nhà đầu tư có tâm lý muốn nhân tài khoản lên nhiều lần trong thời gian ngắn, muốn bắt đáy, bán đỉnh nên thường tự giao dịch.

Thứ hai là ngành quản lý quỹ còn mới, kiến thức của nhà đầu tư chưa nhiều, tạo nên cảm giác thiếu tin tưởng khi đầu tư vào quỹ.

Các vụ lừa đảo mạo danh quỹ đầu tư xảy ra liên tục cũng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn đối với loại hình đầu tư này.

Mặt khác, dòng tiền với khẩu vị rủi ro an toàn - một trong những dòng tiền chính của thị trường quỹ vẫn chưa tìm tới kênh đầu tư này mà vẫn cô đọng ở kênh đầu tư truyền thống. Theo ông Nghiêm Xuân Huy - Nhà sáng lập Finhay, Chủ tịch Chứng khoán VNSC - cho rằng: nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng gửi tiết kiệm rất nhiều, dòng tiền đang cô đọng. Lý do là vì người đầu tư muốn có sự an tâm và tiền vẫn sinh lời.

Thiếu kênh phân phối cũng đang là trở ngại lớn với sự phát triển của thị trường quỹ. Theo bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược Chứng khoán SSI, Cựu Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) - thiếu sót trong hệ thống đại lý phân phối là một trong những nguyên nhân khiến thị trường quỹ chưa thể phát triển. Theo đó, các ngân hàng chưa được phân phối chứng chỉ quỹ mà chỉ giới thiệu, trong khi thực tế ngân hàng là kênh phân phối chính của loại sản phẩm này. Công ty quỹ hiện tại có 2 kênh phân phối là tự phân phối và công ty chứng khoán.

Song, công ty chứng khoán cũng bỏ ngỏ mảng phân phối chứng chỉ quỹ và có xu hướng tập trung khuyến khích nhà đầu tư tự giao dịch khi thị trường tích cực để có nguồn thu phí môi giới.

Ngoài những lý do kể trên, các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể không hài lòng với các loại phí và chi phí liên quan đến một số quỹ, gây ra tâm lý đắn đo khi quyết định đầu tư.

Ở góc độ quỹ đầu tư, nhiều quỹ đầu tư có mục tiêu chung là phân khúc khách hàng có giá trị tài sản ròng cao, nên nhà đầu tư nhỏ lẻ khó tiếp cận.

Thị trường quỹ Việt Nam vẫn còn non trẻ, nhưng đó cũng là cơ hội khi dư địa phát triển còn nhiều, nhất là khi vai trò của quỹ đầu tư là tất yếu tại các thị trường tài chính phát triển.

Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đã có chiến lược phát triển nhà đầu tư tổ chức, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán.

Cụ thể, phát triển các nhà đầu tư tổ chức trong nước, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán hướng tới cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ; khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào TTCK thông qua các loại hình quỹ đầu tư.

Trong một sự kiện gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định: quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam khá lớn. Số lượng các nhà đầu tư mở tài khoản để đầu tư chứng khoán lên tới gần 8 triệu. Tuy nhiên, trong cơ cấu các nhà đầu tư, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức ở mức rất khiêm tốn.

"Do đó, những người có tiền, có vốn ở Việt Nam cần thay đổi nhận thức để đầu tư thông qua nhà đầu tư chuyên nghiệp. Không cần phải có 8 triệu tài khoản, chỉ cần 6 triệu, 5 triệu nhưng một nửa trong số đó là nhà đầu tư tổ chức thì cũng rất tốt rồi" - Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Điều này cho thấy, các chủ thể quản lý thị trường cũng đang khuyến khích sự phát triển của quỹ đầu tư, vì đó là nền tảng để thị trường phát triển bền vững.

Chí Kiên

FILI

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả