Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo xuất khẩu giảm
Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua giảm vì tác động bởi giá gạo xuất khẩu từ các trung tâm sản xuất gạo hàng đầu châu Á giảm nhẹ trong tuần vừa qua
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 8.150 đồng/kg, giá bình quân là 7.868 đồng/kg, giảm 221 đồng/kg.
Giá lúa thường tại kho giảm trung bình 83 đồng/kg, ở mức 9.158 đồng/kg; giá cao nhất là 9.850 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.500 đồng/kg, giá bình quân 14.014 đồng/kg, giảm 550 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.300 đồng/kg, giá bình quân 13.767 đồng/kg, giảm 567 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 14.100 đồng/kg, giá bình quân 13.467 đồng/kg, giảm 567 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 350 đồng/kg, giá trung bình là 14.400 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 cũng giảm 429 đồng/kg, trung bình là 12.217 đồng/kg.
Theo Báo Tin tức, thị trường lúa gạo năm nay khởi sắc từ đầu năm đã giúp nhiều địa phương có sự tăng trưởng tốt trong xuất khẩu mặt hàng này. Như xuất khẩu gạo của Kiên Giang sớm đạt mục tiêu, vượt kế hoạch năm 2023 và tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, so với 8 tháng cùng kỳ, xuất khẩu gạo đạt 201,82 triệu USD, đạt 107,35% kế hoạch, tăng 7,35%.
Hay xuất khẩu gạo của Sóc Trăng 8 tháng đạt 275 triệu USD, tăng 16,58% so với cùng kỳ.
Tỉnh Kiên Giang tập trung chăm sóc, thu hoạch đạt năng suất, chất lượng vụ lúa Hè Thu và Thu Đông 2023, phấn đấu tổng sản lượng hơn 1,9 triệu tấn để cung cấp lúa nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gạo. Tiếp đến, tỉnh chuẩn bị sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024 theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 630-640 USD/tấn vào ngày 7/9, mức thấp nhất trong một tháng và giảm từ mức 640-650 USD/tấn trong tuần trước.
Cùng chung xu hướng, giá gạo xuất khẩu từ các trung tâm sản xuất gạo hàng đầu châu Á khác cũng giảm nhẹ trong tuần qua. Đà tăng giá mạnh từ quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ và khiến người mua ngần ngại ký kết các giao dịch mới.
Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - đã áp đặt mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ vào ngày 25/8 vừa qua, bên cạnh các hạn chế hiện hành đối với loại gạo trắng không phải giống basmati, vào thời điểm giá gạo thế giới đã gần chạm mức cao nhất trong 12 năm.
Tuần này, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 525 - 535 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục từ 520 - 540 USD/tấn ghi nhận vào tuần trước. Một nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết, thuế xuất khẩu đã góp phần đẩy giá lên, và người mua không chấp nhận mức giá đó.
Trong khi đó, nước láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh có kế hoạch sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm do dự trữ nội địa tốt và vụ mùa bội thu kỷ lục.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn 620 USD/tấn từ mức 635 USD/tấn vào tuần trước.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản chủ chốt biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 8/9 tại thị trường Mỹ, với giá đậu tương tăng, còn giá ngô và lúa mỳ đồng loạt đi xuống.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 giảm 2,5 xu Mỹ (tương đương 0,51%) xuống 4,8375 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2023 giảm 4 xu Mỹ (0,67%) xuống 5,9575 USD/bushel. Ngược lại, giá đậu tương giao tháng 11/2023 tăng nhẹ 3,5 xu Mỹ (0,26%) lên 13,63 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Dữ liệu từ Cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu 71,65 triệu tấn đậu tương trong 8 tháng năm nay, tăng 17,9% so với một năm trước đó. Chỉ riêng trong tháng 8/2023, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đạt 9,36 triệu tấn, giảm so với mức 9,73 triệu tấn của tháng 7/2023 và 10,27 triệu tấn của tháng 6/2023, nhưng cao hơn mức 7,17 triệu tấn đậu tương nhập khẩu trong cùng kỳ năm ngoái. Giá mỗi tấn đậu tương mà Trung Quốc nhập khẩu trong 8 tháng qua giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 4.288,6 NDT (khoảng 593,99 USD). Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu tổng cộng 91,08 triệu tấn đậu tương vào năm ngoái.
Doanh số xuất khẩu hàng tuần của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/9 là 13,6 triệu bushel lúa mỳ, 37,4 triệu bushel ngô và 65,5 triệu bushel đậu tương.
Dự kiến đầu tuần tới khu vực phía Nam và Đồng bằng miền Trung nước Mỹ sẽ có mưa. Mưa đến quá muộn để hỗ trợ triển vọng năng suất ngô và đậu tương, nhưng là điều kiện thuận lợi để gieo trồng lúa mỳ vụ Đông.
Về thị trường cà phê thế giới, giá cà phê trên thị trường thế giới vẫn chưa tăng trở lại trong phiên cuối tuần ngày 8/9. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2023 tại sàn giao dịch London đứng mức 2.407 USD/tấn, không đổi so với phiên trước.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 tại sàn ICE US- New York được giao dịch ở mức 148,65 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg) sau khi giảm 0,77% (tương đương 1,15 xu Mỹ) tại thời điểm 11 giờ 48 phút ngày 9/9 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê Arabica đã chạm mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Áp lực giảm đang đè nặng lên giá cà phê khi Brazil sắp kết thúc vụ thu hoạch, thúc đẩy xu hướng bán tháo cà phê lấy tiền mặt, bởi người trồng cà phê ở Brazil cần bán lượng tồn vụ cũ để nhường chỗ cho cà phê mới thu hoạch.
Báo cáo ngày 8/9 của Tổ chức Cà phê Quốc tế cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2023 đã giảm 5,7% so với một năm trước đó, xuống mức 103,74 triệu bao.
Thị trường cà phê toàn cầu được dự đoán sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao trong niên vụ tính từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024.
Xuất khẩu cà phê tiếp tục khởi sắc
Theo báo Công thương, giá cà phê dự báo sẽ tiếp tục tăng khi tại một số tỉnh trọng điểm trồng cà phê thực tế cho thấy, lượng cà phê dự trữ trong nhân dân và một số doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết. Nhìn xa hơn, triển vọng nguồn cung cà phê vẫn không mấy tích cực trong niên vụ 2023/2024. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ sắp tới chỉ ở mức 27,5 triệu bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 3 niên vụ gần đây. Kết hợp cùng cảnh báo từ Trung tâm Dự đoán Khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), El Nino đã xuất hiện và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mùa vụ cà phê tại các quốc gia sản xuất hàng đầu Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, khiến cho vấn đề hồi phục nguồn cung cà phê tại đây vẫn là một thách thức lớn.
Không riêng tại Việt Nam, hai quốc gia cung ứng cà phê lớn trên thế giới khác là Brazil và Indonesia đều cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan về nguồn cung cà phê niên vụ 2023/2024. Thậm chí, USDA còn dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 tại Indonesia chỉ khoảng 9,7 triệu bao, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm.
Tuy nhiên, tín hiệu vui trên thị trường cà phê là thay vì xuất khẩu cà phê thô như trước đây, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao. Đây là cơ hội để chinh phục những thị trường khó tính, nâng cao thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Trong khi nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam ưa chuộng cà phê Robusta, thị hiếu của thế giới đa phần lại ưa chuộng cà phê Arabica. Tuy nhiên, do giá cà phê Robusta hiện thấp hơn Arabica, trong khi sản lượng đang ở mức thấp nên nhu cầu loại cà phê này vẫn rất cao và dư địa để tăng giá là có thể.
Hiện tại, trên nhiều vùng trồng 2 loại cà phê này của Việt Nam đều đang thay đổi phương thức canh tác theo hướng xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường... để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao cho xuất khẩu.
Mục tiêu từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cho năng suất cao và chất lượng vượt trội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận